Chính sách đối ngoại "hai không, một có" của Tổng thống Hàn Quốc

Tổng thống đắc cử Yoon Suk-yeol sẽ hướng Hàn Quốc khỏi nỗ lực cân bằng giữa các cường quốc lớn ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và hướng tới việc liên kết chặt chẽ hơn với chính sách đối ngoại của Mỹ.
Chính sách đối ngoại "hai không, một có" của Tổng thống Hàn Quốc ảnh 1Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)

Theo trang mạng hani.co.kr, người dân Hàn Quốc đang dần đối mặt với những tác động của cuộc bầu cử tổng thống gần đây.

Tổng thống đắc cử của phe bảo thủ Yoon Suk-yeol chiến thắng với một chương trình nghị sự chống tham nhũng và có nhiều kế hoạch khác nhau để thay đổi cách thức hoạt động của chính phủ.

Ông cũng đã cam kết giảm bớt sự can thiệp của chính phủ đối với nền kinh tế, tăng cường khuyến khích kinh doanh, nâng cao vai trò của năng lượng hạt nhân và đẩy nhanh kế hoạch xây dựng 2,5 triệu ngôi nhà. Yoon Suk-yeol muốn bù đắp cho người dân Hàn Quốc vì những tổn thất do đại dịch COVID-19. Bên cạnh đó, ông còn ủng hộ phong trào bài nữ quyền còn non trẻ của Hàn Quốc.

Tuy nhiên, có lẽ tác động lớn nhất của chính quyền bảo thủ mới sẽ là trên phương diện chính sách đối ngoại. Có thể tóm tắt cách tiếp cận của chính quyền sắp tới là “hai không, một có,” cụ thể là nói “không” với cả Triều Tiên và Trung Quốc trong khi nói “có” với Mỹ.

Ở mức độ sâu hơn, Tổng thống đắc cử Yoon Suk-yeol sẽ hướng Hàn Quốc khỏi nỗ lực cân bằng giữa các cường quốc lớn ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và hướng tới việc liên kết chặt chẽ hơn với chính sách đối ngoại của Mỹ.

Chính quyền ông Biden mong đợi sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa Hàn Quốc và Nhật Bản trong việc chống lại Triều Tiên và kiềm chế Trung Quốc.

Hai nhà bình luận Chung Ku-youn và Andrew Yeo viết trên tạp chí "Foreign Policy": “Động thái ngoại giao không rõ ràng về mặt chiến lược của Hàn Quốc - sự dè dặt không đứng về phía nào trong các cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc - ngày càng thiếu hợp lý trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị ngày càng gia tăng.”

[Dư luận về chính sách đối ngoại của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol]

Cũng theo hai tác giả này, cách tiếp cận này của chính quyền ông Moon Jae-in là “một công thức thiếu phù hợp, khiến chính sách đối ngoại của Hàn Quốc tiếp tục trì trệ và thiếu sức thuyết phục, trong khi không hề có những giá trị rõ ràng.”

Đây dường như là một kết luận gây ngạc nhiên bởi thực tế chính quyền ông  Moon Jae-in có những giá trị rõ ràng trong đường lối đối ngoại. Có chăng là chúng đi ngược những giá trị của Mỹ. Ông Moon Jae-in và giới chức chính quyền coi trọng sự hợp tác với Triều Tiên nhiều hơn. Họ coi trọng việc giảm thiểu ảnh hưởng từ cuộc cạnh tranh giữa các siêu cường với và xung quanh Trung Quốc.

Theo hai học giả Chung Ku-youn và Andrew Yeo, sự phù hợp bắt nguồn trực tiếp từ quyền lực chính trị. Hàn Quốc có chỗ đứng với chính sách đối ngoại phần lớn vì nước này dựa vào cường quốc bá chủ toàn cầu.

Sự phù hợp tất nhiên đi kèm với cái giá phải trả là sự độc lập. Bởi vậy, việc hiện thực hóa chính sách “hai không, một có” của chính quyền mới chắc chắn sẽ không đơn giản như những tuyên bố.

Trung Quốc và Hàn Quốc có mối liên hệ kinh tế cực kỳ chặt chẽ. Trung Quốc là nhà nhập khẩu hàng hóa lớn nhất của Hàn Quốc. Năm 2021, Trung Quốc chiếm một phần tư tổng kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc. Mỹ đứng ở vị trí thứ hai với 15%. Sự mất cân bằng tương tự được phản ánh trong kim ngạch nhập khẩu Hàn Quốc.

Mối quan hệ thương mại bền chặt này vẫn tồn tại ngay cả khi hai bên bất đồng về việc khi Hàn Quốc triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD).

Chính quyền ông Moon Jae-in đã lên nắm quyền với kế hoạch xoa dịu bế tắc liên quan THAAD với Trung Quốc. Theo chính sách “ba không” của ông Moon Jae-in, Hàn Quốc cam kết sẽ không tiếp nhận thêm các khẩu đội THAAD, không tham gia hệ thống phòng thủ tên lửa trong khu vực và rút lui khỏi liên minh ba bên với Mỹ và Nhật Bản.

Dù một số công ty của Hàn Quốc như Lotte đã rời bỏ thị trường Trung Quốc, quan hệ thương mại đã được nối lại sau sáng kiến của nhà lãnh đạo Moon Jae-in.

Gần đây, Trung Quốc thậm chí đã bắt đầu dỡ bỏ lệnh cấm phát trực tuyến các nội dung Hàn Quốc từng được áp dụng trong giai đoạn quan hệ bế tắc vì THAAD.

Tuy nhiên, Tổng thống đắc cử Yoon Suk-yeol đã tuyên bố ý định phá vỡ chính sách “ba không” bằng ý định triển khai thêm các khẩu đội THAAD cùng nhiều kế hoạch khác. Ông có thể sẽ phải tính đến cách tiếp cận tinh tế hơn sau khi đánh giá tác động của một cuộc đọ sức mới với Trung Quốc đối với nền kinh tế Hàn Quốc.

Ông Moon Jae-in cũng đã hy vọng rằng Hàn Quốc có thể tận dụng Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc để thu hút vốn nhằm cải thiện quan hệ trên Bán đảo Triều Tiên với các dự án cơ sở hạ tầng như hệ thống đường sắt liên Triều.

Những dự án tiềm năng khác như dự án năng lượng chung cũng có thể đã có ích trong việc khiến Triều Tiên có ý định bước ra khỏi thế cô lập. Sau tất cả, thách thức của Moon Jae-in lại chính là việc thuyết phục Mỹ chấp nhận tầm nhìn này.

Dù đã tổ chức 3 hội nghị thượng đỉnh với Chủ tịch Kim Jong-un, Tổng thống Moon Jae-in đã không thể đạt được nhiều tiến bộ trong việc thúc đẩy các dự án hợp tác cụ thể. Tuy nhiên, căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên dưới thời ông Moon Jae-in về cơ bản đã hạ nhiệt.

Trong khi đó, Triều Tiên đã bày tỏ sự không hài lòng với kế hoạch của Tổng thống mới Yoon Suk-yeol khi ông tuyên bố về đường lối cứng rắn hơn, chẳng hạn những phát biểu về năng lực tấn công phủ đầu nhằm vào sức mạnh hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng.

Triều Tiên cũng sẽ không hài lòng trước sự gia tăng các cuộc tập trận quân sự Mỹ-Hàn mà ông Yoon Suk-yeol ủng hộ. Một dấu hiệu phản ánh rõ thái độ của Bình Nhưỡng có lẽ là cuộc thử nghiệm tên lửa đạn đạo liên lục địa gần đây.

Tương tự các nhà lãnh đạo bảo thủ trước đây, Tổng thống Yoon Suk-yeol đề xuất "hòa bình thông qua sức mạnh" như một chính sách đối với Triều Tiên.

Một khi lên nắm quyền, ông ấy có thể sẽ xoay chuyển tình thế và giống như ông Lee Myung-bak là đưa ra một gói khuyến khích kinh tế. Ông Lee Myung-bak suy nghĩ và hành động như một doanh nhân.

Song ông Yoon Suk-yeol, với lối tư duy của một công tố viên, có thể sẽ đối xử với Triều Tiên như một tên tội phạm cần bị trừng phạt.

Giới hoạch định chính sách tại Washington nhìn nhận rằng quan hệ của Hàn Quốc với Mỹ sẽ trở nên suôn sẻ hơn nhiều khi không có cả ông Trump và ông Moon. Giới chóp bu chính sách đối ngoại ở Washington cũng đã chuyển hướng từ việc ủng hộ can dự với Trung Quốc sang kiềm chế tham vọng của nước này, tương tự những tuyên bố và kế hoạch chống Trung Quốc của nhà lãnh đạo Hàn Quốc vừa đắc cử.

Tuy nhiên, phải nhìn nhận rằng Tổng thống Yoon Suk-yeol giành chiến thắng sít sao trong cuộc bầu cử, và phe đối lập vẫn kiểm soát Quốc hội. Bất kỳ nỗ lực nào của Yoon Suk-yeol nhằm nối lại quan hệ với Nhật Bản, đối tác ưu tiên hàng đầu trong danh sách của Mỹ, sẽ vấp phải sự phản đối đáng kể của dư luận trong nước.

Phản ứng cũng có thể diễn ra nếu Hàn Quốc tìm cách xích lại gần hơn với các cường quốc của Nhóm Bộ tứ (Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ).

Sau tất cả những thiếu sót và sáng kiến chính sách thất bại, ông Moon Jae-in trở thành nhân tố quan trọng chống lại xu hướng chia cắt rõ rệt theo kiểu Chiến tranh Lạnh tại Đông Bắc Á.

Ông đã cố gắng tìm ra khoảng trống giữa Mỹ và Trung Quốc. Ông đã cố gắng đưa Triều Tiên thoát khỏi sự cô lập. Giờ đây, khi ông sắp mãn nhiệm, khu vực này sẽ một lần nữa trở nên phân cực cũng giống như các cử tri của Hàn Quốc.

Cuộc bầu cử của ông Yoon Suk-yeol với những rạn nứt gần như chia đôi dư luận Hàn Quốc diễn ra cùng lúc với những thay đổi ở châu Âu sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine.

Trong bối cảnh hợp tác quốc tế trở thành điều cần thiết hơn bao giờ hết để giải quyết các vấn đề như đại dịch, biến đổi khí hậu, người tị nạn cùng nhiều thách thức khác, sự biến mất của sự “trung dung” ở cả châu Âu và châu Á thực sự là một diễn biến nguy hiểm./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục