Châu Á dẫn đầu thế giới về phục hồi kinh tế

IMF nhận định châu Á đang dẫn đầu thế giới trong nỗ lực thoát khỏi suy thoái kinh tế, nhưng cần phải thích ứng với một "thế giới mới".
Trong báo mới nhất công bố ngày 29/10 về "Triển vọng kinh tế châu Á-Thái Bình Dương", Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định châu Á đang dẫn đầu thế giới trong nỗ lực thoát khỏi suy thoái kinh tế, nhưng cần phải thích ứng với một "thế giới mới", với nhu cầu giảm hơn ở các thị trường xuất khẩu phương Tây chủ chốt.

IMF dự báo kinh tế châu Á sẽ đạt tốc độ tăng trưởng ấn tượng 5,75% trong năm 2010, so với mức dự kiến 2,75% của năm nay.

Trong khi Tổng sản lượng quốc nội (GDP) của hầu hết các quốc gia trong khu vực ban đầu đều bị ảnh hưởng thậm chí nặng nề hơn so với những nước trong "tâm khủng hoảng", thì nay châu Á đang dẫn đầu thế giới trên con đường thoát ra khỏi suy thoái được coi là tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại suy thoái hồi đầu những năm 1930.

Báo cáo của IMF nêu rõ: "Sự suy giảm kinh tế ở Mỹ đã gây ra sự sụt giảm quá lớn trong GDP của châu Á, do thương mại quốc tế và tài chính bị đóng băng, nhưng hiện nay kinh tế châu Á đang trải qua sự phục hồi mạnh mẽ. Sự phục hồi trong hoạt động kinh tế đã diễn ra nhanh nhất tại các nền kinh tế châu Á dựa chủ yếu vào xuất khẩu, vốn bị tác động xấu nhất bởi khủng khủng hồi cuối năm 208".

IMF cũng bày tỏ tin tưởng đối với "cách phản ứng chính sách nhanh, mạnh mẽ và toàn diện của các nền kinh tế trong khu vực".

IMF cho rằng điều này là nhờ châu Á có được tình hình tài chính vững hơn, các chính sách tiền tệ tin cậy hơn và bản quyết toán thu chi của doanh nghiệp "khoẻ" hơn so với trước kia.

Những điều kiện này đã mang lại cho châu Á khả năng cắt giảm lãi suất một cách mạnh tay và thông qua các gói kích thích tài chính khổng lồ nhằm cứu nền kinh tế trước tác động tiêu cực của khủng hoảng tài chính-kinh tế toàn cầu. Do đó, nhu cầu địa của khu vực đã bình phục khá tốt, bất chấp nhu cầu còn yếu trong khu vực tư nhân.

IMF tái khẳng định dự báo rằng kinh tế Trung Quốc sẽ đạt mức tăng trưởng 8,5% trong năm 2009 và 9% năm 2010. Trong khi đó, nền kinh tế đang "èo uột" của Nhật Bản được dự báo sẽ giảm 5,5% trong năm nay, trước khi phục hồi trở lại và đạt mức tăng khiêm tốn 1,75% vào năm tới.

IMF cảnh báo mặc dù các điều kiện thế giới sẽ tiếp tục cải thiện trong năm 2010, song sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu sẽ vẫn yếu và mong manh. Định chế tài chính toàn cầu này dự đoán GDP của Nhóm 7 nền kinh tế công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) sẽ chỉ đạt tốc độ tăng trưởng 1,25% trong năm 2010, do nhu cầu tư nhân vẫn còn sa sút.

Báo cáo của IMF nhận xét: "Các hộ gia đình sẽ cảm thấy khó khăn trong chi tiêu, giữa lúc các ngân hàng hạn chế cấp tín dụng vì họ cần phải chú trọng hơn vào việc điều chỉnh các bản quyết toán thu chi sau khi bị thất thoát khối lượng tài sản rất lớn trong suy thoái".

Theo đánh giá của IMF, tiêu dùng của Nhóm G7 sẽ vẫn "rệu rạo" trong một thời gian nữa, ảnh hưởng xấu đến nhu cầu về hàng nhập khầu từ châu Á và khiến tăng trưởng GDP của khu vực này trong năm tới đạt thấp hơn mức bình quân 6,6% của một thập kỷ qua.

IMF cho rằng các nhà hoạch định chính sách của châu Á đang đối mặt với hai thách thức chủ chốt. Trong "hành động cân bằng" ngắn hạn, châu Á cần phải hỗ trợ các nền kinh tế trong khu vực cho tới khi một sự phục hồi hiện hữu rõ nét, song phải tránh thổi bùng lạm phát và gây tổn hại đến sự ổn định tài chính.

Việc đạt được sự cân bằng hợp lý sẽ rất khó. Nhưng các nhà hoạch định chính sách sẽ cần phải đánh giá mức độ mà nhu cầu tư nhân có thể thay thế cho nhu cầu của khu vực công. Nhưng cho tới nay nhu cầu tư nhân vẫn còn yếu, và triển vọng ở cả châu Á và những nền kinh tế khác vẫn chưa sáng sủa.

Cuối cùng, châu Á sẽ phải duy trì sự hỗ trợ chính sách thêm một thời gian nữa. Theo IMF, châu Á cũng cần phải thích ứng với một "thế giới mới", với nhu cầu giảm hơn ở các nước G7, và tái cân bằng nền kinh tế do xuất khẩu chi phối để nhu cầu nội địa có được vai trò lớn hơn trong thúc đẩy tăng trưởng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục