Châu Á-Thái Bình Dương đồng ý đối phó thiên tai

Các nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã nhất trí các biện pháp tăng cường hợp tác để giảm nhẹ nguy cơ thảm họa thiên nhiên.
Ngày 1/7, kết thúc hội nghị 3 ngày tại thủ đô Bangkok, Thái Lan, các nước châu Á-Thái Bình Dương đã nhất trí các biện pháp tăng cường hợp tác để giảm nhẹ nguy cơ thảm họa thiên nhiên và đẩy nhanh tiến trình thực hiện Khuôn khổ hành động Hyogo 2005-2015 nhằm đưa vấn đề này vào trọng tâm của chiến lược phát triển quốc gia.

Các bộ trưởng và các quan chức cấp cao của 31 chính phủ châu Á và các tổ chức phát triển quốc tế cũng kêu gọi Liên hợp quốc hỗ trợ thúc đẩy hợp tác khu vực để giảm thiểu tác động tàn phá của thảm họa thiên nhiên đến kinh tế-xã hội và môi trường trong khu vực.

Các nước châu Á-Thái Bình Dương kêu gọi Ủy ban Liên hợp quốc về kinh tế-xã hội khu vực châu Á-Thái Bình Dương (UNESCAP) hỗ trợ nâng cao năng lực thu thập và phân tích các dữ kiện về các điều kiện thời tiết cực đoan, các phương pháp đánh giá và xử lý những nguy cơ thảm họa để các nước trong khu vực chuẩn bị tốt hơn trong phòng chống thảm họa, đặc biệt ở các nước chậm phát triển nhất và các quốc đảo Thái Bình Dương.

UNESCAP cũng được yêu cầu nâng cao nguồn tri thức khu vực về thảm họa thiên nhiên thông qua công bố các báo cáo về thảm họa tự nhiên khu vực và phát triển các trang web về nguy cơ thảm họa thiên nhiên và phát triển bền vững.

Báo cáo của UNESCAP nhấn mạnh các thảm họa thiên nhiên ngày càng thường xuyên và nghiêm trọng hơn đã trở thành một trong những trở ngại lớn nhất đe dọa tiến trình thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ và làm chậm nhịp độ phát triển kinh tế của các nước khu vực này.

Từ năm 1980 đến 2009, châu Á-Thái Bình Dương chiếm tới 85% thiệt hại về người và 38% thiệt hại về kinh tế do các thảm họa thiên nhiên gây ra trên toàn cầu. Gần 90% tổng số người chịu tác động của thảm họa thiên nhiên năm 2010 là người châu Á./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục