Chính phủ Nga lập cơ quan mới để quản lý cải cách cơ cấu kinh tế

Bộ Phát triển kinh tế Nga đề xuất thành lập một cơ quan quản lý đặc biệt mới phục vụ công tác vận hành cải cách kinh tế Nga để nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng trên mức trung bình của thế giới.
Chính phủ Nga lập cơ quan mới để quản lý cải cách cơ cấu kinh tế ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Global Look Press)

Bộ Phát triển kinh tế Nga đã soạn thảo và chính phủ đã nhất trí với kế hoạch cải cách cơ cấu, “rất cần thiết” để nền kinh tế Nga đạt tốc độ tăng trưởng trên mức trung bình của thế giới - ít nhất là 3% kể từ năm 2021.

Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, các cải cách này do ủy ban của chính phủ về phát triển kinh tế thực hiện và Bộ Phát triển kinh tế đề xuất thành lập một cơ quan quản lý đặc biệt mới phục vụ công tác vận hành cải cách.

Các đề xuất liên quan được Bộ trưởng bộ trên, ông Maxim Oreshkin nêu trong một bức thư gửi Phó Thủ tướng thứ nhất kiêm Bộ trưởng Tài chính Anton Siluanov, người đứng đầu Ủy ban Phát triển kinh tế, và một quan chức liên bang đã xác nhận về văn kiện này.

["Chính sách kinh tế vĩ mô cân bằng giúp Nga tránh được suy thoái"]

Cơ quan quản lý mới, theo đề nghị của Bộ trưởng Oreshkin, sẽ là một tiểu ban đảm bảo tăng trưởng kinh tế và thúc đẩy thực hiện cải cách cơ cấu. Dự kiến chính ông Oreshkin sẽ đứng đầu tiểu ban này.

Dự kiến các chức năng chính của tiểu ban là xem xét các tài liệu về việc thực hiện cải cách cơ cấu (kể cả những bất đồng trong chính phủ), đề xuất các biện pháp cần thiết tiếp theo và ra kết luận về tình hình kinh tế.

Bộ trưởng Oreshkin đề xuất tổ chức cuộc họp đầu tiên của ủy ban phát triển kinh tế chính phủ về các nhiệm vụ mới vào giữa tháng 12 và sau đó tổ chức hàng tháng.

Tại cuộc họp đầu tiên, ông Oreshkin đề xuất phê chuẩn các hướng cải cách cơ cấu chính. Kế hoạch làm việc của ủy ban, được Bộ Phát triển kinh tế soạn thảo, bao gồm 6 lĩnh vực chính: cải thiện môi trường đầu tư và khuyến khích nhu cầu đầu tư; tăng tính hiệu quả của thị trường lao động; thúc đẩy sự cạnh tranh; phát triển công nghệ và đổi mới; tài chính (bao gồm phát triển tích tụ hưu trí dài hạn, phát triển thị trường thế chấp…); mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ của Nga.

Theo Bộ Phát triển kinh tế, nhiệm vụ chính của ủy ban là "điều phối chính sách nhà nước về quản lý tổng cầu." Bộ trưởng Oreshkin cho rằng tổng cầu cuối của nền kinh tế Nga hiện đang yếu. Năm nay, ước tính nền kinh tế Nga sẽ bỏ lỡ ít nhất 1.000 tỷ ruble (10,57 tỷ USD) tổng cầu.

Nhiệm vụ quản lý tổng cầu đòi hỏi phải xem xét sự tương tác về chính sách kinh tế của chính phủ và chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Liên bang Nga. Trong các cuộc thảo luận về vai trò của ngân hàng này, Bộ trưởng Oreshkin cho rằng về cơ bản, Ngân hàng Trung ương Liên bang Nga có nhiệm vụ hỗ trợ tổng cầu ở mức tương ứng với mục tiêu lạm phát 4%.

Trong kinh tế học, tổng cầu là lượng nhu cầu có khả năng tài chính của toàn bộ nền kinh tế đối với các hàng hóa cuối cùng. Tổng cầu gồm nhu cầu trong nước và nhu cầu nước ngoài. Nhu cầu trong nước là đầu tư của xí nghiệp, tiêu dùng cá nhân, chi tiêu ròng của chính phủ (chênh lệch giữa chi tiêu chính phủ và thu từ thuế của chính phủ). Nhu cầu nước ngoài chính là xuất khẩu ròng (chênh lệch giữa xuất khẩu và nhập khẩu)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục