Chất lượng nước mặt đang suy thoái tới mức nguy hiểm với con người

Chất lượng nước mặt của các sông ngòi, kênh, rạch trên cả nước, đặc biệt là ở các vùng đô thị, vùng công nghiệp đang bị suy thoái nghiêm trọng tới mức gần như biến chất và nguy hiểm đối với con người.
Chất lượng nước mặt đang suy thoái tới mức nguy hiểm với con người ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Chất lượng nước mặt của các sông ngòi, kênh, rạch trên cả nước, đặc biệt là ở các vùng đô thị, vùng công nghiệp đang bị suy thoái nghiêm trọng tới mức gần như biến chất và nguy hiểm đối với con người, cũng như các loài sinh vật thủy sinh.

Đây là kết quả của Báo cáo nghiên cứu về ô nhiễm nước và sự cần thiết phải xây dựng Luật kiểm soát ô nhiễm nước tại Việt Nam, do Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng thực hiện, vừa công bố ngày 2/3, tại Hà Nội.

Báo động ô nhiễm nguồn nước trên diện rộng

Thông tin về hiện trạng chất lượng nước mặt của Việt Nam, bà Nguyễn Ngọc Lý - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng cho biết, hiện nay, trên tất cả 63 tỉnh thành, vấn đề ô nhiễm nước luôn là vấn đề nổi cộm, gây bức xúc.

Theo phân loại các tin tức về ô nhiễm và quản lý môi trường đăng tải trong mục điểm tin môi trường thuộc trang web của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), có giai đoạn thông tin liên quan đến ô nhiễm nước chiếm tới 45% tổng lượng thông tin.

Hiện nay, chất lượng nước mặt của các sông, ngòi, kênh, rạch đặc biệt ở các vùng đô thị và vùng công nghiệp đang bị suy thoái nghiêm trọng. Trong đó, các sông Tô Lịch, sông Sét, sông Kim Ngưu… trong thực tế đã trở thành một phần của hệ thống thoát nước thải tại Hà Nội khiến nước sông đen sẫm và bốc mùi như nước cống.

Các sông khác như sông Ngũ Huyện Khê, sông Bưởi, sông Nhuệ-Đáy, sông Thị Vải, ông Đa Độ, sông Gâm, sông Nặm Cắt, suối nước Nà Bò, hồ Nhất Bích Trì, Ngòi Lao… cũng đang nằm trong tình trạng báo động về mức độ ô nhiễm.

Thậm chí, chất lượng nước của nhiều đoạn sông đã bị ô nhiễm tới mức báo động đỏ. Vào mùa khô, giá trị một số thông số hóa lý, hóa sinh tại các điểm đo đều vượt quy chuẩn nước mặt nhiều lần.

[Tuần lễ nước quốc tế Việt Nam lần thứ VI sẽ được tổ chức tại Hà Nội]

Không chỉ sông, hồ bị ô nhiễm, chất lượng nước các vùng nước ven biển cũng suy thoái rất trầm trọng như cửa biển sông Đốc (Cà Mau), vùng ven biển Hải Phòng. Đặc biệt là thảm họa môi trường gây cá chết trong tháng 4/2016 tại các tỉnh ven biển miền Trung đã làm thay đổi chất lượng nước biển, chất lượng hệ sinh thái...

Kết quả nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng cũng cho thấy, công nghiệp hóa và đô thị hóa nhanh trong khoảng ba thập kỷ vừa qua đã gây ô nhiễm các vùng nước mặt, khiến chất lượng nước suy thoái mang tính rộng khắp.

“Thực trạng trên cho thấy ô nhiễm nước đã gần như nằm ngoài vòng kiểm soát của con người,” báo cáo nhấn mạnh.

Theo kết quả nghiên cứu, nguồn nước mặt và nước ngầm hiện nay chủ yếu bị ô nhiễm bởi hai loại nguồn chính là ô nhiễm điểm (một nguồn đơn lẻ có thể xác định được như đường ống thải) và nguồn ô nhiễm diện (nguồn nước mưa chảy tràn hoặc chảy ngầm mang theo các chất ô nhiễm từ thuốc trừ sâu, phân bón hóa học...).

Vấn đề chính do ô nhiễm nước gây ra là, các loài cá, tôm cua và các động vật sống phụ thuộc vào bờ sông, bờ biển có thể sẽ bị giết chết bởi các chất ô nhiễm, độc hại. Việc nguồn nước bị ô nhiễm cũng sẽ làm gián đoạn chuỗi thức ăn tự nhiên, phá vỡ cấu trúc hệ sinh thái, ảnh hưởng du lịch, đặc biệt là gây ra bệnh tật cho con người.

Chất lượng nước mặt đang suy thoái tới mức nguy hiểm với con người ảnh 2Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Luật chưa theo kịp mức độ ô nhiễm?

Từ thực tiễn ô nhiễm nước trong thời gian qua, Báo cáo nghiên cứu về ô nhiễm nước của Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng, đã phân tích những bất cập thách thức trong kiểm soát ô nhiễm theo hệ thống luật pháp hiện nay.

Theo báo cáo, một trong những thách thức lớn nhất là kiểm soát ô nhiễm nước chưa được chú ý đúng tầm quan trọng và cần thiết trong sự nghiệp phát triển kinh tế mà chỉ được đưa vào như một phần nhỏ tích hợp trong công tác bảo vệ môi trường. Vì vậy công tác kiểm soát các hành vi xả thải còn mang tính hình thức.

Các công cụ thực thi kiểm soát ô nhiễm nước cũng đang bị tản mạn nằm trong nhiều luật và có quan hệ chéo phức tạp trong hệ thống quản lý hành chính, dẫn đến tính thực thi chưa có hiệu quả cao. Việc thực thi các hoạt động kiểm soát ô nhiễm nước trong hệ thống luật hiện nay cũng đối mặt với các thách thức như nền tảng công nghệ xử lý, các nguồn nước thải bị quản lý bởi nhiều bên khác nhau.

Trong khi đó, hệ thống pháp luật và các công cụ liên quan đến kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm nước được xây dựng chủ yếu từ góc nhìn của bên quản lý, chưa cân nhắc tới góc độ của bên bị điều chỉnh là các doanh nghiệp; chưa cân nhắc từ góc độ của đối tượng được bảo vệ là nguồn nước mặt và cá và các loại thủy sinh sống trong môi trường nước, nên cách tiếp cận quản lý lưu vực, tiếp cận hệ sinh thái, tiếp cận quản lý theo kết quả còn chưa được đưa vào áp dụng.

Điều này đã dẫn đến những bất cập và phân tán trong quản lý, không phù hợp với tính thống nhất và kết nối của hệ thống nước mặt, nên hiệu quả kiểm soát bị hạn chế.

Trên phương diện là chủ biên Ban biên tập Báo cáo nghiên cứu về ô nhiễm nước, bà Nguyễn Ngọc Lý - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng chia sẻ: “Chúng ta đã có một hệ thống luật pháp bảo vệ môi trường khá lớn với nhiều chế tài, nhiều cơ quan từ Trung ương tới địa phương quản lý, nhưng ô nhiễm nước vẫn tiếp tục tiếp diễn, dường như vượt khỏi tầm kiểm soát.”

Với nhận thức ô nhiễm nước ở nước ta đã trở nên rất cấp bách như vậy, báo cáo đã kiến nghị với Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất đưa công tác xây dựng Luật Kiểm soát ô nhiễm nước vào chương trình xây dựng luật của Quốc hội khóa 14, nghiên cứu và xây dựng Luật ngay từ năm 2018. Đồng thời nghiên cứu xây dựng các chính sách cũng như cải thiện các công cụ về kiểm soát ô nhiễm nước nhằm từng bước đẩy lùi ô nhiễm nước và khôi phục nguồn nước sạch Việt Nam.

“Mục tiêu cao nhất của Luật này là phải bảo vệ được nguồn nước sạch, bảo vệ sự cống của cá tôm, thủy sinh và sự an toàn sức khỏe cho con người,” bà Lý nhấn mạnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục