CG 2008: Cam kết ODA đạt trên 5 tỷ USD

Chiều 5/12, tại Hà Nội, Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG) 2008 đã bế mạc, với tổng cam kết từ các nhà tài trợ là 5,014 tỷ USD. Trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn như hiện nay, con số này thể hiện nỗ lực, cũng như niềm tin của các nhà tài trợ đối với công cuộc cải cách và phát triển của Việt Nam.

Chiều 5/12, tại Hà Nội, Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG) 2008 đã bế mạc, với tổng cam kết từ các nhà tài trợ là 5,014 tỷ USD. Trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn như hiện nay, con số này thể hiện nỗ lực, cũng như niềm tin của các nhà tài trợ đối với công cuộc cải cách và phát triển của Việt Nam.

Trong số này, Ngân hàng Thế giới (WB) cam kết tài trợ lớn nhất với 1,66 tỷ USD; ADB cam kết 1,566 tỷ USD, tăng hơn 200 triệu USD; EU giảm cam kết gần 70 triệu USD xuống còn 893,48 triệu USD. Hầu hết các nhà tài trợ khác đều tăng mức cam kết cho Việt Nam.

Phát biểu bế mạc hội nghị, Phó chủ tịch WB, phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, ông James Adams, bày tỏ tin tưởng Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì những nỗ lực cải cách kinh tế và xã hội; cam kết nỗ lực hơn nữa nhằm tăng cường hiệu quả hợp tác, cũng như tối đa hóa sự hỗ trợ của cộng đồng các nhà tài trợ dành cho Việt Nam.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc đã thay mặt Chính phủ Việt Nam bày tỏ cảm ơn các nhà tài trợ tiếp tục ủng hộ Việt Nam; hy vọng các nhà tài trợ sớm thể hiện các cam kết thành các hiệp định hợp tác song phương và đa phương; đồng thời cam kết Việt Nam sẽ sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA.

Bộ trưởng nhấn mạnh trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn như hiện nay, con số hơn 5 tỷ USD thể hiện nỗ lực, cũng như niềm tin của các nhà tài trợ đối với công cuộc cải cách và phát triển của Việt Nam. Tuy nhiên, Bộ trưởng lấy làm tiếc vì Nhật Bản chưa cam kết viện trợ cho Việt Nam, nếu Nhật Bản cam kết thì tổng ODA cam kết tại Hội nghị này có thể vượt 6 tỷ USD.

Bộ trưởng cho biết thêm phía Nhật Bản vẫn khẳng định Việt Nam là đối tác viện trợ hàng đầu và tiếp tục quan tâm tới các chương trình, dự án của Việt Nam. Bộ trưởng hy vọng hai bên sẽ phối hợp chặt chẽ để sớm giải quyết những vấn đề đang cản trở ODA cho Việt Nam và Bộ trưởng cùng ngài Đại sứ Nhật Bản có thể gặp lại để ký kết công hàm về ODA của Nhật Bản dành cho Việt Nam vào đầu năm 2009.

Phía Nhật Bản đã thông báo tạm dừng 3 dự án ODA dành cho Việt Nam (từ đầu năm tài chính 2008), với tổng số vốn 65 tỷ yên, gồm dự án thoát nước Hà Nội giai đoạn 2, dự án vệ sinh môi trường đô thị thành phố Hải Phòng và dự án Metro Hà Nội.

Trong thời gian Hội nghị, đại diện Chính phủ Việt Nam và cộng đồng các nhà tài trợ đã thảo luận kỹ về tình hình kinh tế, các giải pháp chính sách gần đây của Chính phủ, các chương trình xóa đói giảm nghèo và y tế, chương trình hài hòa hóa và nâng cao hiệu quả viện trợ, cuộc chiến chống tham nhũng, cải cách thể chế và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Các nhà tài trợ hoan nghênh các nỗ lực của Việt Nam trong việc vượt qua tác động tiêu cực của lạm phát cao trong nước, tăng trưởng tín dụng nóng, cũng như giải quyết khủng hoảng lương thực và năng lượng toàn cầu hồi đầu năm nay; nhấn mạnh sự cần thiết phải tiếp tục cải tổ, cần quan tâm đặc biệt đối với người nghèo và các đối tượng dễ bị tổn thương nhằm giúp họ không bị tụt hậu, cũng như mở rộng nhanh chóng hệ thống bảo hiểm y tế trong nước.

Các nhà tài trợ hoan nghênh Chính phủ nhanh chóng phê duyệt Chương trình Hành động Accra; đồng thời lưu ý rằng vẫn cần phải đảm bảo tính tự chủ hơn nữa của các bộ, ban, ngành và chính quyền địa phương trong chương trình hiệu quả viện trợ, đảm bảo vai trò tốt hơn của xã hội dân sự trong việc giám sát hiệu quả viện trợ.

Hội nghị cũng nhất trí cần tiếp tục tọa đàm về vai trò của báo chí trong đấu tranh chống tham nhũng; hoan nghênh quyết định mới đây của Việt Nam sẽ phê chuẩn Hiệp ước về Chống tham nhũng của Liên hợp quốc, cũng như đã kịp thời xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục