Chấn chỉnh hoạt động tu bổ, tôn tạo di tích tại tỉnh Thanh Hóa

Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện có hơn 1.535 di tích lịch sử-văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng và kiểm kê bảo vệ, trong đó có 1 di sản văn hóa thế giới, 5 di tích quốc gia đặc biệt.
Chấn chỉnh hoạt động tu bổ, tôn tạo di tích tại tỉnh Thanh Hóa ảnh 1Tháo dỡ các hạng mục xây dựng trái phép trong Động Hồ Công. (Ảnh: TTXVN phát)

Trước tình trạng nhiều di tích, danh thắng trên địa bàn liên tục bị xâm hại, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản về việc tăng cường công tác quản lý hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử-văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn.

Văn bản nêu rõ, thời gian qua, nhiều địa phương trong tỉnh thực hiện công tác trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa khi chưa được các cơ quan có thẩm quyền cho phép. Công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, nhất là quản lý hoạt động bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích tại một số địa phương trên địa bàn chưa được thực hiện nghiêm theo quy định của pháp luật.

Vì vậy, một số địa phương đã xảy ra việc tự ý thực hiện tu bổ, tôn tạo và bổ sung tượng thờ, đồ thờ khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép. Việc này đã gây ảnh hưởng xấu tới di tích, tốn kém và lãng phí kinh phí đầu tư, tạo dư luận không tốt trong xã hội.

Cụ thể, các di tích, danh thắng bị xâm hại gần đây gồm Danh thắng động Hồ Công (xã Ninh Khang, huyện Vĩnh Lộc); Di tích quốc gia chùa Quan Thánh (thuộc Cụm di tích nghệ thuật và thắng cảnh núi An Hoạch; còn gọi là núi Nhồi), phường An Hưng, Thành phố Thanh Hóa; Di tích quốc gia đền Nưa (thị trấn Nưa, huyện Triệu Sơn); Nghè Đông Kinh (xã Nga Trường, huyện Nga Sơn)...

[Thanh Hóa: Khiển trách cán bộ, tập thể để chùa Quan Thánh bị xâm hại]

Trước thực trạng trên, để tăng cường công tác quản lý hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích trên địa bàn, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thường xuyên tổ chức kiểm tra, thanh tra, giám sát tại các di tích nhằm phòng ngừa, sớm phát hiện và ngăn chặn việc các địa phương, đơn vị, tổ chức, cá nhân vi phạm đối với di tích, đảm bảo hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích trên địa bàn thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước Ủy ban Nhân dân tỉnh và Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh nếu để xảy ra các sai phạm thuộc trách nhiệm quản lý của Sở.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố cần tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý Nhà nước về di sản văn hóa, nhất là hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích trên địa bàn, bảo đảm thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về di sản văn hóa; đồng thời có biện pháp phòng ngừa, không để xảy ra việc tổ chức, cá nhân tự ý thực hiện bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Ủy ban Nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh nếu để xảy ra sai phạm trong quản lý, bảo vệ và bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích trên địa bàn thuộc trách nhiệm quản lý của địa phương; xử lý nghiêm minh các hành vi sai phạm đối với di tích theo đúng quy định của pháp luật.

Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện có hơn 1.535 di tích lịch sử-văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng và kiểm kê bảo vệ, trong đó có 1 di sản văn hóa thế giới, 5 di tích quốc gia đặc biệt, 139 di tích quốc gia, 709 di tích cấp tỉnh...

Nhờ được sự quan tâm của tỉnh Thanh Hóa và Trung ương, phần lớn di tích sau khi được bảo quản, tu bổ, phục hồi đã trở thành sản phẩm văn hóa hoàn chỉnh phục vụ đời sống tâm linh, hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế./.

(TTXVN/Vietnam)

Tin cùng chuyên mục