Chính giới Colombia quan ngại thỏa thuận hòa bình với FARC bị phá vỡ

Các nhà đàm phán giữa Chính phủ Colombia và Lực lượng Vũ trang cách mạng Colombia (FARC) cảnh báo Liên hợp quốc rằng chính phủ Tổng thống Iván Duque có ý định "phá hoại nghiêm trọng thỏa thuận này.
Chính giới Colombia quan ngại thỏa thuận hòa bình với FARC bị phá vỡ ảnh 1Lực lượng vũ trang cách mạng Colombia (FARC). (Nguồn: Pares)

Các nhà đàm phán thỏa thuận hòa bình lịch sử giữa Chính phủ Colombia và Lực lượng Vũ trang cách mạng Colombia (FARC) cảnh báo Liên hợp quốc rằng chính phủ của Tổng thống Iván Duque có ý định "phá hoại nghiêm trọng" thỏa thuận này.

Trong bức thư đề ngày 11/3 gửi Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, các nhà đàm phán của FARC và trong chính phủ tiền nhiệm tại Colombia của cựu Tổng thống Juan Manuel Santos đã đặt câu hỏi về mục đích của việc Tổng thống Duquet phủ quyết 6 điều khoản trong dự thảo Luật về thẩm quyền xét xử đặc biệt vì hòa bình (JEP) - một cột trụ trong việc thực thi Thỏa thuận hòa bình năm 2016 giữa Bogota và FARC.

Bức thư nêu rõ: "Chúng tôi lo ngại sâu sắc về âm mưu phá hoại nghiêm trọng việc thực thi thỏa thuận, cấu trúc và chức năng của JEP, cũng như hệ thống được thiết lập để đề cao quyền của các nạn nhân."

[Tổng thống Colombia phủ quyết một phần luật về cơ chế tư pháp hòa bình]

Trước đó, cùng ngày, Tổng thống Duque đã đưa ra quyết định trên. Dù chỉ là phần nhỏ trong số 195 điều khoản của dự luật trên, nhưng đây được coi là những điều khoản then chốt khi đề cập tới nghĩa vụ đối với các nạn nhân, thẩm quyền của Cao ủy vì Hòa bình, xét xử hình sự đối với các tội ác chiến tranh và chống loài người, thẩm quyền điều tra của các cơ quan tư pháp thông thường đối với các bị cáo của JEP và việc dẫn độ các bị cáo của JEP ra nước ngoài.

Theo quy định, Quốc hội Colombia sẽ tái thảo luận và biểu quyết các nội dung bị Tổng thống Duque phủ quyết, một tiến trình có thể kéo dài tới 8-9 tháng.

Năm 2016, sau khi đạt được thỏa thuận hòa bình với chính phủ của Tổng thống Juan Manuel Santos, FARC đã chính thức từ bỏ con đường đấu tranh vũ trang và trở thành một đảng chính trị hợp pháp trong xã hội Colombia.

Năm 2017, Chính phủ Colombia tiếp tục mở ra một tiến trình đàm phán hòa bình khác với nhóm Quân đội Giải phóng quốc gia (ELN), song kể từ khi ông Duque nhậm chức, tiến trình này đã bị gián đoạn do những yêu sách mới của chính phủ không được phía ELN chấp nhận./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục