Chia sẻ thông tin, kinh nghiệm về các vấn đề lao động di cư

Đông đảo phóng viên trong và ngoài nước đã tham dự tọa đàm về lao động di cư cũng như các vấn đề về báo chí liên quan đến lao động di cư Việt Nam và quốc tế.
Chia sẻ thông tin, kinh nghiệm về các vấn đề lao động di cư ảnh 1Lao động Việt Nam hết hạn hợp đồng trở về nước. Ảnh minh họa. (Nguồn: Hữu Việt/TTXVN)

Ngày 4/8, tại thành phố Đồng Hới (Quảng Bình), Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam (VJA) tổ chức Tọa đàm báo chí về lao động di cư an toàn, với sự tham dự của đông đảo các phóng viên đến từ các cơ quan báo chí trong nước.

Tại buổi hội đàm, Phó Chủ tịch Thường trực hội nhà báo Việt Nam Hà Minh Huệ đã nhấn mạnh vai trò của báo chí trong việc cung cấp thông tin, vừa là kênh giám sát, phản biện việc thực hiện chính sách của Nhà nước về lao động di cư, bảo vệ lao động di cư, giúp cơ quan công quyền điều chỉnh các chính sách lao động di cư. Báo chí còn là cầu nối hữu hiệu trong việc giới thiệu các thị trường lao động trong nước và quốc tế. Vì thế, báo chí có thể là chất xúc tác tốt nếu được truyền thông một cách kỹ năng, có kiến thức, có động cơ tốt.

Ngược lại, báo chí có thể làm cho vấn đề bị hiểu sai, ảnh hưởng tới chính sách lao động việc làm của Nhà nước, tới quyền lợi của chủ sử dụng lao động và quyền lợi của người lao động di cư…

Ông Hà Minh Huệ đánh giá cao những đóng góp của các nhà báo trong lĩnh vực báo chí viết về lao động, việc làm trong thời gian qua; mong muốn các đại biểu tập trung thảo luận, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm về các vấn đề liên quan đến lao động di cư cũng như các vấn đề về báo chí, về truyền thông liên quan đến lao động di cư Việt Nam và quốc tế.

Đại diện Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho biết, nhiều lĩnh vực chuyên sâu, thuật ngữ, cách thức đưa tin đúng, đủ về lao động di cư sẽ được các chuyên gia của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) và các chuyên gia của các tổ chức khác thông tin trong hội thảo.

Theo nghiên cứu của Tổng Cục Thống kê trong năm 2013, đa số người di cư ở Việt Nam đến từ vùng nông thôn nghèo, trong độ tuổi từ 15-29. Số lượng nữ di cư đang ngày càng gia tăng. Hơn 80% trong số đó mới học hết trung học cơ sở và trung học phổ thông. Thông tin từ Tổ chức Phòng chống buôn bán người (MTV Exit) cho biết hiện thế giới có khoảng hơn 1 triệu lao động di cư bị cưỡng bức đã được phát hiện các nước châu Á.

Tại tọa đàm, các đại biểu đã được nghe tổng quát và trao đổi về lao động di cư - xu hướng, nguyên nhân và thách thức; vai trò của bảo hiểm xã hội đối với lao động di cư, kinh nghiệm quốc tế và đánh giá về bảo hiểm xã hội cho lao động di cư tại Việt Nam; lao động di cư và một số vấn đề chính (bóc lột lao động, phân biệt đối xử các vấn đề về hợp đồng lao động); tiêu chuẩn lao động quốc tế và bảo vệ người lao động di cư.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục