Châu Âu trong một thế giới chính trị quyền lực

Để tránh trở thành những kẻ thua thiệt trong cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung hiện nay, châu Âu cần phải học lại cách diễn đạt sức mạnh và quan niệm rằng châu Âu là một nhân tố địa chiến lược hàng đầu.
Châu Âu trong một thế giới chính trị quyền lực ảnh 1(Nguồn: economist)

Theo trang mạng project-sundicate.org, những biến động địa chính trị mà chúng ta chứng kiến ngày nay nhấn mạnh mức độ khẩn cấp mà Liên minh châu Âu cần nhận thức trong việc tìm ra đường lối của mình trong một thế giới ngày càng bị chi phối bởi các hoạt động chính trị nhằm củng cố quyền lực (hay còn gọi là chính trị quyền lực).

Những người châu Âu cần phải điều chỉnh nhận thức của mình để đối phó với một thế giới theo cách nó muốn, chứ không phải theo như điều mà họ hy vọng.

Đây là một thế giới cạnh tranh địa chiến lược, mà trong đó một số lãnh đạo không chút đắn đo về việc sử dụng sức mạnh, và kinh tế, cùng các công cụ khác cũng trở thành những vũ khí.

Để tránh trở thành những kẻ thua thiệt trong cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung hiện nay, châu Âu cần phải học lại cách diễn đạt sức mạnh và quan niệm rằng châu Âu là một nhân tố địa chiến lược hàng đầu.

Dĩ nhiên, thách thức này thoạt đầu có vẻ rất khó để đối phó. Sau tất cả, EU đã được thiết lập nhằm loại bỏ chính trị quyền lực. EU đã xây dựng sự hòa bình và quy tắc luật pháp bằng cách tách biệt quyền lực cứng khỏi kinh tế, sự lập quy và quyền lực mềm.

Họ cho rằng chủ nghĩa đa phương, sự cởi mở và nhân nhượng lẫn nhau đã cùng hình thành nên một hình mẫu tốt nhất không chỉ cho lục địa này, mà cho toàn bộ thế giới rộng lớn.

Thế nhưng, mọi thứ đã diễn tiến rất khác biệt. Đáng tiếc là, châu Âu đang phải đối mặt với một thực tế khắc nghiệt hơn, với nhiều nhân tố đang sẵn sàng sử dụng sức mạnh để được làm theo cách của họ.

[Liên minh châu Âu sẽ mở đại sứ quán tại Anh sau Brexit]

Từng ngày, chúng ta vẫn chứng kiến các công cụ kinh tế, các số liệu thống kê, công nghệ và chính sách thương mại được sử dụng cho các mục tiêu chiến lược.

Vậy châu Âu có thể làm gì để đối phó với thế giới mới này? Nhiều người cho rằng chính sách đối ngoại của EU sẽ không bao giờ thành công, bởi châu Âu quá yếu và quá chia rẽ.

Dĩ nhiên, đúng là nếu các nước thành viên không đồng thuận về các đường lối hành động quan trọng, thì sự tín nhiệm tập thể sẽ bị ảnh hưởng. Đôi khi, chúng ta chỉ đồng thuận khi bày tỏ các mối lo ngại, nhưng lại chia rẽ trong cách thức xử lý chúng.

Với những quy tắc thống nhất, rất khó để đạt được các thỏa thuận về nhiều vấn đề đang gây bất đồng, và nguy cơ bị đình trệ luôn hiện hữu.

Các nước thành viên phải thừa nhận rằng việc sử dụng các quyền phủ quyết của họ đang làm suy yếu không chỉ liên minh, mà cả chính bản thân họ. Người ta không thể tuyên bố là muốn châu Âu có một vai trò mạnh mẽ hơn trên thế giới mà không đầu tư vào đó.

Châu Âu cần tránh cả sự cam chịu lẫn phân tán. Cam chịu có nghĩa là cho rằng các vấn đề trên thế giới là quá nhiều và quá xa xôi để tất cả người dân châu Âu cảm thấy mình phải lo ngại.

Việc tin rằng Libya và Sahel chỉ liên quan đến các quốc gia Địa Trung Hải cũng vô lý như suy nghĩ rằng an ninh của các quốc gia Baltic chỉ liên quan đến Đông Âu.

Trong khi đó, sự phân tán nghĩa là muốn liên quan đến mọi nơi, bày tỏ lo ngại hay thiện chí, cùng với tài trợ nhân đạo và viện trợ cho vấn đề tái thiết… Châu Âu cần nhận thức rõ các mục tiêu chính trị và quy mô toàn diện của các năng lực của mình.

Tận dụng chính sách thương mại và đầu tư, sức mạnh tài chính, sự hiện diện ngoại giao, các năng lực lập quy, và sự phát triển của các công cụ phòng vệ và an ninh, châu Âu đã có được hàng loạt công cụ gây ảnh hưởng.

Vấn đề của châu Âu không phải là thiếu sức mạnh, mà là thiếu ý chí chính trị để tập hợp các sức mạnh đó vào việc đảm bảo sự gắn kết và tối đa hóa sức ảnh hưởng của chúng.

Chính sách ngoại giao không thể thành công nếu không được hỗ trợ bởi hành động. Nếu châu Âu muốn có một lệnh đình chiến mong manh tại Libya tồn tại lâu dài, cần phải ủng hộ sự cấm vận vũ khí.

Nếu muốn thỏa thuận hạt nhân Iran sống sót, cần phải đảm báo rằng các lợi ích của Iran được duy trì nếu họ quay trở lại tuân thủ hoàn toàn các điều khoản.

Nếu muốn các nước Tây Balkan thành công trên con đường hòa giải và cải cách, cần phải đưa ra một tiến trình hội nhập EU tin cậy có thể mang lại những lợi ích ngày càng lớn.

Nếu muốn có hòa bình giữa Israel và Palestine, châu Âu cần đứng lên ủng hộ một giải pháp được tất cả các bên nhất trí thông qua đàm phán, dựa trên luật pháp quốc tế.

Nếu chúng ta không muốn khu vực Sahel của châu Phi trở nên mất an ninh và vô lý luật, châu Âu cần mở rộng sự hợp tác. Trong các khu vực này và cả các khu vực khác, các nhà nước thành viên cần phải đảm bảo hoàn tất các trách nhiệm của mình.

Ngoài việc xử lý các cuộc khủng hoảng tại khu vực láng giềng của châu Âu, còn có hai ưu tiên then chốt khác:

Thứ nhất, EU phải vạch ra một chiến lược mới và tổng hợp vì châu Phi và với châu Phi, lục địa chị em của châu Âu. Chúng ta cần phải suy nghĩ lớn hơn và sử dụng các chính sách về thương mại, cách tân, biến đổi khí hậu, không gian mạng, an ninh, đầu tư, và di cư để mang lại thực chất cho những lời nói của chúng ta về việc trở thành các đối tác vô tư.

Thứ hai, phải nghiêm túc về việc lập ra những cách tiếp cận đáng tin cậy nhằm đối phó với các nhân tố chiến lược toàn cầu hiện nay: Mỹ, Trung Quốc và Nga. Mặc dù có sự khác biệt về cách thức, song cả ba nước này đều đang tích cực gây ra các vấn đề về sự liên kết và chính trị quyền lực.

Sự đối phó cần phải đa dạng hóa và đa sắc thái, song phải tinh tường và sẵn sàng bảo vệ các giá trị, lợi ích của EU, và tuân thủ các quy tắc quốc tế.

Không một điều nào trong số này là dễ dàng, và sẽ không thể đạt được cùng lúc tất cả trong năm nay.

Tuy nhiên, cuộc chiến chính trị thắng hay thua sẽ phụ thuộc vào cách điều chỉnh sao cho phù hợp với chúng. 2020 có thể là năm châu Âu tìm ra một cách tiếp cận địa chính trị, thoát khỏi số phận của một kẻ đang tìm kiếm bản sắc của mình./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục