Cạnh tranh Mỹ-Trung thời Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực

Trung Quốc là nước được hưởng lợi về xuất khẩu nhiều nhất từ RCEP, với kim ngạch đạt khoảng 244-248 tỷ USD đến năm 2030, giúp giảm bớt sự lệ thuộc vào Mỹ trong lĩnh vực xuất khẩu.
Cạnh tranh Mỹ-Trung thời Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực ảnh 1Hàng hóa được xếp tại cảng ở Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo trang mạng eastasiaforum.org, tháng 11/2020, 15 quốc gia đã ký Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với tình trạng chia rẽ và chủ nghĩa bảo hộ thương mại lan rộng.

Không chỉ phản ánh thành công từ chính sách ngoại giao của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), tăng cường hoạt động thương mại và phát triển nền kinh tế khu vực, RCEP còn mang lại nhiều lợi ích tầm cỡ quốc gia cho Trung Quốc, giúp nền kinh tế lớn nhất châu Á trở nên mạnh hơn cả về kinh tế lẫn chính trị.

Theo ước tính, Trung Quốc là nước được hưởng lợi về xuất khẩu nhiều nhất từ RCEP, với kim ngạch đạt khoảng 244-248 tỷ USD đến năm 2030, xếp trên Nhật Bản (128-135 tỷ USD) và Hàn Quốc (63-64 tỷ USD).

Điều này đồng nghĩa tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc sẽ chiếm gần 50% tăng trưởng xuất khẩu của tất cả các nước thành viên RCEP. Mặc dù những lợi ích này có thể không bù đắp được tổng thiệt hại từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung kéo dài, song vẫn đủ để giúp giảm bớt tác động tiêu cực cho Trung Quốc và giảm bớt sự lệ thuộc vào Mỹ trong lĩnh vực xuất khẩu.

RCEP cũng sẽ đẩy mạnh việc phân bổ lao động trong các chuỗi cung ứng của khu vực và giúp cải thiện cơ cấu nền công nghiệp Trung Quốc. Chi phí lao động thấp của các nước ASEAN đã góp phần thu hẹp mức thặng dư của Trung Quốc so với các nền kinh tế của hiệp hội từ năm 2015, kích thích quá trình dịch chuyển chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang Đông Nam Á.

Các cam kết loại bỏ thuế quan của Trung Quốc trong khuôn khổ RCEP sẽ tăng tốc hơn nữa quá trình này. Do đó, việc Trung Quốc nhập khẩu các mặt hàng thâm dụng lao động từ các nước ASEAN sẽ gia tăng đáng kể, tạo sự cạnh tranh với các công ty Trung Quốc, khích lệ những điều chỉnh về chi phí, hướng đến việc sản xuất hàng hóa tập trung vào nguồn vốn cũng như công nghệ.

[Vì sao Mỹ chưa thể thu hẹp khoảng cách về thương mại với Trung Quốc?]

RCEP cũng góp phần thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc. Tự do hóa thương mại sẽ giúp nới lỏng một số hạn chế như các biện pháp kiểm soát đầu tư nước ngoài.

Chính phủ Trung Quốc vừa cam kết giảm bớt các hạn chế về tiếp cận thị trường, mở rộng hơn nữa các ngành công nghiệp dịch vụ và phi dịch vụ cho các tập đoàn đa quốc gia (MNC).

Đến nay, nhiều MNC vẫn còn lo ngại trước các vụ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của Trung Quốc. Vì vậy, RCEP được kỳ vọng sẽ có tác động tích cực đến việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tại quốc gia này.

Mặc dù các điều khoản về quyền sở hữu trí tuệ của RCEP vẫn tồn tại một số hạn chế, phần lớn đều là các vấn đề tồn đọng tại Trung Quốc, song ít nhiều cũng có thể là yếu tố khiến Bắc Kinh có các điều chỉnh nghiêm ngặt hơn để bảo vệ quyền kiểm soát thông tin trong không gian số, tăng cường sử dụng các phần mềm chống xâm nhập và tiêu hủy hàng giả, hàng nhập lậu.

Các MNC nước ngoài sẽ được khuyến khích đầu tư hơn nữa tại Trung Quốc, mang lại nguồn vốn và công nghệ quốc tế. Điều này, đổi lại, giúp nâng cao năng lực sản xuất, chế tạo và thiết kế cho thị trường lao động Trung Quốc.

Trung Quốc cũng sẽ hưởng lợi từ RCEP khi xét tới khía cạnh địa chính trị. Trước hết, việc nước này tham gia RCEP sẽ trấn an các quốc gia láng giềng. Sự tham gia tích cực của Trung Quốc trong quá trình hợp tác tại châu Á nhấn mạnh cam kết của nước này đối với công cuộc gìn giữ hòa bình và thúc đẩy tăng trưởng khu vực.

Trong khi đó, việc tham gia RCEP cho thấy Trung Quốc sẵn sàng mở rộng thị trường hơn nữa và tuân thủ các quy định chung. Điều này sẽ giúp giảm bớt những hoài nghi về mặt địa chính trị của các nước trong khu vực.

Thứ hai, sức mạnh chính trị của Trung Quốc trong khu vực cũng sẽ được cải thiện nhờ RCEP. Hiệp định này sẽ củng cố sự tương thuộc kinh tế giữa Trung Quốc và các thành viên khác trong hiệp định, qua đó đưa các quốc gia này lại gần hơn với quỹ đạo kinh tế và chính trị của cường quốc số một châu Á, đồng thời cho phép Bắc Kinh nâng tầm ảnh hưởng đối với các quy tắc và tiêu chuẩn của hiệp định.

Trung Quốc đang thúc đẩy việc ký kết hiệp định thương mại tự do (FTA) ba bên với Hàn Quốc và Nhật Bản, nhằm tăng cường kết nối kinh tế và xây dựng lòng tin chính trị. RCEP có thể đóng một vai trò then chốt trong quá trình thương thảo hiệp định này, nâng cao quyết tâm của 3 quốc gia trong việc hoàn tất một quyết sách quan trọng. Dự kiến cuối năm nay, lãnh đạo 3 nước sẽ nhóm họp để thảo luận về vấn đề này.

Sau khi RCEP có hiệu lực, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung có thể sẽ tiếp tục leo thang bởi hiệp định này sẽ tác động hơn nữa đến quyền lực kinh tế và chính trị của Trung Quốc, đồng thời buộc Mỹ phải có biện pháp ứng phó nhằm tranh giành ảnh hưởng về địa chính trị tại khu vực.

Mỹ được cho là sẽ giữ nguyên mức thuế thương mại đối với hàng hoá của Trung Quốc, tăng tốc trong cuộc đua thâu tóm công nghệ và triển khai các chiến lược khác nhằm phát triển các ngành công nghiệp và công nghệ nội địa.

Cho dù Mỹ chọn con đường nào, Trung Quốc sẽ tiếp tục thúc đẩy quan hệ với các quốc gia trên khắp châu Á và châu Âu, đồng thời tìm cách phát triển lĩnh vực công nghệ, vốn là thế mạnh của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhấn mạnh tầm quan trọng của chủ nghĩa đa phương và sự thay đổi trật tự tự do quốc tế mà nước này xây dựng. Tổng thống Biden đã chỉ ra một số lợi ích nếu Mỹ tái gia nhập Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), tuy nhiên những áp lực trong nước có thể sẽ khiến khả năng này khó xảy ra, ngay cả khi các điều khoản mới trong hiệp định là có lợi cho Mỹ. Ông Biden cũng đã thảo luận với lãnh đạo các nước Australia, Nhật Bản, Ấn Độ và Hàn Quốc, bày tỏ mong muốn thắt chặt quan hệ hợp tác trong lĩnh vực an ninh.

Nếu Mỹ coi trọng các hiệp định thương mại như TPP và củng cố mạng lưới các FTA với Mỹ là trung tâm, Washington có thể khẳng định mạnh mẽ hơn cam kết với khu vực châu Á-Thái Bình Dương, mang lại nhiều lựa chọn về kinh tế cho các đồng minh và đối tác. Điều này có thể mang đến cơ hội hợp tác cho Mỹ và Trung Quốc, song cũng có thể khiến cuộc chiến thương mại giữa hai nước trở nên căng thẳng hơn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục