Hơn 100 "vai diễn địch"

Chiến sỹ biệt động Quảng Trị với hơn 100 vai diễn

Từ Hà Nội, chúng tôi lên đường vào Quảng Bình tìm gặp người từng “diễn” vai… địch trong hơn trăm trận đánh ở Quảng Trị từ 1962-1973.
Từ Hà Nội, chúng tôi lên đường vào Quảng Bình tìm gặp người “diễn” vai… địch trong hơn trăm trận đánh ở Quảng Trị từ 1962-1973.

Nhiều trận thắng vang dội cả một vùng Bình Trị Thiên, thấu vào Quảng Nam, Quảng Ngãi hồi đó đã tạo đà giải phóng Sài Gòn, thống nhất đất nước.

Lúc đó, trong tay chúng tôi chỉ vỏn vẹn cái tên Thượng tá Nguyễn Việt Hà, được phong Anh hùng vũ trang nhân dân ngày 6/6/1976.

Qua những câu chuyện thời chiến, ở Quảng Bình còn có Anh hùng Nguyễn Xuân Giang. Chúng tôi không thể ngờ hai cái tên nức tiếng ở Bình Trị Thiên thời đó chính là cùng một người...

Người được địch treo giá… 30 cây vàng

Năm 1963, Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) tăng cường chi viện cho miền Nam, thượng tá Nguyễn Xuân Giang giữ vị trí đội trưởng trinh sát rồi Phó Ban an ninh thị xã Quảng Hà phụ trách trinh sát, điểm báo an ninh đô thị và lần ra tụ điểm địch ác ôn để diệt trừ.

Trận đầu tiên tiêu diệt tên Phó Quận trưởng quận Hải Lăng, phản bội cách mạng làm tay sai cho địch. Thượng tá Giang đã bày ra kịch bản cải trang, “diễn” vai một trung úy bảo an ở tỉnh để trà trộn, thâm nhập vào quận Hải Lăng.

Trừ khử được tên đại ác ôn, chống phá cách mạng mà nhiều lần bộ đội ra tay không thành, cái tên Nguyễn Xuân Giang không còn an toàn nữa. Bộ cho phép Nguyễn Xuân Giang được đổi tên, để tiếp tục nhiệm vụ nằm vùng.

“Trong lòng ngổn ngang trăm mối, biết lấy tên chi. Cấp trên hỏi: 'Mi lấy tên chi hè?' Bác nói: 'Tôi xin lấy tên Việt Hà.' Hà là tên vợ tui, Viêt là tên nước Việt Nam. Đó là chuyện tên gọi của anh hùng Việt Hà ở chiến trường Quảng Trị, ra đến Quảng Bình có anh hùng Nguyễn Xuân Giang, đều là miềng [mình] đây.”

Thượng tá Giang kể lại: “Các cháu không biết đóng vai trung úy bảo an đối với cấp quận là to lắm, như cấp trên he. Trưa 6/8/1966, bác cùng hai đồng chí cải trang mũ áo trung úy bảo an. Vào đến nơi, bác ra lệnh: 'Tùng! Đứng dậy.' Hắn cười, hô: 'Chào trung úy.' Bác nói tiếp: 'Đứng dậy, giơ tay lên.' Tên Tùng khả nghi, chồm lên lấy vũ khí nhưng miềng khống chế, tiêu diệt. Sau trận này, phía địch hoang mang dao động trong nội bộ.”

Hơn một tháng điên cuồng truy lùng, địch cũng tìm ra manh mối trung úy Giang. Chúng ra lệnh truy nã toàn Bình Trị Thiên, từ thành thị đến làng mạc: ai bắt được tên trung úy Giang, Việt cộng nằm vùng nguy hiểm, thưởng 3 triệu đồng.

“Ua chua choa, 3 triệu đồng thời đó to lắm. Một chỉ vàng trị giá mới 10 đồng thôi he,” bác Giang cười nói.

Năm 1967, với tên mới nằm trong lòng địch, Việt Hà phá được nhà lao Quảng Trị, giải phóng cho 260 cán bộ chính trị, công an du kích, bộ đội đang bị giam giữ tại đây.

Năm 1971, thượng tá Việt Hà tiếp tục cải trang “diễn” vai đại úy an ninh thủy quân lục chiến trừ khử cụm ác ôn do tên Tôn Thất Phong cầm đầu. Sau trận đánh đó, uy tín của lực lượng công an lên rất cao trong nhân dân.

Cầm trên tay những bức ảnh đen trắng chụp thời chiến, Thượng tá Việt Hà xúc động: “Nằm trong lòng địch nhưng miềng bám được dân. Dân tin, dân thương, dân che chở, dân chỉ cho thằng địch ác ôn nhất để đánh cho trúng. Trải qua nhiều trận đánh, nhiều kỷ niệm mới thấy dân mình đánh giặc thông minh hơn bộ đội, chiến sĩ.”

Số nhà 54 đường Trần Hưng Đạo

Hoạt động tình báo, nằm vùng trong lòng địch rất nguy hiểm, cả đoàn quân 106 người do Bộ  Nội vụ chi viện cho chiến trường Quảng Trị chỉ mỗi Thượng tá Việt Hà và một người nữa sống sót trở về sau hòa bình.

“Kháng chiến trường kỳ, miềng trú trong rừng, đói ăn nên chiến sỹ phải hái lá đót mà ăn, không dám đào củ vì để lá còn mọc tiếp. Có những hôm bắt được con sóc bé bằng bắp tay nhưng ăn đủ 21 'tỉnh'...,” bác nhớ lại.

Năm 1962, Thượng tá Việt Hà được đơn vị cho nghỉ 10 ngày để cưới vợ. Cưới được ba ngày thì chia tay người vợ trẻ, xinh đẹp ra chiến trường.“ Ngày đi, miềng hẹn ba năm sau trở về nhưng đến mãi tận 11 năm sau...”

Hồi đó, viết thư gửi đến một năm, nhanh thì sáu tháng mới nhận được. Thư gửi từ Quảng Trị về Quảng Bình phải qua Lào, vượt thách ghềnh, sông suối, đạn bom rồi quay ra Hà Nội.

Trên mỗi bức thư của bác Giang gửi về cho người vợ thân yêu đều đề địa chỉ là số nhà 54, đường Trần Hưng Đạo, Quảng Trị. Mật hiệu này do Ban An ninh của tỉnh quy định, không có thật cũng như các ám hiệu khác S9, A3… để bảo toàn cơ sở hoạt động.

Chiến tranh, lá thư cũng có sinh mạng như người chiến sĩ. Sẽ là đạn bay vèo vèo, băng rừng lội suối, quăng quật máu xương hòa bình mới trở về với người thân hoặc mãi mãi thất lạc không thể đến với gia đình người lính.

“Dẫu vậy, tinh thần cách mạng khiến chiến sĩ miềng quên đi tình riêng, quê nhà, say sưa chiến đấu. Lúc đó, chỉ thương anh em, đồng đội miềng hi sinh không lấy được xác…”

Bác Hà, vợ bác Giang kể: “Mười một năm đằng đẵng xa chồng, niềm hy vọng là những lá thư mong manh. Chỉ biết chồng còn sống trong một ngày nhận thư, năm tháng còn lại cứ nhắm mắt quên đi… Đau khổ, tuyệt vọng rồi lại hy vọng, đến ngày anh trở về thì suýt không nhận ra được chồng.”

Hồi tưởng về những phen “diễn” vai địch trong chiến trận, Thượng tá Việt Hà tâm sự: “Nằm vùng trong lòng địch khó nhất là ở bản lĩnh của miềng răng cho nó ngỡ miềng là nó. Nó đang làm tay sai cho Mỹ hóa làm tay sai cho miềng. Phong thái, điệu bộ phải có uy, quần áo cải trang của quân địch từ mũ nỉ, quần áo, quân hàm. Nay muốn cải trang quân dù, phải có quần áo, điệu bộ của lính dù. Hôm sau cải trang thành biệt động sẽ phải có quần áo, điệu bộ của biệt động…”

Trên con đường mòn, người cựu chiến sĩ công an trong Chiến dịch Hồ Chí Minh "diễn" vai địch trên trăm trận đánh nay đã ngoài thất thập vẫn rất "thanh niên" trong bộ pyjama sáng màu, đầu đội chiếc mũ cựu chiến binh, đứng bên chiếc Cup 67 vẫy tay tạm biệt chúng tôi./.
Đặng Dương Châu (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục