Chăm sóc sức khỏe và bảo vệ quyền lợi cho người lao động

Để đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nền tảng cho tăng trưởng bền vững, một trong những mục tiêu quan trọng đó là chăm sóc sức khỏe và bảo vệ quyền lợi cho người lao động.
Chăm sóc sức khỏe và bảo vệ quyền lợi cho người lao động ảnh 1Nhân viên bảo hiểm y tế Hưng Yên hướng dẫn người dân tham gia bảo hiểm xã hội. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Việt Nam không chỉ coi hệ thống chính sách an sinh xã hội là nhiệm vụ chính trị, mà còn xác định đây là nền tảng để tăng trưởng toàn diện và bền vững trong tương lai.

Một trong những mục tiêu quan trọng đó là chăm sóc sức khỏe và bảo vệ quyền lợi cho người lao động, giải quyết tốt vấn đề lao động, việc làm, hướng đến mục tiêu bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội.

Việt Nam là điểm sáng trong thực hiện chính sách an sinh xã hội

Theo Báo cáo An sinh xã hội thế giới do Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) công bố, hiện vẫn còn hơn nửa dân số trên toàn cầu chưa có cơ hội tiếp cận với các dịch vụ an sinh xã hội.

Theo Tổng Giám đốc ILO Guy Ryder, thiếu an sinh xã hội làm con người dễ bị tổn thương bởi bệnh tật, nghèo đói, bất bình đẳng và bị tách rời khỏi xã hội.

Không đảm bảo quyền này cho người dân là một rào cản đáng kể cho phát triển kinh tế-xã hội.

[Bước tiến mới trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững]

Tại Việt Nam, dù kết quả thực hiện các chính sách an sinh xã hội chưa được như mong muốn nhưng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, đến nay, Việt Nam đã có khoảng 88 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, đạt 90,85% dân số.

Thực tế cho thấy bảo hiểm xã hội là một trong những trụ cột của an sinh xã hội. Cùng với việc thực hiện đường lối đổi mới về kinh tế, Việt Nam đã tiến hành nhiều bước đi quan trọng trong xây dựng chính sách và thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo hướng mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội đối với người lao động thuộc mọi thành phần kinh tế và bảo hiểm y tế đối với tất cả các tầng lớp nhân dân.

Nghị quyết số 28-NQ/TW ban hành ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng được đánh giá là có những nội dung cải cách chính sách bảo hiểm xã hội tiến bộ, tiệm cận với các tiêu chuẩn về an sinh xã hội trong các Công ước và Khuyến nghị của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO).

Việc hoàn thiện chính sách bảo hiểm xã hội theo định hướng cải cách tại Nghị quyết số 28 sẽ tạo ra những đột phá mới, quyền lợi của người tham gia bảo hiểm xã hội sẽ ngày càng được bảo đảm tốt hơn.

Chăm sóc sức khỏe và bảo vệ quyền lợi cho người lao động ảnh 2Cán bộ bảo hiểm xã hội tuyên truyền chính sách Bảo hiểm xã hội tự nguyện cho người dân. (Ảnh: Quang Quyết/TTXVN)

Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc Hội Bùi Sỹ Lợi cho biết Nhà nước có chính sách hỗ trợ 30% mức đóng bảo hiểm xã hội cho hộ nghèo, 25% cho hộ cận nghèo và 10% cho các đối tượng khác.

Qua chính sách hỗ trợ mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện đã khẳng định vai trò chủ đạo của Nhà nước.

Tuy nhiên, theo ông Bùi Sỹ Lợi, người dân phải tham gia vào quá trình đóng góp để được thụ hưởng chính sách an sinh xã hội, bảo đảm quyền và nghĩa vụ đi đôi với nhau. Từ đó, góp phần nâng cao tinh thần, trách nhiệm của người dân tham gia vào hệ thống chính sách an sinh xã hội.

Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh xã Xã hội Lê Tấn Dũng khẳng định bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế trở thành mạng lưới an sinh xã hội quan trọng, hỗ trợ người dân vượt qua các rủi ro ốm đau, tai nạn lao động-bệnh nghề nghiệp, thai sản, thất nghiệp, hết tuổi lao động...

Theo thông tin từ Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tính đến hết năm 2020, đã ghi nhận gần 160 triệu lượt người có thẻ đã đi khám chữa bệnh, với số tiền đề nghị quỹ thanh toán trên 97.100 tỷ đồng.

Do tác động của đại dịch COVID-19, bảo hiểm thất nghiệp đã chi trả chế độ trợ cấp thất nghiệp cho hơn 1 triệu người với tổng kinh phí lên tới 18.200 tỷ đồng.

Bảo vệ người lao động thông qua các chính sách an sinh xã hội

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho biết hoạt động của tổ chức Công đoàn tập trung vào nhiệm vụ cốt lõi là đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, nhất là lao động nữ, lao động yếu thế, công nhân tại các khu công nghiệp.

Công đoàn đã tham gia tích cực vào quá trình xây dựng chính sách, pháp luật, khẳng định vai trò đại diện người lao động tại Hội đồng tiền lương quốc gia và các cơ chế hai bên, ba bên trong quan hệ lao động.

Chất lượng đối thoại, thương lượng, ký kết các thỏa ước lao động tập thể được nâng cao; hoạt động tuyên truyền, phổ biến, tư vấn pháp luật cho người lao động được thực hiện một cách bài bản; đã tích cực tham gia xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ tại doanh nghiệp, góp phần làm giảm mạnh các cuộc đình công, tranh chấp lao động.

Các cấp Công đoàn đã luôn chủ động trong việc tham gia, góp ý kiến xây dựng và triển khai thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế, Luật Việc làm; huy động và phối hợp nhiều nguồn lực khác nhau để cùng thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến, tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp để đoàn viên, người lao động được hưởng đúng, đủ, kịp thời các chế độ, quyền lợi của mình.

Theo ông Nguyễn Đình Khang, thời gian tới, Chính phủ cần tiếp tục hoàn thiện và thực hiện tốt chính sách tiền lương, tiền công, các chính sách phúc lợi và dịch vụ xã hội, đảm bảo cho giai cấp công nhân thực hiện tốt vai trò vừa là chủ thể của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vừa được thụ hưởng những thành quả tương xứng với sự đóng góp của họ, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế và giữ vững sự ổn định chính trị, xã hội.

Để tăng cường bảo đảm quyền lợi về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động, thời gian tới, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các cơ quan chức năng có liên quan tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về hiểm xã hội, bảo hiểm y tế để đoàn viên, người lao động thấy rõ những lợi ích, ý nghĩa của chính sách hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về hiểm xã hội, bảo hiểm y tế kịp thời phát hiện và xử lý các vi phạm, nhất là các hành vi trốn đóng, nợ đóng, gian lận, trục lợi hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Khẳng định các chính sách an sinh xã hội của Việt Nam là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga cho rằng các chương trình này có độ bao phủ rộng lớn, đem lại hiểu quả thiết thực trong công tác xóa đói, giảm nghèo.

Bà Hà Thị Nga cho biết việc đảm bảo cơ hội tiếp cận các vấn đề an sinh xã hội, phúc lợi xã hội một cách công bằng đối với phụ nữ, nhất là lao động phụ nữ di cư, phụ nữ nông thôn, phụ nữ mang thai, nuôi con nhỏ là vấn đề quan trọng được các cấp Hội Phụ nữ rất quan tâm trong những năm qua.

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho biết hiện có 4 vấn đề liên quan đến việc đảm bảo an sinh xã hội cho phụ nữ: Nhu cầu về nhà ở đối với lực lượng lao động nữ di cư; an sinh xã hội cho phụ nữ nuôi con nhỏ, trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ và tạo cơ hội có việc làm cho phụ nữ.

Chăm sóc sức khỏe và bảo vệ quyền lợi cho người lao động ảnh 3Việc đảm bảo cơ hội tiếp cận các vấn đề an sinh xã hội, phúc lợi xã hội một cách công bằng đối với phụ nữ là vấn đề quan trọng. (Ảnh: Mạnh Khánh/TTXVN)

Theo bà Hà Thị Nga, hiện khoảng 80% công nhân đang phải thuê nhà ở trong các khu nhà trọ xung quanh các khu công nghiệp, không đảm bảo các điều kiện tối thiểu về vệ sinh, an toàn và chỉ có 30% phụ nữ trong lực lượng lao động được hưởng chế độ thai sản cũng là một vấn đề cần được quan tâm.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã nỗ lực để tuyên truyền, vận động, hỗ trợ phụ nữ chủ động nâng cao kiến thức, kỹ năng chăm sóc bản thân khi mang thai, sinh con, tham gia bảo hiểm y tế và đề xuất chính sách cho phụ nữ.

Tuy nhiên, sau 5 năm thực hiện Nghị định số 39/2014/NĐ-CP hỗ trợ phụ nữ nghèo dân tộc thiểu số sinh con đúng chính sách cho thấy chỉ có khoảng gần 74.000 người được thụ hưởng.

Do vậy, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đề nghị Đảng, Nhà nước tiếp tục quan tâm chỉ đạo các ngành chức năng nghiên cứu để hoàn thiện các chính sách có lồng ghép giới theo quy định của Luật Bình đẳng giới, tạo điều kiện để phụ nữ nói chung, đặc biệt là phụ nữ mang thai, nuôi con nhỏ, phụ nữ nông thôn, phụ nữ di cư, phụ nữ dân tộc thiểu số có cơ hội được tiếp cận, thụ hưởng đầy đủ các chính sách an sinh xã hội như việc làm, giáo dục, thai sản, nhà trẻ, nhà ở.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực phối hợp các bộ, ngành chức năng cụ thể hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước, xây dựng, thực hiện các đề án, chương trình, các chính sách an sinh xã hội liên quan đến phụ nữ, góp phần thực hiện thành công nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra "quan tâm đến mọi người dân, bảo đảm chính sách lao động, việc làm, thu nhập, thực hiện tốt phúc lợi xã hội, an sinh xã hội; không ngừng cải thiện toàn diện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục