Chỉ thị số 40: Tạo đột phá trong tín dụng chính sách ở Nghệ An

Giai đoạn 2015-2019, tín dụng chính sách trở thành điểm sáng trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Nghệ An.
Chỉ thị số 40: Tạo đột phá trong tín dụng chính sách ở Nghệ An ảnh 1Ngân hàng Chính sách tỉnh Nghệ An giao dịch tại điểm giao dịch xã. (Ảnh: CTV)

Sau gần 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, cấp ủy, chính quyền, các hội, đoàn thể từ cơ sở và người dân được thụ hưởng chính sách vay vốn ưu đãi của Nhà nước ở Nghệ An đã có sự chuyển biến lớn trong nhận thức và hành động. Nghệ An đang có những bước chuyển mình trong công tác giảm nghèo, vươn lên phát triển một phần nhờ vào nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội.

“Ươm mầm” từ vốn chính sách

Theo định kỳ, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Thanh Chương về giao dịch tại Ủy ban Nhân dân xã Thanh Thuỷ. Từ sáng sớm, chị Trần Thị Xuyên ở xã Thanh Thuỷ đã đến hội trường của Ủy ban Nhân dân xã để nhận vốn vay ưu đãi dành cho hộ trồng rừng theo Dự án phát triển ngành lâm nghiệp (WB3).

Chị Xuyên chia sẻ: “Đồi Gia Lửa nằm sát biên giới nước bạn Lào trước đây là đồi trọc. Năm 2013, từ 190 triệu đồng vốn vay chương trình WB3 vợ chồng tôi đầu tư trồng rừng. Chỉ sau 5 năm rừng cây phát triển, cho thu hoạch, mỗi ha thu về 50 triệu đồng. Có tiền, tôi trả nợ ngân hàng đầy đủ và tiếp tục đầu tư trồng keo phát triển kinh tế gia đình, nuôi con cái ăn học. Cả gia đình yên tâm tập trung bảo vệ rừng, giữ đất biên cương.”

Chị Nguyễn Thị Lan, tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn cho hay, xã Thanh Thuỷ giáp khu vực biên giới, trước đây chủ yếu đồi núi trọc. Để phát triển kinh tế rừng đồng thời bảo vệ vùng biên, người dân được Ngân hàng Chính sách xã hội tạo điều kiện cho vay vốn trồng rừng. Tổ có 46 thành viên thì hầu hết đều được vay vốn để phát triển kinh tế rừng. Từ khi có nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội, rừng đã phủ kín, cả thôn có tới vài trăm ha keo, đời sống của hội viên ngày một phát triển.

[Chỉ thị 40 của Ban Bí thư: Quyết sách mang tính đột phá tại Ninh Bình]

Không chỉ gia đình chị Xuyên mà trên địa bàn nhiều huyện miền núi, nguồn vốn chính sách còn giúp đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế và đã phát huy hiệu quả.

Gia đình chị Vi Thị Đào ở xóm Thái Quang, xã Châu Thái, huyện Quỳ Hợp đã 2 lần vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội. Năm 2014, chị vay 30 triệu đồng để đầu tư trồng 4 ha keo; năm 2017 chị đã trả được nợ và tiếp tục vay 40 triệu đồng để phát triển kinh tế trang trại, đào ao thả cá, chăn nuôi trâu bò... Nhờ sử dụng nguồn vốn có hiệu quả nên hiện nay gia đình chị đã thoát nghèo.

Nói về hiệu quả vốn vay, tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn Thái Ngân Thị Thuỷ cho biết: “Tổ hiện có 60 thành viên thì có tới 90% là hộ nghèo và cận nghèo, 10% vay các chương trình khác. Chị em trong tổ đoàn kết xoay vòng giúp nhau phát triển kinh tế rừng; cùng trồng rừng, đi phát quang... Nhờ đó, đời sống hội viên ngày càng tốt hơn, chị em nuôi con cái ăn học, làm được nhà, mua sắm đồ dùng phục vụ cuộc sống.”

Cùng với chương trình cho vay ưu đãi hộ nghèo, hộ cận nghèo, thời gian qua, chương trình cho vay giải quyết việc làm đã được Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Nghệ An triển khai hiệu quả, giúp cho hàng ngàn lao động có việc làm, mang lại cuộc sống ấm no.

Gia đình ông Chu Quốc Trụ ở xóm Mỹ Đình, xã Châu Đình, huyện Quỳ Hợp là một điển hình trong phát triển kinh tế trên địa bàn. Sau khi nghỉ việc nhà nước, ông Trụ trở về mảnh đất Quỳ Hợp để phát triển kinh tế trang trại, với nguồn vốn ít ỏi tích luỹ được, cộng với hơn 1 tỷ đồng nguồn vốn vay giải quyết việc làm của Ngân hàng Chính sách huyện, ông đầu tư 6 ha cam, xây dựng chuồng trại nuôi bò, đào ao thả cá, tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động, chưa kể số lao động thời vụ khi vào mùa cam, mỗi năm gia đình ông thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Sửu, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Châu Đình cho biết: “Từ khi thực hiện Chỉ thị số 40, nguồn vốn chính sách tăng đáng kể, đáp ứng thỏa đáng hơn nhu cầu về vốn của người dân. Dư nợ tín dụng trên địa bàn đạt trên 37 tỷ đồng, giúp giảm nghèo bền vững, kinh tế tiếp tục phát triển. Với trách nhiệm là thành viên hội đồng quản trị, chúng tôi đã xây dựng kế hoạch, trích nguồn ngân sách, hàng năm góp 20 triệu đồng để tăng nguồn dự trữ cho các hộ vay vốn.”

Tạo chuyển biến tích cực trong vốn vay chính sách

Trong những lần đi cơ sở thăm vùng khó khăn vay vốn từ các chương trình của Ngân hàng Chính sách xã hội, chúng tôi cảm nhận rõ những tiềm năng đất đai và nhân lực bấy lâu đã “ngủ quên” vì thiếu vốn đã được đánh thức. Chỉ thị số 40 được xem như một làn gió mới làm chuyển biến tích cực tín dụng chính sách xã hội, góp phần quan trọng vào xây dựng nông thôn mới, thay đổi diện mạo cả một vùng quê.

Ông Trần Khắc Hùng, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Nghệ An chia sẻ: Thực hiện Chỉ thị số 40, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 29-CT/TU, theo đó, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện về mọi mặt cho hoạt động tín dụng chính sách. Trích nguồn vốn ngân sách ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay, củng cố chất lượng tín dụng. Song song với tăng trưởng tín dụng, chất lượng tín dụng chính sách không ngừng được nâng cao, hiện nay nợ quá hạn chỉ chiếm 0,13% tổng dư nợ, giảm 0,09% so với trước khi có Chỉ thị số 40.

Tính đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Nghệ An đang thực hiện 19 chương trình tín dụng chính sách với tổng nguồn vốn đạt 8.237 tỷ đồng, tăng 1.996 tỷ đồng so với trước khi có Chỉ thị số 40. Trong 5 năm (2014-2019), Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Nghệ An đã thực hiện giải ngân 12.719 tỷ đồng cho 461.250 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Tổng dư nợ cho vay các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn đạt 8.222 tỷ đồng, tăng  1.991 tỷ đồng so với thời điểm trước khi có Chỉ thị số 40, với 241.000 khách hàng đang dư nợ.

5 năm qua, tín dụng chính sách xã hội đã góp phần quan trọng giúp cho 93.119 hộ nghèo vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm ổn định cho 12.368 lao động; 1.729 lao động được vay vốn đi xuất khẩu lao động; 38.146 hộ gia đình kinh doanh tại vùng khó khăn có vốn đầu tư sản xuất kinh doanh; 109.559 hộ gia đình tại vùng nông thôn được vay vốn; xây dựng trên 219.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường; 8.466 hộ nghèo được vay vốn để xây dựng mới hoặc sửa chữa lại nhà ở, làm chòi tránh lũ; gần 11.000 học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; hơn 7.500 hộ là đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn được vay vốn phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống, yên tâm bám đất, bám bản tại các vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới...

Ông Lê Hồng Vinh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An cho biết: Giai đoạn 2015-2019, tín dụng chính sách trở thành điểm sáng trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Để thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách, tỉnh đã chỉ đạo các huyện, thị xã tiếp tục trích ngân sách ủy thác, chỉ đạo các sở, ban ngành liên quan tham mưu trong việc cho vay các đối tượng đặc thù. Huy động tối đa các nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội, tập trung các nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước về một đầu mối là Ngân hàng Chính sách xã hội để quản lý và cho vay đảm bảo có hiệu quả.../.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục