Ngày 28/8, tại Thành phố Hồ Chí Minh, lãnh đạo Vụ Lao động-Tiền lương (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) đã có buổi đối thoại trực tiếp với đại diện 150 doanh nghiệp của Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam về những điểm thay đổi và cập nhật trong chính sách lao động-tiền lương.
Buổi đối thoại tập trung vào 5 nhóm chủ đề chính gồm Ban hành và đăng ký nội quy lao động, những điểm cần lưu ý trong nội quy lao động liên quan đến xử lý luật lao động; Thương lượng tập thể và Thỏa ước lao động tập thể; tiến hành đối thoại tại nơi làm việc và quy chế dân chủ cơ sở; xây dựng và áp dụng thang bảng lương với doanh nghiệp ngoài quốc doanh; các vấn đề liên quan đến tính và trả lương làm việc ngoài giờ.
Tại buổi đối thoại, bà Tống Thị Minh, Vụ trưởng Vụ Lao động-Tiền lương đã điểm lại những vấn đề cần lưu ý trong quá trình áp dụng những quy định liên quan đến lao động-tiền lương; trong đó, thời gian bắt buộc tổ chức những hoạt động giữa người lao động và người sử dụng lao động như 3 tháng/lần tổ chức đối thoại tại nơi làm việc, 1 năm/lần đối với thương lượng tập thể, định nghĩa mới về tiền lương, cách tính mới về lương làm thêm giờ ban đêm…
Theo bà Minh, những thay đổi và hướng dẫn thực hiện chi tiết cho Bộ luật Lao động hiện hành được soạn thảo và phê chuẩn trong thời gian gần đây đã phần nào cải tiến khung pháp lý quản lý lao động và nâng cao mức sống của đại đa số lực lượng lao động.
Những hướng dẫn này về lâu dài sẽ đem lại những lợi ích rất lớn cho các đối tượng tham gia, nhưng đòi hỏi việc thực hiện và triển khai tại doanh nghiệp dựa trên hiểu biết cụ thể, chính xác về cách thức thực hiện.
Nhiều câu hỏi của đại diện các doanh nghiệp xoay quanh phương thức sửa đổi hợp đồng, bổ sung phụ lục hợp đồng lao động trong trường hợp tính lương theo định nghĩa mới bao gồm cả phụ cấp, tính lương theo thời gian, tính lương làm thêm giờ, lương nghỉ phép, giải quyết xung đột và kỷ luật lao động… đã được lãnh đạo Vụ Lao động-Tiền lương trao đổi, trả lời cặn kẽ, chi tiết./.