Châu Á "vỡ mộng" sản xuất nhiên liệu sinh học

Giấc mơ sản xuất đại trà nhiên liệu sinh học của các quốc gia Đông Nam Á hiện đang bị "xếp xó" sau khi giá dầu thế giới liên tục tụt dốc không phanh.

Giấc mơ sản xuất đại trà nhiên liệu sinh học của các quốc gia Đông Nam Á hiện đang bị "xếp xó" sau khi giá dầu thế giới liên tục tụt dốc không phanh.

Các quốc gia trong khu vực châu Á đã rất kỳ vọng vào việc sản xuất nhiên liệu sinh học để hạ thấp chi phí năng lượng và thúc đẩy nguồn dự trữ nông nghiệp. Malaysia và Indonesia, hai quốc gia sản xuất phần lớn sản lượng dầu cọ thế giới, từng tăng cường thúc đẩy phiên bản nhiên liệu sinh học của riêng mình (gồm hỗn hợp dầu diesel và 5% dầu cọ đã qua chế xuất).

Tuy nhiên, bối cảnh "nhộn nhịp" này cũng nhanh chóng trôi qua khi giá dầu, từng đạt đỉnh trên 147 USD/thùng hồi tháng 7/08 thì nay rớt xuống quanh ngưỡng 40 USD/thùng. Quá trình dầu sụt giá cũng khiến giá dầu cọ giảm mạnh từ mức 1.245 USD/tấn trong năm 2008, xuống chỉ còn 405 USD/tấn hồi tháng 12/08.

Mặc dù giá dầu cọ hiện đã hồi phục nhẹ lên mức 526 USD/tấn, nguồn cung cũng đã bị gián đoạn do rất nhiều công ty đóng cửa sản xuất và từ chối ký các hợp đồng cung cấp dài hạn, trước viễn cảnh hết sức bất ổn trong tương lai.

Chính phủ Malaysia cho biết nước này sẽ xem xét lại việc đã cấp phép hoạt động cho 91 nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học tại thời điểm "hoàng kim", khi hiện nay tình hình sản xuất rất ảm đạm và gần như đình trệ. Thứ trưởng Bộ Cây trồng và Hàng hóa Malaysia, Kohilan Pillay cho biết: "Malaysia đã phải chịu ảnh hưởng kép khi giá dầu mỏ và dầu cọ đều hạ thấp. Tình thế này khiến nguồn cung dầu cọ trở nên bất ổn, đồng thời việc giá dầu tụt dốc đã làm giảm nhu cầu nhiên liệu sinh học".

Hồi năm 2006, Malaysia có mục tiêu trở thành nhà sản xuất nhiên liệu sinh học tiên phong trên quy mô toàn cầu, và khởi động nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học thương mại đầu tiên trên thế giới. Kế hoạch này càng được thúc đẩy khi nhu cầu tăng mạnh từ châu Âu và các thị trường như Colombia, Ấn Độ, Hàn Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, mọi chuyện dường như đã đổi chiều khi nhu cầu từ nước ngoài sụt giảm. Giám đốc điều hành công ty Cosmo Biofuels, Khoo Hock Aun cho biết: "Với việc giá dầu mỏ và dầu cọ tụt dốc, các nhà sản xuất nhiên liệu sinh học tại địa phương đã đóng cửa phần lớn hoạt động sản xuất, trong bối cảnh chỉ để đáp ứng cho nhu cầu trong nước".

Chính phủ Malaysia đang cố gắng thúc đẩy ngành công nghiệp này, thông qua việc ép buộc sử dụng nhiên liệu sinh học trong các phương tiện công sử dụng động cơ dieden. Ông Pillay nói: "Chúng tôi đang cố gắng tận dụng tối đa lượng nhiên liệu sinh học tồn kho, trong khi thúc đẩy việc sử dụng thông qua một đạo luật ban hành hồi năm ngoái, khi bắt buộc sử dụng nguồn nhiên liệu này trong các phương tiện giao thông của nhà nước chạy bằng động cơ điêden, bắt đầu từ tháng 2/09". Ông Pillay nhận định rằng chính sách này nên được thực thi theo lộ trình, thông qua các dịch vụ dân sự và hướng tới trở thành luật với tất cả các phương tiện giao thông cá nhân vào tháng 2/2010.

Trong khi đó tại Indonesia, Chính phủ nước này gần đây đã đề xuất một kế hoạch chi 70,6 triệu USD nhằm hỗ trợ phát triển nhiên liệu sinh học, song mức giá quá thấp chính là mối lo hàng đầu. Quan chức cấp cao thuộc Bộ Năng lượng và Khoáng sản Indonesia, bà Evita Legowo cho biết: "Các vấn đề bức xúc hiện nay là giá nhiên liệu sinh học không cạnh tranh gây ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất. Chúng tôi đã cố gắng tăng trợ cấp cho phát triển nhiên liệu sinh học, song để thực hiện điều này là rất khó". Do đó, kế hoạch duy trì nguồn cung ổn định cho thị trường nội địa là rất cần thiết.

Hồi tháng 9/08, Chính phủ Indonesia cũng ban hành một đạo luật yêu cầu việc sử dụng nhiên liệu sinh học trong các nhà máy sản xuất, doanh nghiệp và nhà máy điện, cũng như yêu cầu các công ty dầu mỏ quốc doanh bán nhiên liệu chứa ít nhất 1% thành phần nhiên liệu sinh học. Bà Legowo nói: "Chúng tôi hướng tới sử dụng 5% lượng nhiên liệu sinh học trong hỗn hợp năng lượng vào năm 2025", đồng thời khẳng định Indonesia sẽ không tụt hậu trong nghiên cứu và phát triển nguồn nhiên liệu này.

Tình trạng ảm đạm trong ngành công nghiệp nhiên liệu sinh học cũng tạm thời làm lắng dịu những tranh cãi xung quanh vấn đề môi trường, khi những người vận động chiến dịch cho rằng nhiên liệu sinh học chính là nguyên nhân mới gây ra tình trạng chặt phá rừng và phá hủy môi trường sống của các loài động-thực vật hoang dã.

Các nhà hoạt động môi trường cho rằng sự bùng nổ các nhà máy sản xuất dầu cọ tại Indonesia, có thể đe dọa tới các loài đười ươi, hổ và tê giác. Ngoài ra, theo báo cáo năm 2008 của Tổ chức Nông-Lương Liên hợp quốc (FAO), sản xuất nhiên liệu sinh học từ các sản phẩm nông nghiệp cũng là một tác nhân đẩy giá lương thực thế giới leo thang./.

(TTXVN/Vietnam+)


 

Tin cùng chuyên mục