Chính phủ Hàn Quốc giữ nguyên lãi suất cơ bản bất chấp lạm phát tăng

Ngân hàng trung ương Hàn Quốc giữ lãi suất chuẩn ổn định ở mức 3,5% lần thứ 10 liên tiếp kể từ tháng 1/2023, do tốc độ tăng giá tiêu dùng vẫn trên 3% so với mục tiêu 2% của BoK.

Các gian hàng trong một cửa hàng của Lotte Mart ở Seoul, Hàn Quốc. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)
Các gian hàng trong một cửa hàng của Lotte Mart ở Seoul, Hàn Quốc. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)

Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BoK) sẽ duy trì chính sách tiền tệ hạn chế với mức lãi suất ổn định ở 3,5%, gạt bỏ những kỳ vọng rộng rãi rằng BoK có thể bắt đầu cắt giảm lãi suất vào nửa cuối năm nay.

Thông báo trên được Thống đốc BoK Rhee Chang-yong đưa ra ngày 12/3, sau khi ngân hàng này giữ lãi suất chuẩn ổn định ở mức 3,5% lần thứ 10 liên tiếp kể từ tháng 1/2023, do tốc độ tăng giá tiêu dùng vẫn trên 3% so với mục tiêu 2% của BoK.

Theo Thống đốc Rhee Chang-yong, hội đồng gồm 6 thành viên cấp cao của BoK cùng nhất trí cho rằng vẫn chưa đến lúc đưa ra khả năng cắt giảm lãi suất trong nửa cuối năm nay, do cần có nhiều tiến bộ hơn trong nỗ lực giảm lạm phát để có thể hướng tới việc cắt giảm lãi suất.

Chính sách lãi suất hiện tại ở Hàn Quốc ở mức cao nhất trong hơn 15 năm qua khiến nhiều hộ gia đình phải gánh chịu lãi suất vay đắt đỏ, tiền lương thực tế giảm và những khó khăn kinh tế khác liên quan đến lạm phát.

Dư luận Hàn Quốc đặt câu hỏi rằng BoK có hạ lãi suất cơ bản hiện tại trong nửa cuối năm hay không khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) để ngỏ khả năng 3 lần cắt giảm lãi suất trong năm 2024.

Nhiều người dự đoán rằng đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên của Fed sẽ diễn ra vào tháng 6 tới, có thể khiến Hàn Quốc cũng xem xét hạ lãi suất. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng lạm phát ở Hàn Quốc vẫn không ổn định, là trở ngại cho khả năng cắt giảm lãi suất của BoK.

Theo Cơ quan Thống kê Hàn Quốc, lạm phát của nước này đã tăng 3,1% trong tháng 2 và tháng 3 vừa qua, sau khi ở mức 2,8% trong tháng 1. Lạm phát tăng trở lại là do giá trái cây trong đó có táo và các sản phẩm tươi sống khác ngày càng cao.

Khi được hỏi liệu giá của thực phẩm thiết yếu có thể được giải quyết thông qua chính sách tiền tệ hay không, Thống đốc Rhee chỉ ra rằng Biến đổi Khí hậu mới là nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm về số lượng thực phẩm tươi sống sản xuất trong nước khiến giá cả tăng vọt.

Theo Thống đốc Rhee giải pháp khả thi là tăng nhập khẩu sản phẩm tươi sống, vốn đang bị hạn chế để bảo vệ ngành nông nghiệp và các ngành liên quan khác của Hàn Quốc.

Áp lực lạm phát gia tăng cũng trở nên trầm trọng hơn khi giá dầu thế giới tăng cao do rủi ro địa chính trị. Thêm vào đó, liệu Fed có tiếp tục kế hoạch cắt giảm lãi suất hay không hiện vẫn chưa chắc chắn, vì lạm phát hàng năm của Mỹ đã tăng từ 3,2% trong tháng 2 lên 3,5% trong tháng 3/2024./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục