Châu Phi nên lo lắng trước căng thẳng ở Biển Đông và Biển Hoa Đông?

Đối với các nước châu Phi, xét về mặt địa lý, những căng thẳng và bất ổn ở Biển Đông và Biển Hoa Đông có vẻ xa vời, nhưng chúng có khả năng ảnh hưởng xấu đến tham vọng phát triển của Lục địa Đen.
Châu Phi nên lo lắng trước căng thẳng ở Biển Đông và Biển Hoa Đông? ảnh 1Quần đảo tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc trên biển Hoa Đông. (Ảnh: LA Times)

Theo trang mạng thediplomat.com, năm nay, căng thẳng địa chính trị và địa kinh tế gia tăng ở nhiều nơi trên thế giới. Không nơi nào có thể thấy rõ điều này hơn ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Các cuộc đối đầu gia tăng giữa Mỹ, Trung Quốc và các nước khác ở trong và ngoài khu vực có thể khiến dư luận cho rằng châu Á đã trở thành "đầu tàu" dẫn đến một cuộc xung đột cường quốc tiềm tàng.

Đối với các nước châu Phi, xét về mặt địa lý, những căng thẳng và bất ổn như vậy có vẻ xa vời, nhưng thực tế là chúng có khả năng ảnh hưởng xấu đến tham vọng phát triển của châu Phi.

Căng thẳng gia tăng

Căng thẳng địa chính trị ở châu Á đã diễn ra trong nhiều năm, với việc các cường quốc và nước lớn phải vật lộn để tìm ra điểm chung trong các vấn đề quan trọng và ngày càng trở nên đối kháng, thù địch với nhau.

Tranh chấp lãnh thổ ở Biển Hoa Đông và Biển Đông có khả năng châm ngòi cho các cuộc xung đột vũ trang giữa các cường quốc trên thế giới. Hầu hết các nhà phân tích đã xác định đối thủ chính trong câu chuyện này là Trung Quốc, trong bối cảnh năng tiềm lực của Bắc Kinh ngày càng tăng, dẫn đến tham vọng toàn cầu của họ cũng tăng.

Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền đối với 80% diện tích ở Biển Đông, đồng thời khẳng định Đài Loan là một phần vốn có và không thể thay đổi của Trung Quốc, phải được thống nhất với đất mẹ vào năm 2049.

Trung Quốc đã vượt ra khỏi sự khoa trương, sử dụng khả năng quân sự và phát triển kinh tế ngày càng lớn mạnh của mình để thay đổi hiện trạng trong khu vực, chủ yếu thông qua cưỡng bức. Bắc Kinh đã và đang xây dựng các đảo quân sự nhân tạo ở Biển Đông, xâm phạm các Vùng Đặc quyền kinh tế (EEZ) của các nước nhỏ láng giềng thông qua các hoạt động bán quân sự, coi thường phán quyết của tòa án quốc tế, và trong nhiều trường hợp đe dọa hành động quân sự chống Đài Loan.

Dù Trung Quốc luôn khẳng định tuân thủ quan hệ hòa bình với các nước láng giềng, song nước này vẫn là một cường quốc mà theo câu nói nổi tiếng của Thucydides, "kẻ mạnh làm những gì họ muốn, còn kẻ yếu phải chịu những gì họ phải chịu."

Năm 2010, cựu Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì đã nhắc lại học thuyết Thucydides khi tuyên bố rằng “Trung Quốc là một nước lớn, còn các nước khác là nước nhỏ và đó là sự thật” để đáp lại những lời phàn nàn về các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông.

Hậu quả từ những hành động hiếu chiến của Trung Quốc đến tức thì. Theo các lý thuyết cân bằng quyền lực, các hành động của Trung Quốc đã dẫn đến sự phản công của các cường quốc khu vực và toàn cầu.

Liên minh Bộ tứ đã được tái thành lập năm 2017, trong khi các cường quốc quân sự toàn cầu như Anh, Pháp và Đức đã triển khai các khí tài quân sự tới khu vực này. Nhật Bản và Mỹ đã tăng cường liên minh của họ, trong khi Mỹ, Anh và Australia gần đây đã ký một thỏa thuận tàu ngầm hạt nhân. Các quốc gia xung quanh khu vực cũng đã tìm cách tăng cường khả năng quân sự, dẫn đến tình thế tiến thoái lưỡng nan về an ninh mà có thể châm ngòi cho các cuộc xung đột liên quốc gia.

Mối quan hệ xuyên eo biển mong manh giữa Trung Quốc và Đài Loan là nguyên nhân rất có thể dẫn đến một cuộc xung đột nước lớn gây ảnh hưởng đến các đối thủ trong và ngoài khu vực.

Một số quốc gia đã cam kết hỗ trợ Đài Loan, đặc biệt là Mỹ và cả Nhật Bản. Xung đột ở eo biển Đài Loan cũng có thể lôi kéo các nhân tố khác như NATO và có khả năng là Nga.

Trong một thế giới toàn cầu hóa, xung đột ở châu Á sẽ ảnh hưởng đến các nền kinh tế trong khu vực châu Á và là thảm họa cho nền kinh tế toàn cầu nói chung. Điều này càng xảy ra với việc châu Á trở thành trung tâm của hoạt động kinh tế và tăng trưởng toàn cầu, dự kiến sẽ chiếm hơn 50% và 40% GDP và tiêu dùng toàn cầu vào năm 2040.

Hàm ý đối với các nước châu Phi

 Đối với các quốc gia châu Phi, những cuộc xung đột như vậy khó có thể lan đến khu vực này, nhưng tác động kinh tế xã hội sẽ rất sâu sắc vì 2 lý do: Thứ nhất, châu Á đóng vai trò là nguồn thương mại, đầu tư, viện trợ, phát triển và tăng trưởng quan trọng cho nhiều nền kinh tế châu Phi; Thứ hai, các nền kinh tế châu Phi rất dễ bị tổn thương trước những gián đoạn bên ngoài trong nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là những nền kinh tế phụ thuộc vào các ngành tài nguyên.

Theo dữ liệu từ Giải pháp Thương mại Tích hợp Thế giới (WITS), năm 2019, Đông Á và Thái Bình Dương lần lượt chiếm 28,14% và 19,8% xuất nhập khẩu của châu Phi cận Sahara, đứng thứ 2 sau châu Âu và Trung Á.

Về đầu tư, tỷ trọng đầu tư của châu Á vào châu Phi đã tăng từ 5% năm 2002 lên 23% năm 2018, đứng thứ 2 sau châu Âu - nơi tỷ trọng vốn FDI trong khu vực đang giảm.

Như Viện Kinh tế Thế giới KIEL đã nhấn mạnh mối quan hệ kinh tế của châu Phi với châu Á là rất quan trọng đối với sự đa dạng hóa kinh tế và sự dịch chuyển lên chuỗi giá trị toàn cầu (GVC) của châu Phi. Do đó, bất kỳ sự gián đoạn nào đối với châu Á sẽ gây hại cho châu Phi.

Phần lớn tăng trưởng của các nước châu Phi được thúc đẩy bởi các yếu tố ngoại sinh thay vì các yếu tố nội sinh. Do đó, họ dễ bị tổn thương hơn nếu các điều kiện kinh tế và chính trị bên ngoài không thuận lợi. Báo cáo của Ngân hàng Phát triển châu Phi (AfDB) cho biết 2/3 các nền kinh tế châu Phi rất dễ bị tổn thương trước các cú sốc bên ngoài.

Cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009 và gần đây là đại dịch COVID-19 đã làm nổi bật những tác động tiêu cực mà sự gián đoạn đối với nền kinh tế toàn cầu có thể gây ra đối với các nền kinh tế châu Phi - các nền kinh tế vốn vẫn đang cố gắng đạt được mức độ phát triển vừa phải.

Lấy COVID-19 làm ví dụ, một báo cáo của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) lập luận rằng đối với các nước châu Phi, “các cú sốc COVID-19 về lâu dài sẽ đóng vai trò là nhân tố làm tăng thêm những thách thức đối với sự phát triển mà các nước này vốn đã phải đối mặt từ trước khi COVID-19 xảy ra”, theo đó dự kiến các tác động về kinh tế sẽ kéo dài đến năm 2040 và năm 2050.

Sự kết hợp của COVID-19 và sự bất ổn tiếp theo ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương là nguyên nhân gây lo ngại cho nhiều nền kinh tế châu Phi. Những hậu quả kinh tế tiêu cực như vậy cũng sẽ đe dọa sự ổn định chính trị và xã hội ở các nước châu Phi. Đây là kết quả của việc các quốc gia châu Phi thiếu các nguồn lực cần thiết để khởi động sự phục hồi kinh tế.

Ông Ahunna Eziakonwa - Giám đốc văn phòng khu vực châu Phi của UNDP - đã tuyên bố rằng về mặt phục hồi, châu Phi “đang gặp bất lợi lớn. Nhiều quốc gia châu Phi vẫn đang nỗ lực đưa người dân thoát khỏi đói nghèo, cung cấp các dịch vụ giáo dục và y tế cơ bản. Hiện giờ, chi tiêu và đầu tư đang cạn kiệt, khiến cho người dân rơi vào cảnh khốn cùng và túng quẫn."

Thông qua Chương trình nghị sự 2063, châu Phi mong muốn đạt được tăng trưởng và phát triển đồng đều và bền vững, quản trị tốt, dân chủ và nhân quyền, đồng thời trở thành một nhân tố mạnh mẽ và có ảnh hưởng trong hệ thống quốc tế. Để đạt được những mục tiêu này, các nước châu Phi không những phải cách nội bộ mà còn phải được hưởng nền hòa bình và ổn định toàn cầu.

Đối với các nước châu Phi, đây là lý do để sử dụng tiếng nói của họ trên các nền tảng quốc tế để vận động cho hòa bình và ổn định ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Là một bên “trung lập” có lợi ích liên quan đến châu Á, các quốc gia châu Phi, thông qua Liên minh châu Phi (AU), nên công khai khuyến khích giảm leo thang căng thẳng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Đây sẽ không được coi là sự chọn bên mà là lời kêu gọi các bên liên quan không hy sinh hòa bình và ổn định toàn cầu để theo đuổi những lợi ích hẹp hòi, trong đó sẽ không có người chiến thắng.

[Nhật, Anh phản đối thay đổi hiện trạng tại Biển Hoa Đông và Biển Đông]

Tuy nhiên, vẫn chưa có nhiều thông tin về quan điểm của châu Phi đối với vấn đề này. Có 3 lý do có thể giải thích cho sự im lặng này.

Thứ nhất, châu Phi có lịch sử không liên kết bắt đầu từ thời Chiến tranh Lạnh, và việc họ từ chối lên tiếng về vấn đề này xuất phát từ mong muốn duy trì sự trung lập trong cạnh tranh quyền lực Trung-Mỹ hiện tại.

Thứ hai, châu Phi có những vấn đề riêng cần giải quyết liên quan đến hòa bình và an ninh. Theo Chỉ số Hòa bình Toàn cầu năm 2021, nhiều quốc gia trong khu vực đã chứng kiến hòa bình suy giảm. Đồng thời, Chỉ số khủng bố toàn cầu năm 2020 nhấn mạnh rằng 7 trong số 10 quốc gia có sự gia tăng đáng kể nhất về khủng bố là ở châu Phi cận Sahara.

Cuối cùng, chỉ có vương quốc Eswatini công nhận Đài Loan là một quốc gia độc lập, còn lại các nước khác tuân thủ chính sách “Một Trung Quốc." Do đó, có thể có cảm giác rằng các mối quan hệ xuyên eo biển không liên quan gì đến châu Phi, tuy nhiên, điều này chưa hẳn là sự thật./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục