Cảnh sát biển đồng hành cùng ngư dân Quảng Trị vươn khơi bám biển

Hải đội 202 đã phối hợp với các ngành chức năng và địa phương tổ chức các buổi tuyên truyền tập trung cũng như lưu động để người dân có thể tiếp cận, hiểu thêm về Luật Cảnh sát biển.
Cảnh sát biển đồng hành cùng ngư dân Quảng Trị vươn khơi bám biển ảnh 1Lực lượng cảnh sát biển phát tờ rơi tuyên truyền các quy định tới ngư dân. (Ảnh minh họa: TTXVN phát)

Để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo quê hương, thời gian qua Luật Cảnh sát biển Việt Nam đóng vai trò, vị trí và ý nghĩa rất lớn đối với ngư dân Quảng Trị.

Ra đời và có hiệu lực từ ngày 1/7/2019, đến nay, Luật Cảnh sát biển Việt Nam đã tạo ra hành lang pháp lý vững chắc để lực lượng cảnh sát biển thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, duy trì thực thi pháp luật cũng như bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên biển.

Cũng nhờ có Luật Cảnh sát biển Việt Nam, ngư dân Quảng Trị có thêm niềm tin, điểm tựa vững chắc về cơ sở pháp lý trong quá trình đánh bắt, khai thác thủy, hải sản trên biển…

Đưa luật vào cuộc sống

Hải đội 202 trực thuộc Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 đóng quân trên địa bàn xã Triệu An, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, có nhiệm vụ chính là huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc.

Bên cạnh đó, Hải đội thực hiện tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, duy trì, thực thi pháp luật trên biển; giám sát hiệp định nghề cá; tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn và các nhiệm vụ khác, đảm bảo an ninh, an toàn khu vực đơn vị đóng quân.

Xác định công tác tuyên truyền có ý nghĩa quan trọng và then chốt để người dân có thể tiếp cận và hiểu rõ Luật Cảnh sát biển Việt Nam, những năm qua, để hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, đơn vị đã triển khai nhiều hoạt động có ý nghĩa thiết thực, góp phần đưa luật vào cuộc sống.

Đóng quân tại một địa phương có điều kiện kinh tế-xã hội còn gặp nhiều khó khăn, nhận thức của người dân về Luật Cảnh sát biển nói riêng và các đường lối, chủ trương, pháp luật của Nhà nước nói chung còn gặp nhiều hạn chế.

Nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân vùng biển, Hải đội 202 đã phối hợp với các ngành chức năng và địa phương tổ chức các buổi tuyên truyền tập trung cũng như lưu động để người dân có thể tiếp cận, hiểu thêm về Luật Cảnh sát biển, những trách nhiệm, quyền lợi và nghĩa vụ trong quá trình đánh bắt trên biển theo hướng đa dạng, sáng tạo, hiệu quả.

Bên cạnh đó, đơn vị tổ chức linh hoạt các mô hình, biện pháp phổ biến mới, phù hợp, cũng như tăng cường áp dụng công nghệ thông tin; quan tâm xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên vững vàng về chính trị tư tưởng, am hiểu về pháp luật, có kỹ năng và chuyên môn nghiệp vụ tốt.

Ông Hoàng Cộng Hòa, Bí thư Đảng ủy xã Triệu An, huyện Triệu Phong cho biết trong thời gian vừa qua, Hải đội 202 đã tích cực phối hợp tốt với địa phương triển khai làm tốt công tác tuyên truyền cho cán bộ và nhân dân trên địa bàn nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết về pháp luật, nhất là những nội dung cơ bản Luật Cảnh sát biển Việt Nam.

Việc tổ chức đa dạng các cách thức tổ chức tuyên truyền như: Thực hiện chương trình công tác dân vận “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân”; cuộc thi “Em yêu biển đảo quê hương”; phổ biến tầm quan trọng của biển, đảo quê hương, cũng như chức năng, nhiệm vụ, truyền thống của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam… đã thu hút đông đảo cán bộ và các tầng lớp nhân dân tham gia.

Để Luật Cảnh sát biển được ngư dân tiếp cận và đi vào cuộc sống, đơn vị đã phối hợp với chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể địa phương, các trường học trên địa bàn xây dựng kế hoạch tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như: triển khai các lớp tập huấn, các buổi tuyên truyền phổ biến Luật Cảnh sát biển; kết hợp tuyên truyền cho ngư dân về tình hình biển, đảo; các quy định về chống khai thác hải sản bất hợp pháp; tổ chức cuộc thi “Em yêu biển đảo quê hương”; Chương trình trải nghiệm “Chúng em làm chiến sĩ Cảnh sát biển”…

Từ những hoạt động trên, đến nay, những người dân vùng biển tỉnh Quảng Trị đã nắm rõ những quy định cần thiết trong quá trình khai thác, đánh bắt trên biển cũng như trách nhiệm của mỗi công dân trong việc bảo vệ biển, đảo quê hương của Tổ quốc.

[Quảng Nam: Vùng Cảnh sát biển 2 hỗ trợ ngư dân vươn khơi, bám biển]

Để mỗi cán bộ, chiến sỹ thực hiện tốt nhiệm vụ của mình và quán triệt sâu sắc, thấm nhuần những quy định trong Luật Cảnh sát biển Việt Nam, đơn vị cũng đã triển khai hiệu quả thông qua việc duy trì có nền nếp, chất lượng các kế hoạch, chương trình huấn luyện hàng năm như: thực hiện Ngày Pháp luật; học tập “Sổ tay pháp luật Cảnh sát biển” gắn với quy định “Mỗi ngày học một điều luật”...

Bên cạnh đó, đơn vị cũng thường xuyên cập nhật, bổ sung các văn bản, quy định mới của pháp luật, nhất là các văn bản có nội dung liên quan đến Luật Cảnh sát biển Việt Nam, nhằm đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, tìm hiểu của cán bộ, chiến sỹ. Hiện nay, đơn vị đang duy trì có hiệu quả hoạt động quản lý, khai thác 5 tủ sách pháp luật tại Hải đội và ở 4 tàu.

Điểm tựa pháp lý vững chắc của người ngư dân

Theo Hải đội 202, trong giai đoạn 2019-2021, đơn vị đã phối hợp tổ chức được 11 đợt tuyên truyền, phổ biến Luật Cảnh sát biển Việt Nam tại 7 xã và 4 trường học trên địa bàn, thu hút được hơn 4.100 cán bộ công chức, viên chức, học sinh, nhân dân tham gia, cấp phát được hơn 3.000 tờ rơi, tờ gấp có nội dung liên quan đến luật này và những điều ngư dân cần biết.

Ngư dân Trần Thu, xã Triệu Lăng, huyện Triệu Phong, chia sẻ: "Ngày trước, bà con ra biển chỉ biết đến tay lưới, con cá, con mực. Nhưng bây giờ đã khác, được sự tuyên truyền, vận động của cán bộ, chiến sỹ Hải đội 202 và chính quyền địa phương, ngư dân đều nắm được cơ bản về Luật Cảnh sát biển Việt Nam. Đối với ngư dân chúng tôi, đây là điểm tựa vững chắc trong quá trình đánh bắt trên biển, đặc biệt là những vùng khơi xa, vùng ranh giới. Bên cạnh đó, bà con cũng có ý thức hơn trong trách nhiệm và nghĩa vụ bảo vệ ngư trường, chủ quyền biển, đảo của quê hương..."

Luật Cảnh sát biển Việt Nam ra đời cũng tạo thuận lợi cho Cảnh sát biển bảo vệ, giúp đỡ người dân làm ăn hợp pháp trên biển. Bên cạnh đó, Luật Cảnh sát biển Việt Nam đã trở thành điểm tựa pháp lý vững chắc của người ngư dân hoạt động trong vùng biển Việt Nam và trên vùng biển quốc tế.

Ông Đặng Quang Hải, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Triệu Lăng, huyện Triệu Phong chia sẻ được trang bị hành trang kiến thức về luật Cảnh sát biển, những ngư dân trên địa bàn đều tuân thủ theo các quy định đã đặt ra. Đồng thời, họ có ý thức và trách nhiệm hơn đối với bảo vệ ngư trường, chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia trong quá trình khai thác thủy hải sản ở trên biển.

Từ đây, mỗi người dân trở thành “tai, mắt” là “cánh tay nối dài” của lực lượng cảnh sát biển. Luật Cảnh sát biển cũng bảo đảm pháp chế, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý nhà nước, thực thi pháp luật và bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn trên biển.

Trung tá Lê Bá Nguyên, Chính trị viên Hải đội 202 cho biết trong thời gian tới, để tiếp tục triển khai sâu rộng Luật Cảnh sát biển Việt Nam vào cuộc sống, đơn vị sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến luật này trên địa bàn đóng quân.

Hải đội thường xuyên đổi mới, đa dạng hình thức tuyên truyền, phổ biến, cũng như phối hợp phát huy tác dụng của hệ thống loa truyền thanh tại các địa phương; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào việc tuyên truyền, phổ biến Luật Cảnh sát biển Việt Nam; nâng cao hiệu quả hoạt động tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, duy trì thực thi pháp luật, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn trên biển./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục