Cảnh sát Thái yêu cầu "áo đỏ" dỡ chướng ngại vật

Cảnh sát Thái Lan đã đẩy lùi lực lượng "áo đỏ" ra khỏi khu vực đối đầu ở thủ đô Bangkok sau hàng loạt vụ nổ lựu đạn ở Silom.
Ngày 23/4, cảnh sát Thái Lan đã đẩy lùi lực lượng "áo đỏ" ra khỏi khu vực đối đầu ở thủ đô Bangkok sau hàng loạt vụ nổ lựu đạn ở khu vực trung tâm tài chính Silom tối 22/4.

Sáng 23/4, hàng trăm cảnh sát chống bạo động Thái Lan và hàng nghìn người biểu tình "áo đỏ" đã đối mặt nhau tại một quận thương mại ở trung tâm Bangkok.

Cảnh sát được trang bị dùi cui và khiên đã yêu cầu những người "áo đỏ" dỡ bỏ hàng rào chướng ngại vật dựng bằng lốp xe. Động thái này diễn ra sau 5 vụ nổ lựu đạn ở Bangkok tối 22/4, làm 1 người chết và 85 người bị thương.

Đây là vụ đổ máu mới nhất trên đường phố Bangkok trong cuộc đối đầu kéo dài nhiều tuần qua giữa Chính phủ của Thủ tướng Abhisit Vejjajiva và lực lượng "áo đỏ".

Trước tình hình chính trị căng thẳng tại Thái Lan, nhiều nước trên thế giới đã lên tiếng kêu gọi hai bên đối đầu ở xứ sở này đàm phán giải quyết cuộc khủng hoảng đồng thời cảnh báo công dân của mình tránh đến thủ đô Bangkok sau vụ bạo lực tối 22/4 làm tê liệt trung tâm thành phố.

Từ Washington đến London, từ Singapore đến Jakarta, chính phủ các nước là thành viên Liên hợp quốc đều kêu gọi các bên ở Thái Lan kiềm chế, tránh để bạo lực tái diễn và giải quyết tình hình một cách hòa bình thông qua đàm phán.

Ngày 23/4, Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Marty Natalegawa nêu rõ: "Là một nước láng giềng và cùng là thành viên ASEAN, Indonesia rất lo ngại trước tình trạng leo thang bạo lực ở Thái Lan và mong muốn các bên hãy kiềm chế tối đa, giải quyết các bất đồng thông qua đàm phán và tuân thủ các nguyên tắc dân chủ và trật tự pháp luật. Indonesia sẵn sàng hỗ trợ và tạo mọi điều kiện cho cuộc đàm phán đó."

Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Singapore cũng ra tuyên bố nêu rõ, Singapore đặc biệt lo ngại trước những vụ tấn công bằng lựu đạn mới đây ở thủ đô Bangkok và hy vọng vào một giải pháp hòa hình cho cuộc xung đột chính trị ở Thái Lan.

Singapore hy vọng những người dân Thái, không phân biệt phe phái nào, sẽ gạt bất đồng sang một bên vì lợi ích chung của đất nước Thái Lan, tránh bạo lực và tìm kiếm một giải pháp hòa bình, hòa giải và lâu bền. Đây là điều quan trọng không chỉ đối với đất nước Thai Lan, mà còn đối với toàn bộ Hiệp hội ASEAN.

Trước nguy cơ bạo lực leo thang nghiêm trọng tại Thái Lan, nhiều nước và vùng lãnh thổ đã khuyến cáo công dân khi đi du lịch Thái Lan. Quan chức Bộ Ngoại giao Thái Lan cho biết hiện đã có 40 nước và vùng lãnh thổ cảnh báo công dân của họ lưu ý sự an toàn khi đi du lịch Thái Lan, trong đó 13 nước và vùng lãnh thổ còn đề nghị công dân của mình tránh xa thủ đô Bangkok.

Phe "áo đỏ" bắt đầu cuộc biểu tình quy mô lớn chống chính phủ tại Bangkok từ giữa tháng 3 vừa qua và đã xảy ra giao tranh dữ dội với lực lượng an ninh ngày 10/4, làm 25 người thiệt mạng, hơn 800 người bị thương./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục