Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về tổ chức và hoạt động Thừa phát lại

Bộ Tư pháp và Hội đồng Thừa phát lại quốc gia Pháp đã phối hợp tổ chức Tọa đàm về tổ chức và hoạt động Thừa phát lại - kinh nghiệm của Cộng hòa Pháp và thực tiễn của Việt Nam.
Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về tổ chức và hoạt động Thừa phát lại ảnh 1 Ông Nguyễn Văn Lạng, Trưởng Văn phòng Thừa phát lại Ba Đình, trả lời ý kiến người dân. (Ảnh: Thanh Huyền/TTXVN)

Ngày 3/5, Bộ Tư pháp và Hội đồng Thừa phát lại quốc gia Pháp đã phối hợp tổ chức Tọa đàm về tổ chức và hoạt động Thừa phát lại - kinh nghiệm của Cộng hòa Pháp và thực tiễn của Việt Nam.

Cục trưởng Cục Bổ trợ Tư pháp (Bộ Tư pháp) Đỗ Hoàng Yến cho biết việc triển khai thực hiện chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về chế định Thừa phát lại trong thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Hiện, ngoài 13 tỉnh, thành thực hiện thí điểm, 12 tỉnh, thành khác đã đăng ký thực hiện chế định Thừa phát lại và một số địa phương khác đang xây dựng Đề án.

Hoạt động Thừa phát lại đã giúp giảm tải công việc, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xét xử và thi hành án dân sự; tạo thêm công cụ pháp lý tích cực để người dân tự bảo vệ quyền lợi của mình khi tham gia các giao dịch dân sự, kinh tế, thương mại.

Tuy nhiên, Cục trưởng Đỗ Hoàng Yến đánh giá hoạt động Thừa phát lại vẫn còn những hạn chế, yếu kém, trong đó các nguyên nhân chủ quan là đội ngũ Thừa phát lại, thư ký nghiệp vụ còn hạn chế về trình độ, năng lực và kinh nghiệm nghề nghiệp. Việc này cũng có nguyên nhân do trong giai đoạn thực hiện thí điểm, việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nghề Thừa phát lại chưa được tổ chức một cách bài bài và chưa ban hành được Bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp Thừa phát lại.

Để tăng cường công tác quản lý nhà nước, tạo hành lang pháp lý thuận tiện hơn cho hoạt động này, Bộ Tư pháp dự kiến xây dựng Dự thảo Thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại và Thông tư ban hành quy tắc đạo đức hành nghề Thừa phát lại.

Theo định hướng, Dự thảo Thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định về tổ chức, hoạt động của Thừa phát lại sẽ đơn giản hóa tối đa các thủ tục, số sách, biểu mẫu giấy tờ trong tổ chức và hoạt động Thừa phát lại. Học viện Tư pháp sẽ đào tạo nghề Thừa phát lại, trong thời gian sáu tháng về các nội dung như kỹ năng hành nghề, kiến thức pháp luật liên quan đến hành nghề Thừa phát lại, Quy tắc đạo đức nghề nghiệp Thừa phát lại.

Những đối tượng thẩm phán, kiểm sát viên, chấp hành viên, điều tra viên có thời gian công tác từ 5 năm trở lên; công chứng viên, quản tài viên, luật sư đã hành nghề từ 5 năm trở lên sẽ được miễn đào tạo nghề... Sau khi được đào tạo nghề, người đã học nghề Thừa phát lại phải tập sự hành nghề, báo cáo kết quả tập sự cho Sở Tư pháp nơi có Văn phòng Thừa phát lại đăng ký tập sự, vượt qua được kỳ kiểm tra kết quả tập sự hành nghề Thừa phát lại do Bộ Tư pháp tổ chức để được cấp thẻ hành nghề.

Dự thảo Thông tư ban hành quy tắc đạo đức hành nghề Thừa phát lại sẽ đưa ra những quy tắc đạo đức hành nghề Thừa phát lại với mục tiêu nâng cao nhận thức về nghề, phẩm chất đạo đức, uy tín, thanh danh... nghề Thừa phát lại. Theo đó, với địa vị và thông qua hoạt động của mình để thi hành quyền lực được Nhà nước trao, Thừa phát lại phải giữ độc lập hoàn toàn, trong mọi tình huống với người yêu cầu, các bên liên quan; thực hiện công việc một cách chặt chẽ, tuân thủ nghiêm ngặt quy định pháp luật và Quy tắc đạo đức nghề nghiệp. Dự thảo Thông tư yêu cầu Thừa phát lại có trách nhiệm coi trọng, giữ gìn uy tín nghề nghiệp, không được có hành vi làm tổn hại danh dự, uy tín cá nhân, thanh danh nghề nghiệp...

Thảo luận tại tọa đàm, các chuyên gia Pháp cho biết, ở Pháp, Bộ trưởng Tư pháp sẽ bổ nhiệm Thừa phát lại và quyết định cho thành lập Văn phòng Thừa phát lại. Các Thừa phát lại Pháp phải tuân thủ quy tắc đạo đức nghề nghiệp không chỉ trong khi hành nghề mà cả trong đời sống hàng ngày; phải là người nêu tấm gương tốt trong công việc và đời sống, vì Thừa phát lại được Nhà nước trao cho một quyền lực nhất định, nên tư cách của Thừa phát lại phải là tư cách “không có gì để chê trách” và Thừa phát lại được gọi là “bên thứ ba đáng tin cậy”...

Những kinh nghiệm của Pháp trong việc xây dựng đội ngũ Thừa phát lại, trong đó trọng tâm là quy tắc đạo đức nghề nghiệp, đào tạo, bồi dưỡng, tập sự hành nghề Thừa phát lại... sẽ là những thông tin hữu ích để Bộ Tư pháp Việt Nam học tập, nghiên cứu, hoàn thiện nội dung này trong thời gian tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục