Cảnh báo hiểm họa bom mìn sau đợt lũ lụt ở Balkan

Trận lụt kinh hoàng tại các nước vùng Balkan đã làm bật tung nhiều bom mìn còn sót lại từ thời chiến tranh, làm dấy lên lo ngại về các mối nguy hiểm trong hoạt động khắc phục hậu quả thiên tai.
Cảnh báo hiểm họa bom mìn sau đợt lũ lụt ở Balkan ảnh 1Cảnh ngập lụt ở Banja Luka, Bosnia-Herzegovia. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 21/5, nhà chức trách Bosnia-Herzegovina cho biết trận lụt kinh hoàng tại các nước vùng Balkan đã làm bật tung nhiều bom mìn còn sót lại từ thời chiến tranh, làm dấy lên lo ngại về các mối nguy hiểm trong hoạt động khắc phục hậu quả thiên tai.

Trung tâm Hành động bom mìn (MAC) cho biết cuối ngày 20/5, đã có một quả mìn phát nổ tại quận Brcko, miền Bắc Bosnia-Herzegovina, song không gây thiệt hại về người.

MAC cho biết đây là một trong số 120.000 thiết bị phát nổ ước tính còn sót lại sau cuộc nội chiến ở Bosnia-Herzegovina những năm 1992-1995.

Ngoài ra, một tủ lạnh chứa chín thiết bị nổ, một thiết bị phóng tên lửa và một thùng rác bằng nhựa chứa đầy bom và đạn dược, cũng được phát hiện trong dòng nước lũ.

Tại Bosnia-Herzegovina, giới chức địa phương cho biết mực nước tại sông Sava vẫn đang ở mức báo động và mức độ thiệt hại nghiêm trọng đến mức có thể phải mất tới hơn 10 năm để khắc phục.

Khoảng 1 triệu người dân hiện không có nước sạch để sinh hoạt.

Trong khi đó, tại Serbia, phần lớn diện tích các khu trang trại vẫn đang ngập dưới nước, nhiều nơi không có điện, nhiều thị trấn và làng mạc bị cắt đứt giao thông liên lạc.

Chính quyền nước này đã cảnh báo nguy cơ dịch bệnh xảy ra do thời tiết nóng đang đẩy nhanh quá trình phân hủy hàng trăm tấn xác súc vật trôi nổi trong làn nước.

Thủ tướng Serbia Aleksandar Vucic cho biết chi phí xây dựng lại các tuyến đường bộ, cầu và cải tạo cơ sở hạ tầng khác có thể lên đến một tỷ euro (1,4 tỷ USD).

Đến nay, 19 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã đề xuất hỗ trợ, gửi 400 nhân viên cứu hộ tới các vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cử chuyên gia đến Serbia tư vấn cho giới chức địa phương cách thức làm vệ sinh môi trường và đảm bảo nguồn nước uống an toàn.

WHO cho biết sẽ huy động các nguồn lực y tế để ngăn chặn nguy cơ bùng phát các loại dịch bệnh thông thường khi xảy ra nạn lụt như dịch tả.

Các tổ chức cứu trợ của Liên hợp quốc cũng đã mở chiến dịch khẩn cấp giúp đỡ những nạn nhân bị ảnh hưởng bởi thiên tai ở khu vực Balkan.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon tuyên bố Liên hợp quốc "sẵn sàng huy động các trợ giúp nhân đạo bổ sung nếu cần thiết."

Đợt mưa lớn trong tuần trước gây vỡ bờ sông Sava và các nhánh của nó, khiến nước nhấn chìm nhiều khu vực rộng lớn và gây ra hàng nghìn vụ lở đất.

Số người thiệt mạng trong trận lụt hiện nay ở khu vực này đã lên đến 49 trường hợp. Hơn 100.000 người ở Bosnia đã phải sơ tán, khoảng 32.000 người ở Serbia phải rời khỏi nhà, trong khi 15.000 người ở Croatia phải tìm nơi sống tạm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục