Chính sách ngoại giao vắcxin của Trung Quốc ở Đông Nam Á

Nhiều nhà quan sát đã thảo luận về cách Trung Quốc sử dụng viện trợ y tế trong đại dịch COVID-19 làm phương tiện để cải thiện quyền lực mềm, thậm chí là gia tăng kiểm soát địa chính trị ở nước ngoài.
Chính sách ngoại giao vắcxin của Trung Quốc ở Đông Nam Á ảnh 1Vắcxin ngừa COVID-19 của hãng Sinopharm. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Tạp chí The Diplomat của Mỹ có bài phân tích về chính sách ngoại giao vắcxin của Trung Quốc ở khu vực Đông Nam Á, nội dung như sau:

Nhiều nhà quan sát đã thảo luận về cách Trung Quốc sử dụng viện trợ y tế trong đại dịch COVID-19 làm phương tiện để cải thiện quyền lực mềm, thậm chí là gia tăng kiểm soát địa chính trị ở nước ngoài.

Một cuộc thăm dò ý kiến của các quốc gia Đông Nam Á có thể cho thấy một bức tranh phức tạp hơn: mặc dù hầu hết các nước Đông Nam Á thừa nhận rằng quốc gia láng giềng hùng mạnh của họ đã đóng góp nhiều nhất cho khu vực trong việc đối phó với đại dịch COVID-19, song một cuộc thăm dò tương tự cũng cho thấy hình ảnh của Trung Quốc tại khu vực này đã thực sự xấu đi trong năm qua.

Cuộc thăm dò mang tên “Thực trạng của Đông Nam Á năm 2021,” do Viện nghiên cứu ISEAS-Yusof Ishak của Singapore thực hiện đối với giới tinh hoa kinh tế và chính trị trong khu vực, cho thấy khoảng 44,2% số người được hỏi cho rằng Trung Quốc đã “giúp đỡ nhiều nhất cho khu vực trong việc đối phó với COVID-19,” trong khi đó Mỹ, Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU) bị bỏ xa phía sau.

Tuy nhiên, những người được hỏi cũng tỏ ra nghi ngờ về sức mạnh của Trung Quốc trong khu vực.

Mặc dù Trung Quốc được đa số coi là cường quốc kinh tế, chính trị và chiến lược có ảnh hưởng lớn nhất trong khu vực, song hơn 70% số người được hỏi cho rằng điều đó là đáng lo ngại.

Khi phải đối mặt với sự lựa chọn bắt buộc giữa Mỹ và Trung Quốc, chỉ 38,5% số người được hỏi thích Trung Quốc hơn Mỹ, giảm so với tỷ lệ 46,4% hồi năm ngoái và chỉ có 3 trong số 10 quốc gia duy trì tỷ lệ đa số ủng hộ Trung Quốc, giảm 7 quốc gia so với năm ngoái.

Đặc biệt liên quan đến vấn đề Biển Đông, khoảng 62,4% số người được hỏi coi việc Trung Quốc tăng cường quân sự là mối lo ngại hàng đầu, trong khi chỉ 12,5% cảm thấy như vậy khi nói về sự hiện diện của Mỹ.

Điều gì có thể giải thích cho sự khác biệt này? Một yếu tố có thể là thời gian diễn ra cuộc khảo sát.

Cuộc khảo sát được thực hiện vào tháng 11/2020, thời điểm mà nhiều nước Đông Nam Á đã kiểm soát được dịch bệnh.

Thời điểm đó, “chính sách ngoại giao khẩu trang” của Trung Quốc trong những ngày đầu của đại dịch vẫn để lại ấn tượng sâu sắc.

Đại dịch đã chuyển sang giai đoạn vắcxin và nhiều quốc gia - bao gồm Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ và Nga - đang cạnh tranh trên sân chơi bình đẳng về cung cấp vắcxin, vốn đã bị chính trị hóa cao độ.

Trong khi Trung Quốc hứa sẽ ưu tiên cung cấp vắcxin cho các nước thuộc tiểu vùng sông Mekong vào đầu tháng Tám năm ngoái và cam kết tài trợ hàng triệu liều vắcxin ngừa COVID-19 cho các nước Đông Nam Á thông qua các cơ chế song phương hoặc chương trình COVAX của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), công chúng trong khu vực hiện đang xem xét kỹ các vấn đề như việc đa dạng hóa nguồn cung vắcxin, tránh bị lợi dụng làm đối tượng thí nghiệm và hiệu quả chi phí của vắcxin.

Quan trọng nhất, trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung gia tăng vào năm ngoái và vai trò của khu vực như một trong những chiến trường chính trong mối quan hệ rạn nứt giữa Mỹ và Trung Quốc, người dân Đông Nam Á lo ngại về triển vọng vắcxin có thể được sử dụng như một cách để tạo ảnh hưởng.

Điều này có thể khiến vắcxin của Trung Quốc, vốn chủ yếu được sản xuất bởi các công ty nhà nước như Sinopharm và rẻ hơn, bị giám sát chặt chẽ hơn. Điều này hoàn toàn trái ngược với các công ty tư nhân như Pfizer và AstraZeneca.

Trong khi việc nhà nước hỗ trợ sản xuất vắcxin Trung Quốc có nghĩa là chúng có thể được phân phối hiệu quả hơn thông qua kế hoạch tập trung, thì điều này cũng củng cố hình ảnh về mối liên hệ giữa vắcxin với an ninh và lợi ích quốc gia của Trung Quốc và hầu như không làm giảm bớt sự ngờ vực của người dân Đông Nam Á đối với các hành vi xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc, với tỷ lệ cao kỷ lục 63% những người được hỏi trả lời như vậy trong cuộc khảo sát của ISEAS năm 2021.

Bản chất chính trị hóa của vấn đề vắcxin cũng khiến vắcxin Trung Quốc trở thành một công cụ tiện lợi gắn liền với chính trị trong nước và chủ nghĩa dân tộc.

Quyết định của Thủ tướng Campuchia Hun Sen tiêm chủng cho người dân nước này bằng 600.000 liều vắcxin do Sinopharm tài trợ đã làm dấy lên một số lo ngại của công chúng, mà ông Hunsen đã phải tìm cách trấn an bằng cách yêu cầu người dân Campuchia không quan tâm đến nguồn gốc của vắcxin.

Quyết định của Thái Lan rút khỏi COVAX và chủ yếu dựa vào vắcxin của Sinovac cũng gây tranh cãi, đặc biệt là trong bối cảnh các cuộc biểu tình chống chính phủ đang tiếp diễn.

Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để đưa ra kết luận liệu chính sách ngoại giao COVID-19 của Trung Quốc có thành công ở Đông Nam Á hay không.

Đầu tiên, chính phủ Trung Quốc đã hạn chế sử dụng các thuật ngữ như "ngoại giao vắcxin" và thay vào đó nhấn mạnh bản chất nhân đạo của các nỗ lực hỗ trợ toàn cầu của họ.

Điều đó gây khó khăn cho việc đánh giá chương trình nghị sự của Trung Quốc ngay từ đầu, đặc biệt là do việc kiềm chế đại dịch ở các nước láng giềng cũng có lợi cho chính Trung Quốc.

Ngay cả khi nếu việc mở rộng ảnh hưởng toàn cầu là một trong những tính toán của Trung Quốc, trong khi hình ảnh của Trung Quốc trong năm qua ở khu vực này có thể không được cải thiện, nước này vẫn duy trì vị trí dẫn đầu ổn định về ảnh hưởng trong khu vực và được thừa nhận về những đóng góp đối với khu vực trong việc chống lại COVID-19.

Chính sách ngoại giao vắcxin của Trung Quốc ở Đông Nam Á ảnh 2Nhân viên y tế tiêm vắcxin phòng bệnh COVID-19 tại Karachi, Pakistan, ngày 3/2/2021. (Nguồn: THX/TTXVN)

Hơn nữa, thành phần những người trả lời trong cuộc khảo sát của ISEAS rất đa dạng và để lại một số biến số gây nhiễu, chẳng hạn như khuynh hướng chính trị của người trả lời.

Cuộc khảo sát có thể không đưa ra được bức tranh toàn cảnh, với tỷ lệ đại diện người trả lời từ Singapore và Myanmar cao không tương xứng, trong khi đó tỷ lệ người trả lời ở Việt Nam và Indonesia lại rất thấp.

Thực tế là cuộc khảo sát được tiến hành hai tuần sau khi ông Biden được bầu làm tổng thống Mỹ và điều này có nghĩa là những người được hỏi vẫn có tâm trạng lạc quan sau bầu cử về tính hiệu quả của sự trở lại của Mỹ để cân bằng Trung Quốc trong khu vực.

Điều đó có thể làm sai lệch kết quả, đặc biệt là liên quan đến việc so sánh giữa Mỹ và Trung Quốc.

Quan trọng nhất, trong khi năm ngoái thế giới thất vọng khi Trung Quốc và Mỹ luôn thể hiện sự thù địch về đại dịch COVID-19, chính quyền Biden đã hứa hẹn hợp tác quốc tế nhiều hơn để giải quyết dịch bệnh, bao gồm cả hợp tác với Trung Quốc.

Theo kịch bản này, các nỗ lực viện trợ của Trung Quốc có thể sẽ ít bị coi là một vấn đề song phương, mà là một phần của nỗ lực quốc tế chống lại kẻ thù chung là COVID-19.

Các quốc gia Đông Nam Á cũng ít có khả năng phải đối mặt với những lựa chọn khó khăn giữa hai cường quốc mà họ e ngại, vốn bị coi là một vấn đề với Bắc Kinh vì nó làm gia tăng nhận thức về mối đe dọa của Đông Nam Á với Trung Quốc do sự gần gũi về địa lý và tranh chấp lãnh thổ.

Nếu kịch bản này xảy ra, hy vọng chúng ta có thể thấy quản trị toàn cầu được khôi phục như một vùng đệm ổn định giữa Bắc Kinh và Washington, và điều này rõ ràng là vì lợi ích của tất cả các bên liên quan./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục