Chỉ số giá trong tháng 3 sẽ giảm tốc?

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 đã tăng 1,17% so với tháng trước. Đây là tháng thứ hai liên tiếp, CPI thể hiện xu hướng tăng (tháng 1 tăng 0,32%); còn trước đó, chỉ số giá đã kéo dài thành một chu kỳ giảm trong ba tháng liên tiếp cuối năm 2008.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 đã tăng 1,17% so với tháng trước. Đây là tháng thứ hai liên tiếp, CPI thể hiện xu hướng tăng (tháng 1 tăng 0,32%); còn trước đó, chỉ số giá đã kéo dài thành một chu kỳ giảm trong ba tháng liên tiếp cuối năm 2008.

Việc thực hiện lộ trình giá thị trường đối với một số loại hàng hóa và dịch vụ đầu vào thiết yếu như điện, nước, dự kiến sẽ làm tăng chi phí đầu vào đối với một số ngành sản xuất, nhưng Tổ điều hành thị trường trong nước, dự báo CPI tháng 3 chỉ tăng khoảng 0,3% so với tháng 2.

Giá giảm do sức tiêu dùng sụt giảm

Tổ điều hành thị trường trong nước cho rằng một trong những nguyên nhân kìm hãm tốc tộ tăng giá là sức mua có khả năng thanh toán của dân cư chưa cao. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội trong tháng 2 chỉ đạt khoảng 85.167 tỉ đồng, giảm 10% so với tháng 1. Đây là tháng thứ 2 liên tiếp tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ giảm.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 1 giảm 0,37% so với tháng 12/2008. Do đó, dù chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 2 tháng đầu năm nay tăng 1,49% so với tháng 12/2008 nhưng đây vẫn là mức tăng thấp nhất trong những năm gần đây (năm 2007: 2 tháng đầu năm tăng 2,7%; năm 2008 là 3,6%).

Theo quy luật hàng năm, mức tiêu dùng hàng hóa thường tăng cao trong những tháng có Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán. Năm nay, do người dân có tâm lý thắt chặt chi tiêu trong điều kiện kinh tế khó khăn nên sức mua 2 tháng đầu năm không tăng.

Thông tin xấu từ kinh tế thế giới, cộng với tình hình kinh tế vĩ mô trong nước chưa khả quan khiến việc chi tiêu tiếp tục giảm trong tháng 3 sẽ là một yếu tố kìm hãm tốc độ tăng giá tiêu dùng.

Mặt khác, cũng theo Tổ điều hành thị trường trong nước, mặt bằng giá thế giới vẫn ở mức thấp. Cùng với việc triển khai các chính sách hỗ trợ và kích cầu tiêu dùng đầu tư của Chính phủ, mức tăng giá trong tháng 3 chỉ khoảng 0,3% so với tháng 2.

Lạm phát tăng yếu do hết lực đẩy


Có hai sự kiện tác động mạnh đến chỉ số giá của tháng 2 năm nay là Tết Nguyên đán Kỷ Sửu và rằm tháng Giêng. Nhiều mặt hàng lương thực và thực phẩm đã tăng mạnh, kéo giá nhiều loại hàng hóa, dịch vụ đồng loạt tăng lên.

Chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống trong tháng tăng 1,67% so với tháng trước đó; trong nhóm, chỉ số giá dịch vụ ăn uống ngoài gia đình tăng khá mạnh (ở mức 2,63%), tiếp đến là giá các mặt hàng thực phẩm tăng 1,72%, lương thực cũng tăng 0,82%. Cao hơn mức tăng của chỉ số chung còn có hai nhóm khác là nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 1,59%; nhóm đồ dùng và dịch vụ khác tăng 2,01% do giá các dịch vụ cho nhu cầu cá nhân tăng trong dịp Tết.

Tuy nhiên, trong tháng 2 cũng có hai nhóm hàng hóa có chỉ số giảm là nhóm phương tiện đi lại - bưu điện giảm 0,05% và nhóm văn hóa - thể thao - giải trí giảm 0,07%. Ngoài ra, những nhóm hàng còn lại tăng thấp hơn chỉ số chung, từ 0,04% đến 0,8%.

Hơn nữa, theo thông lệ hàng năm, sau một tháng Tết tăng cao, CPI tháng tiếp sau bao giờ cũng tăng thấp hơn, thậm chí có năm giảm. Quy luật này nhiều khả năng sẽ xảy ra trong năm nay.

Nhìn tổng quan thị trường hiện nay cũng thấy, các mặt hàng giảm giá đang có xu hướng lấn át các mặt hàng tăng giá như hiện chỉ có giá thịt lợn từ cuối tháng 2 đến nay đang nhích lên do giá thức ăn chăn nuôi chủ yếu phải phụ thuộc nguồn nhập khẩu tăng.

Tuy nhiên, với mức tăng từ 4.000 - 5.000 đồng/kg, giá thực phẩm vẫn ở mức thấp so với tháng Tết. Giá rau giảm mạnh, nhiều người trồng rau thậm chí phải đổ rau ra ruộng. Những dấu hiệu này cho thấy thị trường đã thừa cung ở một số mặt hàng tiêu dùng thiết yếu.
 

Kiểm soát giá hàng hóa tăng theo giá điện

Theo Tiến sĩ Cao Sĩ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, giá điện sớm muộn gì cũng phải theo xu thế hội nhập, dù muốn hay không. Đó là một yếu tố giá thành trong sản xuất sản phẩm, là giá gây tác động dây chuyền. Vì thế, giá điện tăng thì nghiễm nhiên sẽ ảnh hưởng tăng giá các ngành hàng khác.

Các cơ quan quản lý cần phải xem xét, kiểm soát việc tăng dây chuyền sau đó có đúng không, có hợp lý không? Biện pháp hiệu quả và tích cực nhất bây giờ vẫn là tăng cường kiểm soát việc niêm yết giá, đăng ký giá công khai, bóc tách những yếu tố tăng hợp lý và bất hợp lý.

Bộ Công thương khẳng định, giá bán điện tăng 8,92% không gây tác động lớn đến sản xuất và đời sống.

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Hữu Hào cho biết Bộ Công thương sẽ phối hợp với Bộ Tài chính tăng cường kiểm tra, kiểm soát giá cả, kiểm soát chặt chẽ hơn nữa giá đầu vào của doanh nghiệp. Đặc biệt, công tác quản lý thị trường sẽ được đẩy mạnh để tránh kiểu lợi dụng “té nước theo mưa”, vin vào giá điện để tăng giá bất hợp lý.

Giá điện cho sản xuất tăng khoảng 6 - 7,5% (tùy theo cấp điện áp và đối tượng sử dụng) thì chi phí tăng thêm cho các ngành sản xuất phổ biến ở mức dưới 1% giá thành, chỉ có một số sản phẩm chi phí tăng thêm tối đa ở mức 3 - 4%. Mức độ ảnh hưởng như vậy là không lớn.

 (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục