Chính phủ Ai Cập kêu gọi đầu tư hàng loạt dự án lớn

Ai Cập kêu gọi đầu tư vào một loạt dự án lớn nhằm phát triển các khu vực xung quanh kênh đào Suez và các khu vực ở miền Nam nước này.
Tại một hội nghị được tổ chức ngày 24/9 tại thủ đô Cairo, Ai Cập, chính phủ nước này đã kêu gọi đầu tư vào một loạt dự án lớn nhằm phát triển các khu vực xung quanh kênh đào Suez và các khu vực ở miền Nam nước này.

Các dự án nói trên chủ yếu thuộc các lĩnh vực quản lý chất thải rắn, cung cấp nước sạch, y tế, viễn thông, cơ sở hạ tầng, trong đó có xây dựng một đường hầm mới xuyên qua kênh đào Suez nối với Bán đảo Sinai và một cảng biển lớn bên bờ Địa Trung Hải nhằm phân tán bớt dân cư ra khỏi khu vực Thung lũng và vùng Châu thổ sông Nile.

Theo Bộ trưởng Đầu tư Ai Cập Osama Saleh, 14 dự án được giới thiệu lần này có tổng số vốn đầu tư 8 tỷ USD và được ưu tiên triển khai theo hình thức đối tác công tư (PPP) với mục tiêu phát triển đồng bộ tuyến hành lang dọc theo kênh đào Suez bắt đầu từ phía đông tỉnh Port Said và mở ra hướng phát triển đô thị mới bên ngoài khu vực Thung lũng và vùng Châu thổ sông Nile.

Một nửa trong số 14 "đại dự án" trên hiện đã sẵn sàng và bảy dự án còn lại sẽ được triển khai trong khoảng thời gian từ 18-24 tháng tới.

Nằm trên một tuyến thương mại quốc tế lớn, kênh đào Suez là một nguồn thu ngoại tệ quan trọng của Ai Cập. Song theo các nhà phân tích, nước này hiện chưa tận dụng được tiềm năng to lớn của khu vực dọc theo tuyến đường thủy chiến lược này để thu hút đầu tư và phát triển công nghiệp.

Theo quy hoạch phát triển trong 30 năm tới, khu vực kênh đào Suez sẽ tạo ra nửa triệu việc làm và thu hút hơn 1,5 triệu người đến sinh sống.

Trong giai đoạn đầu, vùng Đông tỉnh Port Said sẽ được đầu tư mạnh nhằm hình thành một hải cảng lớn bên bờ Địa Trung Hải, một thành phố mới và một khu vực công nghiệp trải dài trên tổng diện tích hơn 40km2.

Kế hoạch lớn thứ hai có tên "Hành lang Phát triển vùng thượng Ai Cập," sẽ kết nối khu vực Thung lũng sông Nin ở phía Nam thủ đô Cairo với cảng Safaga ở biển Đỏ.

Kế hoạch này bao gồm việc xây dựng một nhà máy xử lý nước biển chủ yếu chạy bằng năng lượng Mặt Trời nhằm cung cấp nước sinh hoạt cho toàn bộ khu vực duyên hải. Ai Cập từng là một điểm đến ưa thích của các nhà đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, sau phong trào nổi dậy lật đổ chế độ của Tổng thống Hosni Mubarak vào tháng 1/2011 và nhiều tháng bất ổn an ninh, chính trị sau đó, đất nước của các Kim tự tháp đã chứng kiến làn sóng tháo chạy của các nhà đầu tư quốc tế.

Kể từ khi lên nhậm chức, chính quyền của Tổng thống Mohamed Morsi đã có nhiều nỗ lực khôi phục lòng tin của các nhà đầu tư cũng như tìm kiếm các nguồn vốn đầu tư bên ngoài để phát triển kinh tế./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục