Châu Phi xem xét chuyển hướng sang nguồn năng lượng hạt nhân

Một loạt các quốc gia châu Phi đã yêu cầu IAEA đánh giá mức độ sẵn sàng của các nước này để bắt đầu một chương trình hạt nhân trong bối cảnh nhiều đập thủy điện khô hạn vì biến đổi khí hậu.
Châu Phi xem xét chuyển hướng sang nguồn năng lượng hạt nhân ảnh 1Các trụ truyền tải điện từ nhà máy điện hạt nhân Koeberg ở Nam Phi. (Nguồn: Reuters)

Đứng trước tình trạng thiếu hụt năng lượng, cùng với nhu cầu gia tăng đối với các nguồn năng lượng sạch hơn và mối đe dọa hạn hán đối với thủy điện, ngày càng nhiều nước châu Phi xem xét chuyển hướng sang nguồn năng lượng hạt nhân.

Nam Phi là nước có nhà máy năng lượng hạt nhân thương mại duy nhất của châu Phi. Nhưng theo Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), châu lục này chiếm 1/3 trong số gần 30 quốc gia trên toàn thế giới đang xem xét sử dụng năng lượng hạt nhân.

IAEA cho biết Ghana, Kenya, Ai Cập, Maroc, Niger, Nigeria và Sudan đã yêu cầu IAEA đánh giá mức độ sẵn sàng của các nước này để bắt đầu một chương trình hạt nhân, trong khi Algeria, Tunisia, Uganda và Zambia đang xem xét khả năng này.

Theo Hiệp hội Hạt nhân Thế giới (WNA), tổng cộng ít nhất bảy quốc gia châu Phi khu vực hạ Sahara đã ký kết các thỏa thuận triển khai năng lượng hạt nhân với sự hỗ trợ từ Nga.

Các nước châu Phi ngày càng quan tâm đến năng lượng hạt nhân dù điện Mặt Trời và điện gió là các hình thức phải chăng và “xanh” hơn để tăng sản lượng điện ở châu lục, nơi 1/3 dân số, chủ yếu ở các vùng nông thôn, không được tiếp cận với điện.

Benson Kibiti, Giám đốc truyền thông của tổ chức Điện cho Mọi người, cho rằng hệ thống năng lượng Mặt Trời là lựa chọn kinh tế khôn ngoan nhất cho châu Phi, khi phải mất đến 10 năm và hàng tỷ USD để có thể đưa một nhà máy điện hạt nhân đi vào vận hành.

Nhưng các nước ở phía Nam châu Phi tính đến năng lượng hạt nhân một phần vì sự khô hạn của các đập thủy điện do biến đổi khí hậu.

Các đập này cung cấp phần lớn điện cho nhiều nước Nam châu Phi, từ Zimbabwe đến Zambia.

[UAE cấp phép vận hành nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của thế giới Arab]

Ông Mwape Chipala, người phát ngôn của Bộ Năng lượng Zimbabwe, cho biết việc sử dụng năng lượng hạt nhân không hề rẻ, nhưng cả Nga và Trung Quốc đều muốn hỗ trợ tài chính cho các dự án hạt nhân ở nước này.

Zimbabwe hy vọng sẽ thành lập nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của mình trong 10-15 năm tới, với kỳ vọng nhà máy này có thể cung cấp điện trong 50 năm.

Ai Cập cũng đặt mục tiêu bắt đầu xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của mình vào tháng 7/2020, với nguồn vốn hỗ trợ từ Nga, theo truyền thông nước này.

Ông Akachukwu Okafor, thuộc công ty tư vấn về năng lượng và tính bền vững Change Partners International ở Nigeria, cho rằng năng lượng hạt nhân không phải là giải pháp cho những vấn đề của châu Phi, nhưng có thể là một phần trong số đó, bên cạnh các nguồn năng lượng tái tạo.

Tuy nhiên, ông Lassina Zerbo, Thư ký điều hành của Tổ chức Hiệp ước Toàn diện về cấm thử hạt nhân, nhận xét sự thiếu phối hợp giữa các nước châu Phi là thách thức chính đang kìm hãm các nỗ lực triển khai công nghệ hạt nhân ở châu lục này.

Còn ông Namalambo, thuộc Ủy ban Năng lượng Hạt nhân châu Phi, cho rằng cần phải có các khung pháp lý trước khi các nước châu Phi tham gia vào năng lượng hạt nhân, trong đó có các khung pháp lý về những vấn đề không phổ biến vũ khí hạt nhân, an toàn và an ninh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục