Trong đêm 23/9 (theo giờ Việt Nam), người đứng đầu nhà nước và chính phủ 28 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) tiến hành cuộc họp thượng đỉnh không chính thức tại Brussels nhằm thảo luận về các biện pháp bổ sung cho việc giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư - cuộc họp thượng đỉnh lần thứ ba về chủ đề này kể từ tháng Tư vừa qua.
Các biện pháp được đề cập đến là hỗ trợ tài chính cho các quốc gia láng giềng với Syria, củng cố các thỏa thuận Dublin cũng như bảo vệ những thỏa thuận của khối Schengen.
Trước đó, hôm 22/9, các Bộ trưởng Nội vụ châu Âu đã đạt được sự đồng thuận về phân bổ 120.000 người nhập cư, mặc dù vẫn vấp phải sự phản đối từ các quốc gia Đông Âu.
Trong lá thư gửi các nhà lãnh đạo Nhà nước và Chính phủ EU, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk nhấn mạnh đây là lúc cần phải tìm ra ''một sự tiếp cận toàn diện cho cuộc khủng hoảng người di cư." Ông cũng thừa nhận cuộc khủng hoảng di cư đang đặt ra nhiều vấn đề cơ bản đối với tương lai của toàn châu lục.
Những khó khăn nhằm đạt được sự đồng thuận về kế hoạch khẩn cấp tái bố trí người nhập cư đã làm lộ những điểm yếu của Liên minh. Thỏa thuận đạt được hôm 22/9 đã gợi lại những căng thẳng giữa các quốc gia châu Âu như Hungary, Romania, Cộng hòa Séc và Slovakia - những nước phản đối kế hoạch phân bổ này.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh không chính thức, các nhà lãnh đạo châu Âu cũng bàn về việc cần phải thiết lập một chính sách di cư đáng tin cậy của châu Âu. Công ước Dublin, một luật quốc tế về tị nạn của châu Âu, quy định người di cư phải đăng ký tại quốc gia đầu tiên mà họ đến, đang đi đến hồi kết.
Trong một diễn biến liên quan, Hungary từ chối quy định hạn ngạch tiếp nhận người nhập cư mà Ủy ban châu Âu đưa ra hôm 9/9 với kế hoạch tái bố trí 54.000 người xin tị nạn từ Hungary tới các quốc gia EU khác.
"Điều này dẫn đến việc Hungary tự thừa nhận là quốc gia nhập cảnh đầu tiên, việc tái sắp xếp người xin nhập cư là cơ chế bù đắp cho những nghĩa vụ quy định trong Công ước Dublin. Hungary nhấn mạnh người di cư tới nước họ đều đi qua các nước khác," một nguồn tin ngoại giao từ Brussels cho biết.
Làn sóng người di cư cũng khiến Áo và Đức áp dụng lại việc kiểm soát biên giới và đặt ra vấn đề về việc đi lại tự do trong khối Schengen (gồm 22 nước thành viên EU và bốn nước liên kết). Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cũng kêu gọi các nhà lãnh đạo EU phản đối việc xóa bỏ khối Schengen.
"Cần phải có sự đồng thuận về việc tăng cường kiểm soát biên giới bên ngoài để bảo vệ khối Schengen. Cần phải xem xét một cách nghiêm túc ý tưởng về thành lập các nhóm biên phòng và bảo vệ bờ biển châu Âu," một nhà ngoại giao châu Âu nhận định. Ý tưởng này không mới nhưng cho tới nay vẫn vấp phải vấn đề về chủ quyền.
Một trong những thách thức của Hội nghị này là việc hành động tận gốc. Chủ tịch Donald Tusk kêu gọi các nhà lãnh đạo châu Âu tăng cường nỗ lực ngoại giao tại Syria. Nhưng trước mắt, các nước cần tăng hỗ trợ tài chính cho Chương trình lương thực thế giới (PAM) và cho Cao ủy Liên hiệp quốc về người tị nạn (UNHCR) là những tổ chức đang quản lý các trại tị nạn Syria ở Jordanie, Liban và Thổ Nhĩ Kỳ; đồng thời cần tăng cường hợp tác với các quốc gia này, đặc biệt là Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia đang trên đường trở thành thành viên EU.
Để làm được điều này, châu Âu đang huy động vốn. Quỹ đặc biệt của EU dành cho Syria được thành lập cuối năm 2014 nhằm hỗ trợ tiếp nhận người nhập cư tại ba quốc gia nói trên hiện chỉ còn khoảng vài chục triệu euro so với số tiền 4 tỷ euro như dự kiến.
Về trung hạn, giới chức Brussels cho rằng giải pháp có thể thông qua việc tái định cư người nhập cư trong các quốc gia châu Âu ngay từ khu vực xuất xứ nhằm tránh những hành trình nguy hiểm cũng như rơi vào tay bọn buôn người./.