Châu Phi “đau đầu” trước vấn nạn vaccine ngừa COVID-19 giả

Châu Phi là thị trường béo bở đối với thuốc giả, bởi lục địa này thiếu các biện pháp tương xứng, chẳng hạn như quy định chuỗi cung ứng và công nghệ theo dõi-truy tìm.
Châu Phi “đau đầu” trước vấn nạn vaccine ngừa COVID-19 giả ảnh 1Tiêm vaccine ngừa COVID-19 ở châu Phi. (Nguồn: Getty Images)

Trang dailymaverick.co.za mới đây đăng bài phân tích của nhà nghiên cứu Richard Chelin thuộc Viện Nghiên cứu An ninh Nam Phi và Tiến sỹ Craig Moffat, Giám đốc Chương trình Quản trị, phân phối và tác động, thuộc Viện Quản trị châu Phi (GGA) về vấn nạn vaccine ngừa COVID-19 giả ở châu Phi.

Nội dung bài viết nhận định các áp phích mới đã xuất hiện trên các đường phố của Nam Phi quảng cáo về “Tiêm chủng 150 rand” (tương đương khoảng 10 USD).

Thoạt nhìn, những biển quảng cáo này có thể đề cập đến bất kỳ loại vaccine nào, nhưng trong bối cảnh hiện nay, nhiều khả năng việc quảng cáo đề cập đến COVID-19. Những sự việc gần đây làm dấy lên những quan ngại sâu sắc về vaccine ngừa COVID-19.

Thuốc giả: Thị trường béo bở

Tháng 11/2020, Cơ quan Cảnh sát Nam Phi (SAPS) đã đột kích vào một nhà kho ở Germiston, phía Đông Johannesburg và phát hiện một lô hàng có các gói giống vaccine ngừa COVID-19.

Thống kê cho thấy lô hàng gồm khoảng 2.400 liều vaccine ngừa COVID-19 giả và một lượng lớn khẩu trang N95 giả có nguồn gốc từ Trung Quốc, trị giá khoảng 40.000 USD.

Vài ngày sau, Cơ quan Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) đã đưa ra cảnh báo màu cam [theo quy ước của Interpol để cảnh báo về một sự kiện, một người, một đối tượng hoặc một quá trình thể hiện một mối đe dọa nghiêm trọng và sắp xảy ra đối với an toàn công cộng] cho các cơ quan thực thi pháp luật trên toàn thế giới về các mạng lưới tội phạm có tổ chức quảng cáo, bán và cung cấp vaccine ngừa COVID-19 giả.

Tháng Hai vừa qua, cảnh sát Trung Quốc đã triệt phá một mạng lưới tội phạm sản xuất và bán dung dịch được quảng cáo là vaccine ngừa COVID-19 ở Côn Sơn, miền Đông Trung Quốc.

Cảnh sát đã bắt giữ kẻ cầm đầu mạng lưới này vào tháng 12/2020. Hiện chưa rõ lô vaccine giả bị thu giữ ở Nam Phi có nguồn gốc từ mạng lưới của Trung Quốc hay không, nhưng vào ngày 12/11/2020, tổ chức này đã vận chuyển ước tính khoảng 600 liều ra nước ngoài (không xác định điểm đến).

[Trung Quốc triệt phá đường dây làm giả vắcxin ngừa COVID-19]

Nam Phi không phải quốc gia châu Phi duy nhất bị đe dọa bởi các mạng lưới tội phạm buôn bán thuốc giả. Trên toàn châu Phi, hiện chỉ có Nam Phi ghi nhận tình trạng vaccine ngừa COVID-19 giả, nhưng hình thức tội phạm có tổ chức này chắc chắn sẽ xuất hiện ở nhiều quốc gia châu Phi khác, do sự gia tăng số ca nhiễm COVID-19 trên lục địa.

Thuốc giả là dược phẩm được bán để đánh lừa người mua về thành phần thực của thuốc. Những sản phẩm này có nhãn hiệu sai, thường phản ánh không đúng thành phần hoạt chất hoặc thậm chí bao gồm chất độc hại, và được sản xuất bởi những người không có chuyên môn.

Việc buôn bán bất hợp pháp thuốc giả là một mối đe dọa đáng kể đối với châu Phi. Ngoài tác động tiêu cực đến thị trường, nền kinh tế và sinh kế, hoạt động này còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đối với lĩnh vực y tế.

Nghiên cứu của chương trình “Nâng cao khả năng của châu Phi nhằm chống lại tội phạm xuyên quốc gia” (ENACT) cho thấy những loại thuốc giả này sẽ làm tăng tình trạng kháng thuốc, cũng như làm mất niềm tin vào các chuyên gia và hệ thống y tế.

Các chuyên gia tin rằng thuốc giả và vật tư giả là lĩnh vực sinh lợi nhất trong thị trường hàng giả. Mặc dù quy mô thị trường thuốc giả rất khó đo lường, nhưng ước tính ở mức hàng tỷ USD/năm.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết giai đoạn 2013-2017, 42% tổng số trường hợp thuốc giả ghi nhận được là ở châu Phi. Tuy nhiên, con số này có lẽ cao hơn, bởi không phải tất cả các trường hợp thuốc giả đều được báo cáo.

Châu Phi là thị trường béo bở đối với thuốc giả, bởi lục địa này thiếu các biện pháp tương xứng, chẳng hạn như quy định chuỗi cung ứng và công nghệ theo dõi-truy tìm. Hơn nữa, từ 70% đến 90% các sản phẩm dược phẩm ở khu vực phía Nam sa mạc Sahara thuộc châu Phi được nhập khẩu và thị trường này dự kiến sẽ tăng trong vài năm tới. Xu hướng này tạo cơ hội lý tưởng cho những kẻ làm giả thuốc tân dược.

Thuốc giả là lĩnh vực kinh doanh béo bở bởi nhiều lý do. Đối với các nhóm tội phạm có tổ chức, đây là một thị trường có lợi nhuận cao với nguy cơ bị phát hiện thấp. Công nghệ cần thiết để sản xuất các loại thuốc giả rất đơn giản và dễ kiếm. Tiếp thị, phân phối cũng như việc thâm nhập vào các kênh phân phối tương đối dễ dàng.

Châu Phi “đau đầu” trước vấn nạn vaccine ngừa COVID-19 giả ảnh 2Số vaccine giả. (Nguồn: AP)

Nhu cầu cao về thuốc chữa bệnh ở châu Phi và tình trạng năng lực sản xuất trong nước thấp đã tạo điều kiện cho các mạng lưới tội phạm tràn ngập thị trường với các sản phẩm giả mạo. Hàng năm, thuốc chống sốt rét giả dẫn đến hàng nghìn ca tử vong trên khắp châu Phi.

Việc nhiều nước châu Phi đổ xô mua vaccine ngừa COVID-19 là cơ hội hoàn hảo cho các nhóm tội phạm có tổ chức khai thác. Với việc các nước phát triển tích trữ vaccine và số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 không giảm, các nước nghèo hơn đang tranh giành vaccine COVID-19. Ước tính hiện có gần 70 quốc gia có thu nhập thấp hơn sẽ chỉ có thể tiêm chủng cho 1/10 dân số nếu tốc độ triển khai tiêm chủng ở mức như hiện tại.

Đây rõ ràng là thị trường tiềm năng khổng lồ cho các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia. Không giống như bệnh sốt rét hiện đang ảnh hưởng đến một số vùng nhất định ở châu Phi, COVID-19 ảnh hưởng đến mọi quốc gia. Các mạng lưới tội phạm sẽ trục lợi khi tốc độ triển khai tiêm chủng COVID-19 trên lục địa này kém xa so với nhu cầu thực tế.

Lời giải cho bài toán khó

Những trường hợp vaccine ngừa COVID-19 giả tại Nam Phi có khả năng sẽ diễn ra tràn lan ở châu Phi. Vậy, làm thế nào để giảm thiểu mối đe dọa tiềm tàng này? Bước đầu tiên là nâng cao nhận thức của cộng đồng thông qua các nền tảng truyền thông xã hội và các nền tảng khác về thuốc giả và vaccine ngừa COVID-19 giả. Các nhân viên thực thi pháp luật cần được đào tạo để xác định các loại dược phẩm giả này.

Ngoài ra, các doanh nghiệp và chính phủ cần tăng cường chuỗi cung ứng. Các cơ quan quản lý biên giới cần cải thiện việc giám sát theo quy định đối với hàng hóa trung chuyển và các quốc gia phải tăng cường luật chống hàng giả. Cần khuyến khích chia sẻ thông tin giữa các nước sản xuất, quá cảnh và điểm đến của sản phẩm.

Mục tiêu dài hạn có lợi cho châu lục là khuyến khích sản xuất thuốc ở châu Phi. Bước đi này sẽ giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu từ bên ngoài lục địa và tạo ra các mạng lưới chuỗi cung ứng mới. Hiện nay, Nam Phi, Kenya và Nigeria là những nhà sản xuất lớn và có năng lực xuất khẩu.

COVID-19 đã tạo ra nhu cầu cao về vaccine, mở ra thị trường béo bở cho các nhóm tội phạm có tổ chức khai thác. Đại dịch có thể là yếu tố thay đổi cuộc chơi đối với các mạng lưới tội phạm này, đặc biệt là trong lĩnh vực buôn bán hàng giả.

Nam Phi có thể là mục tiêu đầu tiên trên lục địa được ghi nhận về vaccine ngừa COVID-19 giả, nhưng sẽ không phải là mục tiêu cuối cùng. Trừ khi các nước châu Phi bắt đầu áp dụng các biện pháp để ngăn chặn tình trạng buôn bán thuốc giả, vaccine ngừa COVID-19 giả sẽ trở thành một công cụ béo bở của các nhóm tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục