Chính sách tiền tệ sẽ theo hướng nới lỏng phù hợp

Tại cuộc trao đổi với phóng viên Vietnam+, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Giàu khẳng định, với một loạt các chính sách tiền tệ đã và đang được áp dụng, tổng phương tiện thanh toán và tín dụng đã tăng trưởng trở lại phù hợp với chủ trương kích cầu của Chính phủ. Mặt khác, các ngân hàng thương mại (NHTM) đều đảm bảo tỷ lệ chi trả ngắn hạn lớn hơn 100%, chấp hành tốt quy định về các tỷ lệ đảm bảo an toàn, không có NHTM nào gặp khó khăn về khả năng thanh toán.

Tại cuộc trao đổi với phóng viên Vietnam+,  Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Giàu khẳng định, với một loạt các chính sách tiền tệ đã và đang được áp dụng, tổng phương tiện thanh toán và tín dụng đã tăng trưởng trở lại phù hợp với chủ trương kích cầu của Chính phủ. Mặt khác, các ngân hàng thương mại (NHTM) đều đảm bảo tỷ lệ chi trả ngắn hạn lớn hơn 100%, chấp hành tốt quy định về các tỷ lệ đảm bảo an toàn, không có NHTM nào gặp khó khăn về khả năng thanh toán.

Để tiếp tục ngăn chặn suy giảm kinh tế, ngày 04/4/2009, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 443/QĐ-TTg và mới đây là Quyết định 497/QĐ-TTg. Trọng trách này một lần nữa lại được giao cho ngành Ngân hàng. Xin Thống đốc cho biết, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã triển khai các quyết định này thế nào, đặc biệt là Quyết định 497 dành cho nông nghiệp, nông thôn?

Hỗ trợ lãi suất là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và là nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2009 nhằm góp phần ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng và đảm bảo an sinh xã hội.

Thực tế sau 03 tháng triển khai, cơ chế hỗ trợ lãi suất đã có tác dụng hỗ trợ doanh nghiệp, hộ sản xuất - kinh doanh giảm giá thành sản phẩm, duy trì sản xuất - kinh doanh và việc làm; những vướng mắc trong quá trình triển khai đã được xử lý kịp thời. Do đó, cơ chế hỗ trợ lãi suất của Chính phủ đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ rộng rãi trong toàn xã hội.

Hiện nay, cùng một lúc các tổ chức tín dụng (TCTD) phải triển khai thực hiện 03 cơ chế hỗ trợ lãi suất theo Quyết định số 131/QĐ-TTg, Quyết định 443/QĐ-TTg và Quyết định số 497/QĐ-TTg, làm cho khối lượng công việc tăng lên khá lớn và phần lớn thời gian quản trị hoạt động kinh doanh của NHTM tập trung cho việc hỗ trợ lãi suất.

Vì vậy, để tạo điều kiện cho các NHTM thực hiện cho vay hỗ trợ lãi suất đối với tổ chức, cá nhân ở khu vực nông thôn kể từ ngày 01/5/2009, NHNN Việt Nam đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan dự thảo Thông tư hướng dẫn Quyết định này. Tuy nhiên, để đảm bảo việc hướng dẫn cơ chế này đúng quy định của pháp luật và tránh chồng chéo với các cơ chế hỗ trợ lãi suất đã được ban hành trước đây, NHNN đang trình Thủ tướng Chính phủ về một số nội dung quy định tại Quyết định số 497/QĐ-TTg.

Vậy, sự phối hợp giữa Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành đòi hỏi phải hết sức chặt chẽ. Thống đốc có thể cho biết cụ thể về vấn đề này?

Các bộ, ngành ( Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã phối hợp chặt chẽ với NHNN trong việc nghiên cứu, tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành các giải pháp ngăn chặn suy giảm kinh tế.

Tại địa phương, Ban Thường vụ tỉnh uỷ cũng chỉ đạo các cơ quan Đảng, đoàn thể, chính quyền, địa phương các cấp trên địa bàn quán triệt, quan tâm triển khai đồng bộ, có hiệu quả chính sách hỗ trợ lãi suất của Thủ tướng Chính phủ.


Các tổ chức hiệp hội ngành nghề, như Hội nghề gốm, Hiệp hội công thương, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa...đã tuyên truyền, gửi các tài liệu liên quan đến hội viên biết để thực hiện cơ chế hỗ trợ lãi suất.

Nhờ vậy, cơ chế hỗ trợ lãi suất được phổ biến một cách công khai, rõ ràng, minh bạch và được vận hành thông suốt. Cho đến nay, các địa phương cũng như NHNN và NHTM chưa phát hiện tiêu cực trong việc triển khai cơ chế hỗ trợ lãi suất. Tính đến ngày 23/4/2009, dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất với các khoản vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam đạt 254.900 tỷ đồng.

Xin Thống đốc cho biết quan điểm điều hành chính sách tiền tệ thời gian tới của NHNN là gì để hỗ trợ nền kinh tế cũng như cộng đồng doanh nghiệp?

Theo dự báo, trong những tháng tiếp theo của năm 2009, nền kinh tế Việt Nam có thể còn gặp khó khăn do xuất khẩu sụt giảm, nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng chậm. Do đó, trong thời gian tới, NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ theo hướng nới lỏng một cách phù hợp, thận trọng, bảo đảm cân đối giữa việc thực hiện mục tiêu kích cầu của Chính phủ và mục tiêu ổn định giá cả, lãi suất, tỷ giá và bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.

Các công cụ chính sách tiền tệ sẽ được sử dụng một cách linh hoạt, đồng bộ với chính sách tài khóa, chính sách thương mại để ổn định thị trường tiền tệ, tăng thanh khoản cho các tổ chức tín dụng nói riêng và nền kinh tế nói chung, bảo đảm lãi suất và tỷ giá biến động phù hợp với các điều kiện thực tế và các mục tiêu kinh tế vĩ mô.

Ngân hàng Nhà nước tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, chính quyền các cấp triển khai đồng bộ, khẩn trương cơ chế hỗ trợ lãi suất theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Các biện pháp thanh tra, kiểm tra, giám sát và tổ chức thực hiện cơ chế hỗ trợ lãi suất tiếp tục được quan tâm chú trọng để hạn chế những phát sinh tiêu cực trong quá trình thực hiện.

Ngoài ra, cơ chế tín dụng thông thường cũng được rà soát, chỉnh sửa, mở rộng tín dụng đối với nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại tăng cường huy động vốn để mở rộng tín dụng có hiệu quả, bố trí vốn cho các dự án, chương trình tín dụng theo chủ trương kích cầu của Chính phủ đồng thời làm tốt công tác thông tin tuyên truyền cho doanh nghiệp và người dân hiểu đúng về tình hình hoạt động ngân hàng, hạn chế những tác động xấu do yếu tố tâm lý.

Trong bối cảnh hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng cần phải duy trì được sự ổn định của hệ thống ngân hàng, có vậy mới trợ giúp đắc lực cho nền kinh tế. Vậy NHNN sẽ có những biện pháp gì để hỗ trợ cho các NHTM?

Ngành Ngân hàng là một ngành kinh doanh đặc biệt dựa trên lòng tin của người dân và doanh nghiệp nên việc giữ ổn định của hệ thống ngân hàng luôn là ưu tiên hàng đầu của ngành Ngân hàng, không chỉ trong giai đoạn nền kinh tế gặp khó khăn.

Trong thời gian qua, hệ thống tài chính thế giới đã có những biến động, riêng trong quý I/2009 đã có tới 23 ngân hàng bị sáp nhập, giải thể hoặc phá sản. Do đó, NHNN đã luôn chủ động theo dõi chặt chẽ hoạt động của NHTM, khống chế tăng trưởng tín dụng và kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, hỗ trợ vốn ngắn hạn cho NHTM khi cần thiết, đổi mới cơ chế điều hành lãi suất, ngoại tệ cho phù hợp hơn với thị trường.

Mới đây nhất, ngày 17/4/2009, NHNN vừa ban hành thông tư 07/2009/TT-NHNN quy định về các tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của các tổ chức tài chính quy mô nhỏ với nhiều quy định, chuẩn mực phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế đồng thời đảm bảo an toàn hoạt động thích hợp với loại hình tổ chức tài chính này.

Tôi khẳng định hệ thống các tổ chức tín dụng của Việt Nam đến nay hoạt động an toàn, ổn định. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa ngành Ngân hàng được phép chủ quan, lơ là. Trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục nỗ lực cao nhất để đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng, đồng thời chú trọng đến việc nâng cao an toàn hoạt động cho hệ thống các TCTD trong tương lai.

Các đơn vị chức năng của NHNN đang tích cực nghiên cứu, hoàn thiện các quy định về quản trị ngân hàng, quản lý rủi ro, chuẩn mực quốc tế trong an toàn hoạt động ngân hàng và các cơ chế hỗ trợ thanh khoản trong trường hợp NHTM gặp khó khăn về thanh khoản sao cho ngày càng phù hợp với thông lệ, chuẩn mực quốc tế và điều kiện thực tiễn Việt Nam./.
 



Khánh Chi (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục