Chỉ thị 40 của Ban Bí thư: Quyết sách mang tính đột phá tại Ninh Bình

Sau khi có Chỉ thị số 40 cùng với sự vào cuộc và đồng lòng của các cấp ủy, chính quyền địa phương đã góp phần kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo của Ninh Bình từ 10% năm 2015 giảm xuống còn 2,15% cuối năm 2018.
Chỉ thị 40 của Ban Bí thư: Quyết sách mang tính đột phá tại Ninh Bình ảnh 1Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Ninh Bình giải ngân vốn vay ưu đãi tại Điểm giao dịch xã Gia Lâm. (Ảnh: CTV)

Chỉ mới 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (Chỉ thị số 40), bức tranh tín dụng chính sách tại tỉnh Ninh Bình đã mang những gam màu mới. Ở đó, không chỉ là quy mô, chất lượng tín dụng đều tăng mà hơn thế sự công hưởng sức mạnh của cả hệ thống chính trị được tăng cường và hội tụ làm rạng sáng hơn một chính sách tín dụng riêng mang đầy tính nhân văn của Đảng và Chính phủ. 

'Chìa khóa' thoát nghèo

Chúng tôi về xã Gia Lâm, huyện Nho Quan ngay sau đêm cơn bão quét qua dải từ Ninh Bình đến Quảng Ninh. Mưa vẫn không ngừng rơi, nhưng từ sáng sớm, những cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Nho Quan đã có mặt để chuẩn bị phiên giao dịch tại xã theo đúng định kỳ. Phiên giao dịch cũng không vì mưa mà thưa thớt, nhiều người dân đến từ sớm cùng các tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn cùng các hội, đoàn thể mong ngóng đến giờ giải ngân để nhận tiền về hiện thực hóa ước mong phát triển kinh tế của gia đình.

[Tổng dư nợ Ngân hàng Chính sách đạt 198.505 tỷ đồng trong 6 tháng]

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Gia Lâm Phạm Đức Thiện cho biết, Gia Lâm đã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới vào năm 2015 nhưng câu chuyện phát triển, giảm nghèo bền vững vẫn còn nhiều trăn trở. Bởi đây là xã miền núi, lại nằm trong vùng phân lũ, chậm lũ, thường xuyên bị úng lụt nên đời sống nhân dân gặp rất nhiều khó khăn khi có tới l.840ha đất song chỉ có 300ha cấy lúa một vụ, vụ còn lại người dân cũng tận dụng nuôi cá. Phải năm mưa nhiều, cá cũng trôi theo mưa lũ.

Chính bởi vậy, chuyển đổi cây trồng và hướng đến chăn nuôi là con đường mà những người dân xã lựa chọn để ổn định cuộc sống và nguồn vốn tín dụng chính sách, đặc biệt sau khi có Chỉ thị số 40 cùng với sự vào cuộc và đồng lòng của các cấp ủy, chính quyền địa phương đã góp phần kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 10% năm 2015 giảm xuống còn 2,15% cuối năm 2018. 

Nhận 50 triệu đồng vốn vay hộ thoát nghèo tại phiên giao dịch xã Gia Lâm, bà Đinh Thị Tầm không giấu nổi nụ cười còn nơi khóe miệng. Nuôi 4 đứa con cho đến ngày chúng trưởng thành, người dựng vợ, kẻ gả chồng, hai ông bà vẫn chẳng thể bước qua nghèo khó. Cho đến khi bà được Hội Nông dân và tổ tiết kiệm và vay vốn hướng dẫn bà vay 30 triệu đồng vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội phát triển kinh tế năm 2016.

Khởi đầu với 1 con bò và một con lợn nái, dồn tích thu nhập qua những ngày tháng bán lợn và bê đã giúp bà có thêm thu nhập thoát nghèo cuối năm 2018, trả nợ ngân hàng và tích lũy cho mình đôi bò. Tuy nhiên, nếu chỉ có 2 con bò, dù đã thoát khỏi danh sách hộ nghèo, nhưng câu chuyện nâng cao chất lượng cuộc sống hơn nữa vẫn là bài toán khó. Chính bởi vậy, lần vay vốn này bà quyết tâm mua thêm 2 con bò sinh sản. Nếu thuận lợi, mỗi năm bà sẽ có 4 con bê, bán đi mỗi năm cũng được 50 - 60 triệu đồng.

Cũng được giải ngân 50 triệu đồng chương trình hộ cận nghèo trong đợt này, anh Nguyễn Văn Vượng ở thôn 8, xã Gia Lâm không khỏi bùi ngùi nhớ lại những ngày tháng gian khó, con cái còn nhỏ nheo nhóc, mẹ già ốm. Hai vợ chồng anh, gian nan cày cấy, làm thuê làm mướn cũng không đủ cho 5 miệng ăn.

Nghèo khó bủa vây cho đến khi anh được vay vốn hộ nghèo đầu tư 2 con bò vài đôi lợn nái. Ngày tháng thoi đưa, gia đình anh đã trả hết vốn ngân hàng thoát nghèo và tích lũy đầu tư xây dựng chuồng nuôi bò quy mô lớn 12 con, nếu không vì dịch bệnh lợn, lúc nào nhà anh cũng có 5 - 7 con lợn lái. Chi tiêu rồi, mỗi năm cũng tích lũy được 20 triệu đồng. Tuy nhiên, con lớn của anh đã bước vào cấp ba, con thứ hai đã học lớp 12 đòi hỏi những nhu cầu đời sống lớn hơn. Vì vậy, lần này, anh quyết tâm vay vốn hộ cận nghèo tăng đàn bò, mở rộng quy mô lên gấp đôi.

Đột phá từ dòng vốn ngân sách địa phương

Nhìn lại 5 năm qua triển khai Chỉ thị số 40, mặc dù tình hình kinh tế - xã hội đất nước tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn... song với sự chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền địa phương, Ngân hàng Chính sách xã hội đồng hành cùng các tổ chức chính trị - xã hội làm nhiệm vụ uỷ thác thực hiện có hiệu quả chính sách tín dụng ưu đãi, đến 30/6/2019, tổng nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Ninh Bình đạt 2.324 tỷ đồng, tăng 674 tỷ đồng (+41%) so với trước khi có Chỉ thị số 40; tổng dư nợ đạt hơn 2.318 tỷ đồng.

Để tạo thêm nguồn lực về vốn cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách, tạo việc làm cho hộ mới thoát nghèo, chống tái nghèo, giúp giảm nghèo nhanh và bền vững, đáp ứng yêu cầu mục tiêu giảm nghèo của tỉnh, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 24/10/2016 về giảm nghèo bền vững tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2016 – 2020.

Chỉ thị 40 của Ban Bí thư: Quyết sách mang tính đột phá tại Ninh Bình ảnh 2Hợp tác xã dịch vụ thương mại TBINI “khởi nghiệp” từ vốn vay ưu đãi của anh Đặng Khánh Duy. (Ảnh: CTV)

Theo đó, mỗi năm ngân sách các cấp trích bổ sung cho nguồn vốn vay tín dụng để phục vụ chương trình giảm nghèo: Cấp tỉnh tối thiểu 5 tỷ đồng/năm, cấp huyện tối thiểu 500 triệu đồng/năm. Nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội để bổ sung nguồn vốn cho vay trên địa bàn tính từ khi có Chỉ thị số 40 đến nay tăng thêm gần 66 tỷ đồng đưa tổng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách lên hơn 82 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh cũng đã phê duyệt ngân sách về đề án xuất khẩu lao động trong 3 năm (2018 - 2020) với tổng kinh phí là 45 tỷ đồng  và đề án về hỗ trợ vốn vay khởi nghiệp và phát triển sản xuất, kinh doanh cho thanh niên trên địa bàn tỉnh Ninh Bình trong 2 năm (2019 - 2020) với kinh phí thực hiện là 10 tỷ đồng.

Dòng vốn từ ngân sách địa phương đang tạo ra những bước đột phá mới cho công cuộc thoát nghèo, tạo việc làm phát triển kinh tế bền vững tại địa phương. Ví như anh Đặng Khánh Duy, nhờ vay 50 triệu đồng vốn vay giải quyết việc làm từ ngân sách tỉnh chuyển qua Ngân hàng Chính sách đã giúp anh bước đầu xây dựng lên trang trại chăn nuôi thỏ gia đình, từ đó làm nền tảng xây dựng Hợp tác xã dịch vụ thương mại TBINI với 11 thành viên. Hoạt động được 4 năm, mỗi năm, hợp tác xã cung ứng khoản 12.000 con thỏ với bình quân 2,5 tấn/tháng bình quân lãi 50.000 con.

Ước mơ của ông chủ nhiệm hợp tác xã này còn muốn mở rộng quy mô lớn hơn nữa bởi với quy trình công nghệ chăn nuôi được kiểm soát, sản phẩm của hợp tác xã luôn có công ty Nhật bao tiêu đầu ra, song khó khăn hiện tại vẫn là tăng quy mô vốn và mở rộng thành viên.

Tuy nhiên, thực tế triển khai cũng cho thấy vẫn còn tình trạng lãnh đạo cấp uỷ, chính quyền cơ sở có lúc, có nơi chưa được sâu sát, chưa quan tâm đúng mức đến công tác quản lý nguồn vốn tín dụng Ngân hàng Chính sách xã hội nhưng đã chuyển đi khỏi địa phương. Một số huyện, thành phố chưa ưu tiên cân đối ngân sách địa phương để bổ sung nguồn vốn cho vay các đối tượng chính sách trên địa bàn.

Chính vì vậy để hiệu quả triển khai Chỉ thị số 40 sâu rộng hơn nữa, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Ninh Bình Nguyễn Thị Hằng đề nghị các cấp ủy Đảng, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân các cấp tiếp tục quan tâm hơn nữa đến hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn, hỗ trợ cơ sở vật chất, điều kiện làm việc cho Ngân hàng Chính sách xã hội; ưu tiên dành nhiều hơn nữa nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn.

Ngoài ra, thời thường xuyên chỉ đạo củng cố và kiện toàn Ban đại diện Hội đồng quản trị cấp tỉnh, huyện và nâng cao hơn nữa vai trò trách nhiệm của chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện tốt chính sách tín dụng đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục