Chân dung những người lính hải quân Trường Sa

Chiến sĩ hải quân - những con người hết mực tài hoa - đang ngày đêm canh giữ biển trời của Tổ quốc.
55 tuổi, cái tuổi vốn đã là xế chiều của một đời người nhưng lại là cái tuổi đang “cựa mình, vươn vai” hừng hực khí thế của một tập thể quân chủng anh hùng: Hải quân Nhân dân Việt Nam.
 
Ấn tượng của tôi về chuyến công tác ra quần đảo Trường Sa vào đúng dịp kỷ niệm 35 ngày giải phóng, thống nhất đất nước mang đậm dấu ấn về những chiến sĩ hải quân đang ngày đêm canh giữ biển trời Tổ quốc.

Chuyến công tác này là lần tôi tiếp xúc với lính hải quân nhiều nhất. Trước đó, hình ảnh lính hải quân trong suy nghĩ của tôi là những anh lính với nước da nâu nhuốm màu nắng gió, hơi vụng về, ngơ ngác khi ở trên bờ. Thế nhưng, sau hơn chục ngày chia sẻ nắng gió trên hải trình Trường Sa, cảm nhận của tôi về lính hải quân đã thay đổi.

Họ là những con người hết mực tài hoa giữa biển trời đất nước, dù ở trên tàu, trên đảo Trường Sa Lớn, đảo chìm Đá Tây hay ở nhà dàn DK, dù là chiến sĩ trẻ hay là chỉ huy. Ngón đàn, giọng ca của họ đôi khi làm cho văn công chuyên nghiệp cũng phải ngạc nhiên. Họ hóm hỉnh một cách tự nhiên, chan hòa, ấm áp và luôn cư xử đúng mực.

Một trong những người lính ấy là chuẩn đô đốc Nguyễn Cộng Hòa - Phó chính ủy Quân chủng Hải quân - được chúng tôi gọi thân mật là "Tướng quân."

Ông có sự đường bệ, uy vũ của vị tướng khi đứng trước hàng quân; sự khoan thai, nho nhã của một thầy giáo khi đứng ghi những dòng chữ mẫu trong lớp học trên đảo Trường Sa. Ông lại có giọng hát của một ca sĩ khi giao lưu văn nghệ và cái tình thân mật của một người cha, người chú, người anh khi chia sẻ, tâm tình.

Chúng tôi ít có cơ hội được tiếp chuyện với ông không phải vì ông “quan cách” mà vì ông có nhiều việc cần lo cho hơn 100 con người trong đoàn công tác ra thăm đảo.

Dù vậy, tôi vẫn nhớ mãi lời ông nói trong buổi đầu gặp mặt bằng chất giọng xứ Nghệ chậm, nhẹ nhưng rõ ràng: “Hòa bình là điều vô cùng quý giá và đáng trân trọng. Sau bao năm chiến tranh, cả dân tộc luôn hướng về hòa bình để ổn định và xây dựng đất nước. Thế nhưng, chủ quyền lãnh thổ là thiêng liêng và tối thượng. Mỗi cán bộ, chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam đều sẵn sàng hy sinh một khi chủ quyền tối thượng ấy bị xâm phạm."

Cũng trong chuyến đi này, cả đoàn chúng tôi ngây người trước 6 câu vọng cổ rất ngọt của chỉ huy trưởng nhà dàn DK 1/2 bãi Phúc Tần. Anh có cái tên rất lạ, cái tên như thể định trước rằng cuộc đời anh sẽ gắn liền với biển, sẽ tung bay khắp biển: Trang Hải Âu. Anh làm tôi chợt nhớ đến tên một cuốn tiểu thuyết của nhà văn, nhà báo Phạm Ngọc Hải có tựa đề "Phạm Xuân Ẩn: Tên người như cuộc đời." Có những người lính mà cái tên giống như cuộc đời vốn nhiều hy sinh của họ.

Những tâm sự chân thành của “cánh Hải Âu” lại làm tôi xúc động: "Nếu phải xa anh em, xa biển, xa Nhà dàn thì buồn quá, chịu sao thấu; chả lẽ ngày ngày đứng trước biển mà vọng về hướng Nhà dàn..."
 
Còn nhiều lắm những gương mặt, những khoảnh khắc đầy ấn tượng với những người lính biển, những người lính Trường Sa mà tôi không thể giãi bày hết bằng câu chữ. Chỉ biết rằng, nhắc đến biển đảo của đất nước, đến Trường Sa thì không thể thiếu một màu binh phục trắng của lính hải quân. Mỗi người các anh đã, đang và sẽ giống như những cột mốc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc./.

Minh Hưng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục