Chính phủ Italy vượt qua bỏ phiếu tín nhiệm ở Hạ viện

Với 384 phiếu thuận và 184 phiếu chống, chính phủ Italy đã vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm ở Hạ viện về chương trình cải cách thị trường lao động.
Chính phủ Italy vượt qua bỏ phiếu tín nhiệm ở Hạ viện ảnh 1Chính phủ của Thủ tướng Renzi đã vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Hạ viện về chương trình cải cách lao động. (Ảnh: AFP)

Với 384 phiếu thuận và 184 phiếu chống, hôm 23/4, chính phủ Italy đã vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm ở Hạ viện về chương trình cải cách thị trường lao động, một trong những cải cách quan trọng bậc nhất nhằm giảm tỷ lệ thất nghiệp đã lên đến mức kỷ lục.

Trước đó, Thủ tướng Matteo Renzi đã hứa sẽ thực hiện ngay cải cách này khi nội các của ông được thành lập vào cuối tháng Hai vừa qua.

Những quy định về việc cải cách thị trường lao động, trong đó có những thay đổi liên quan đến hợp đồng giữa người làm công và người sử dụng lao động, được đưa ra nhằm giúp cho người lao động có được chỗ làm ổn định hơn, với những quy định chặt chẽ hơn buộc người sử dụng lao động phải đảm bảo việc làm cho họ.

Cải cách thị trường lao động quy định cho người chủ giới hạn tối đa năm hợp đồng thời vụ cho những nhân viên của họ trong ba năm đầu, sau đó phải ký hợp đồng dài hạn cho họ.

Trước đó, văn bản gốc của quy định cải cách đưa cho các chính đảng xem xét và góp ý sửa đổi đặt ra thời hạn là tám hợp đồng thời vụ trong ba năm đầu.

Tuy nhiên, chính phủ sau đó đã sửa đổi lại thời hạn này, do lo ngại rằng, điều này có thể làm tăng thêm sự bất ổn vốn đã rất cao cho những người mới gia nhập thị trường lao động.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn trên truyền hình Italy một ngày trước khi cuộc bỏ phiếu tín nhiệm diễn ra, Thủ tướng Matteo Renzi một lần nữa khẳng định rằng, ưu tiên hàng đầu của chính phủ là tìm mọi phương cách để đảm bảo quyền lợi của người lao động, nhất là những người lao động mới.

Hiện tại, tỷ lệ thất nghiệp ở Italy đã lên đến 12,9% trong tháng Ba. Trong khi đó, tình trạng thanh niên không có việc làm đang gây đau đầu cho xã hội Italy, với tỷ lệ thất nghiệp lên tới 40%.

Theo ông Renzi, quy định cải cách này là cần thiết để đơn giản hóa hệ thống các hợp đồng lao động khác nhau, không đảm bảo được quyền lợi của người lao động. Quy định này cũng được kỳ vọng là sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp "dũng cảm hơn" khi thuê người lao động.

Đây là lần đầu tiên chính phủ của ông Renzi đề nghị bỏ phiếu tín nhiệm liên quan đến một cải cách mà họ đưa ra nhằm buộc các đảng nhỏ hơn phải ủng hộ chính phủ trong vấn đề này. Đưa một quy định hoặc một dự luật ra bỏ phiếu tín nhiệm là nhằm giảm thiểu thời gian tranh luận cũng như các chỉ trích trong liên minh cầm quyền và các đảng đối lập, nhưng cũng đầy rủi ro, vì chính phủ có thể sụp đổ nếu như không vượt qua cuộc bỏ phiếu này.

Chính phủ tiền nhiệm của Thủ tướng Enrico Letta đã trải qua hơn 20 cuộc bỏ phiếu tín nhiệm liên quan đến các quyết sách của mình chỉ trong 14 tháng tồn tại.

Theo nhật báo La Stampa, việc yêu cầu bỏ phiếu tín nhiệm lần đầu tiên cũng cho thấy một số vấn đề mà chính phủ của Thủ tướng Renzi đang phải đối mặt. Đó là sự thiếu nhất trí trong một số đảng nhỏ liên minh với đảng Dân chủ (Pd) cầm quyền liên quan đến một số quyết sách và bộc lộ một số mâu thuẫn trong chính đảng Pd khi hai tháng "trăng mật" của chính phủ trôi qua.

Hiện tại, chính phủ đang tiếp tục làm việc về các gói cải cách quan trọng khác. Hôm 23/4, chính phủ Italy cũng đã trình Quốc hội toàn văn cải cách giảm thuế 80 euro mỗi tháng cho người có thu nhập đến 24.000 euro trong năm 2014, bắt đầu từ tháng Năm tới.

Chính phủ cũng thúc đẩy việc áp dụng mức lương trần cho lãnh đạo các cơ quan và tập đoàn do chính phủ quản lý./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục