Chính sách ốm đau cho lao động mắc COVID-19: Người mặn mà, kẻ thờ ơ

Trong khi người LĐ trực tiếp sản xuất, kinh doanh mỗi ngày nghỉ việc vì mắc COVID-19 sẽ ảnh hưởng trực tiếp và "đánh" ngay vào "nồi cơm" của họ thì lao động làm văn phòng lại ít chịu tác động hơn.
Giấy chứng nhận khỏi COVID-19 được trạm y tế phường thông báo cho tổ trưởng tổ dân phố đến nhận và phát tại nhà cho các bệnh nhân F0 khỏi bệnh. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)
Giấy chứng nhận khỏi COVID-19 được trạm y tế phường thông báo cho tổ trưởng tổ dân phố đến nhận và phát tại nhà cho các bệnh nhân F0 khỏi bệnh. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Chị Nguyễn Thị Hải Hà, nhân viên một công ty bất động sản ở Hà Nội vừa không may mắc COVID-19 những ngày vừa qua. Tuy nhiên, chị không tìm hiểu các thủ tục giấy tờ xác nhận F0 chế độ ốm đau của bảo hiểm xã hội mà quyết định dùng ngày nghỉ phép năm và tính lương làm việc online trong những ngày ở nhà vì mắc COVID-19.

Trái ngược tâm lý thờ ơ với chính sách của bảo hiểm xã hội như của chị Hà, rất nhiều người lao động trực tiếp sản xuất, kinh doanh mong mỏi tìm kiếm, cập nhật thông tin hằng ngày về thủ tục hưởng bảo hiểm xã hội. Bởi lẽ nghỉ việc không lương trong 10-14 ngày vì COVID-19 ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập của họ và họ hy vọng khoản hỗ trợ sẽ bù đắp được phần nào số tiền lương bị giảm.

Tính phép để hưởng lương cao hơn

Bảo hiểm xã hội có chi trả chế độ ốm đau dành cho những lao động bị nhiễm COVID-19. Thế nhưng chế độ này chỉ thanh toán với những ngày người lao động ốm phải nghỉ việc không hưởng lương và mức hưởng bằng 75% mức lương đóng bảo hiểm xã hội. Chính vì mức chi trả 75% thấp hơn các chính sách làm việc online hay nghỉ phép năm nên nhiều người lao động không mấy mặn mà với chính sách này.

Dùng hết những ngày phép năm để nghỉ do nhiễm COVID-19, anh Nguyễn Tiến Mạnh, nhân viên một ngân hàng tại Hà Nội chia sẻ: “Năm 2021, do dịch COVID-19 phải hạn chế đi lại nên tôi vẫn chưa dùng hết ngày nghỉ phép năm 2021. Vì vậy, những ngày nghỉ vì mắc COVID-19 tôi tính luôn vào ngày nghỉ phép nên vẫn hưởng 100% tiền lương.”

Không mặn mà với thủ tục hưởng bảo hiểm xã hội vì công ty đã có chính sách riêng, chị Hà chia sẻ: “Công ty tôi nếu làm việc online tính 80% tiền lương 4 ngày đầu, 70% tiền  lương 6 ngày tiếp theo và cho nghỉ  3,5 ngày phép. Thế nên lúc mắc COVID-19, tôi cũng không quá lo lắng về thủ tục hưởng bảo hiểm xã hội.”

Cũng không bị ảnh hưởng về thu nhập dù phải ở nhà 10 ngày vì COVID-19, chị Phan Thị Thu Ngân, nhân viên một công ty công nghệ tại quận Đống Đa, Hà Nội cho biết: “Theo chính sách của công ty thì F0 ở nhà làm bình thường thì vẫn được trả 100% lương, những ngày nào mệt nghỉ làm thì được tính vào ngày phép và vẫn trả lương bình thường.”

Trong những ngày người lao động F0 ở nhà nhưng vẫn hưởng lương do nghỉ phép hoặc làm việc online thì bảo hiểm xã hội sẽ không thanh toán chế độ ốm đau cho người lao động. Chính vì thế, người lao động sẽ không thể vừa nghỉ hưởng chế độ ốm đau, vừa nhận 100% tiền lương trong những ngày dùng nghỉ phép.

Chính sách ốm đau cho lao động mắc COVID-19: Người mặn mà, kẻ thờ ơ ảnh 1Giải quyết chế độ bảo hiểm cho người lao động. (Ảnh minh họa: Vietnam+)

Chị Nguyễn Thúy Trình, trưởng phòng hành chính nhân sự một công ty, chia sẻ đối với những vị trí việc làm có thể làm online thì thường các công ty đều sẽ có chính sách vẫn tính lương làm việc online cho người lao động để khuyến khích người lao động vẫn làm việc trong thời gian nghỉ. Thức tế tại một số công ty, lượng lao động nhiễm COVID-19 đến nay đã chiếm gần 50% nên phải có chính sách khuyến khích làm việc online để vẫn đảm bảo duy trì tiến độ công việc.

“Thông thường, những trường hợp lao động nhiễm COVID-19 nhưng vẫn làm việc thì được tính lương từ 80-100% tùy theo từng công ty. Chỉ những người lao động không làm việc online được thì sẽ tính nghỉ phép hoặc nghỉ ốm. Tuy nhiên, mức nghỉ phép được trả 100% lương cao hơn nghỉ ốm đau 75% nên nhiều nơi sẽ chọn nghỉ phép để đỡ mất thời gian làm nhiều thủ tục,” chị Trình cho hay.

Nghỉ việc vẫn hưởng 75% lương

Đối với những người lao động làm việc khối văn phòng, khi mắc COVID-19 có thể duy trì làm việc online và không ảnh hưởng nhiều đến thu nhập, thế nhưng với lao động trực tiếp sản xuất thì chế độ ốm đau của bảo hiểm xã hội rất có ý nghĩa với họ, bởi lẽ mỗi ngày nghỉ việc là một ngày bị trừ lương.

Anh Bế Xuân Triều (quê ở Cao Bằng) đang làm cho một công ty sản xuất vật liệu xây dựng ở Thanh Trì, Hà Nội chia sẻ ngay từ trước khi nhiễm COVID-19 đã nghiên cứu các thủ tục để xác nhận F0 vì ở công ty bắt đầu có nhiều người nhiễm, lúc ấy xã chưa cấp giấy mà phải lên huyện để xin giấy xác nhận hưởng bảo hiểm xã hội.

Thủ tục phải đi lại phiền hà là thế nhưng khi mắc COVID-19, anh Triều vẫn quyết tâm xin giấy xác nhận: “Thông thường những ngày phép tôi sẽ dùng để về quê mỗi khi nhà có việc thì nghỉ vẫn được hưởng 100% lương. Phần vì đầu năm cũng chưa được tính nhiều ngày nghỉ phép và tôi không muốn phí những ngày phép trong khi hưởng chế độ ốm đau cũng 75% tiền lương.”

[Giải quyết quyền lợi bảo hiểm cho F0: Cần linh hoạt trong cấp giấy tờ]

Hôm qua (3/4), sau khi nhận được tin huyện Thanh Trì áp dụng khai báo F0 online, anh Triều mừng rỡ chia sẻ: “Tôi là F0 nên cũng rất ngại ra ngoài hay đi xếp hàng làm các thủ tục. Vì thế, việc đăng ký xác nhận F0 qua mạng thì khi khỏi hẳn, tôi đi xin các giấy tờ cũng đơn giản hơn nhiều.”

Trong số những người lao động đang chạy đôn chạy đáo tìm cách xin giấy xác nhận có cả những người lao động vì phải nghỉ việc quá nhiều do COVID-19. Đã nghỉ việc 10 ngày vì COVID-19 nhưng ngay khi chị Nguyễn Thu Hương ở Thanh Xuân, Hà Nội vừa đi làm trở lại được một tuần thì con gái nhỏ mới 5 tuổi lại mắc COVID-19 khiến chị phải ở nhà chăm con.

Do đặc thù là công nhân may không thể làm việc online, nghỉ làm ngày nào bị trừ lương ngày ấy nên nếu tính cả 2 lần nghỉ ốm và nghỉ chăm con thì chị phải nghỉ đến 20 ngày. Rút kinh nghiệm lần nghỉ trước không xin giấy tờ chứng nhận nên không được hưởng chế độ, lần nghỉ này chị Hương đã cẩn thận hơn.

Theo chị Hương tính toán, với mức lương đóng bảo hiểm xã hội hằng tháng 6 triệu đồng của chị thì tương ứng với mỗi ngày nghỉ việc không lương sẽ được bảo hiểm trả 300.000 đồng, nếu nghỉ 10 ngày sẽ được khoảng 3 triệu đồng. Số tiền này bù đắp được vào tiền lương tháng bị giảm do nghỉ vì COVID-19. Theo chị Hương, mức chi trả 75% tiền lương là rất quý vào thời điểm này.

“Lần trước ốm mệt nên tôi cũng không nghĩ nhiều chỉ xin nghỉ làm thôi, sau đi làm thì biết là phải xin giấy xác nhận hưởng bảo hiểm xã hội của phường nhưng không làm được nữa vì mình không báo ngay từ đầu. Lần này nghỉ chăm con ốm, tôi làm thủ tục khai báo từ đầu đầy đủ, con được xác nhận F0 để kết thúc cách ly thì xin giấy xác nhận hưởng chế độ ốm đau” chị Hương nói.

Hiện nay, tại Hà Nội, các xã phường đã áp dụng khai báo online và thông báo đầu mối phụ trách tiếp nhận theo tổ dân phố. Các đầu mối này sẽ trực tiếp tiếp nhận và xử lý ý kiến của người dân qua Zalo nhanh và thuận tiện hơn. Các quyết định F0 cũng được gửi qua tổ dân phố và phát trực tiếp đến nhà cho người dân. Tuy nhiên, tại một số phường, xã do số lượng F0 lớn, cán bộ xã phường nhiều nơi cũng mắc COVID-19 nên việc giải quyết các thủ tục vẫn còn mất nhiều thời gian./.

Chính sách ốm đau cho lao động mắc COVID-19: Người mặn mà, kẻ thờ ơ ảnh 2
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục