Sáng ngày 21/12, Công ty Truyền tải điện 2 đã đóng điện thành công và đưa vào vận hành đường dây 220 kV Kon Tum-Pleiku sau bảy tháng triển khai, đúng vào ngày kỷ niệm 60 năm truyền thống ngành Điện lực Việt Nam (21/12/2014).
Theo Công ty Truyền tải điện 2, trước đây tỉnh Kon Tum được cấp điện bằng đường dây 110 kV từ trạm biến áp 500 kV Pleiku về các trạm biến áp 110 kV Kon Tum và Đăk Tô.
Do chỉ có duy nhất một mạch đường dây 110 kV đã vận hành trên 15 năm, độ tin cậy không cao, liên tục quá tải, việc cắt điện sửa chữa duy tu đường dây này cũng hết sức khó khăn, nếu xảy ra sự cố tại đường dây này thì toàn bộ tỉnh Kon Tum sẽ bị mất điện do cô lập với lưới điện Quốc gia.
Đứng trước tình hình trên, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) đã đầu tư trên 621 tỷ đồng; trong đó vốn đầu tư phát triển của EVNNPT là 282,25 tỷ đồng, vốn vay của Ngân hàng Đầu tư Phát triển là 38,9 tỷ đồng và vốn vay của Ngân hàng Thương mại cổ phần Bản Việt là 300 tỷ đồng đầu tư xây dựng đường dây 220 kV Kon Tum-Pleiku và Trạm biến áp 220 kV Kon Tum, Công ty Truyền tải điện 2 (PTC2) được giao quản lý dự án này.
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Giám đốc PTC2 phụ trách đầu tư xây dựng, cho biết đĐường dây 220 kV Kon Tum-Pleiku dài 35,6km, 2 mạch, đi trên địa bàn hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum.
Theo hợp đồng ký kết dự án sẽ hoàn thành trong 10 tháng, tuy nhiên để đảm bảo cấp điện cho tỉnh Kon Tum trong thời gian sớm nhất, PTC2 đặt mục tiêu phấn đấu hoàn thành công trình và đưa vào vận hành chỉ có bảy tháng.
Nhờ sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, các sở, ban ngành, nhà thầu xây lắp và các đơn vị liên quan triển khai đồng bộ cùng lúc tất cả các hạng mục, từ khâu kiểm đếm, đo đạc, đền bù giải phóng mặt bằng, xây dựng móng cột, nhập vật tư cột thép, dây dẫn… nên công trình đã triển khai đúng kế hoạch đề ra.
Cũng theo PTC2, trong quá trình triển khai thi công tại Kon Tum thuận lợi bao nhiêu thì ở Gia Lai lại khó bấy nhiêu. Tại địa bàn huyện Chư pả (Gia Lai), chưa kể đường dây xây mới này, hiện đã có 4 đường dây 500 kV, 2 đường dây 220 kV và 4 đường dây 110 kV.
Các đường dây này đều tập trung về trạm 500 kV Pleiku, do vậy việc đền bù giải phóng mặt bằng càng thêm khó khăn, phức tạp, ngay cả khi toàn bộ các vị trí móng và hành lang đã thực hiện xong công tác đền bù giải phóng mặt bằng.
Tại nhiều móng và khoảng cột, đơn vị thi công vẫn không thể vận chuyển vật tư thiết bị và tiếp cận vị trí thi công, hoặc đang thi công phải dừng lại.
Lãnh đạo Công ty, cán bộ phòng Đầu tư xây dựng PTC2 luôn có mặt tại hiện trường, phối hợp với chính quyền địa phương gặp gỡ, nắm bắt nguyên nhân, tâm tư nguyện vọng và tổ chức vận động từng hộ dân.
Mặt khác, PTC2 đề nghị bên nhà thầu bố trí phương án thi công hợp lý. Đến ngày 9/12, toàn bộ cột đã dựng xong và vướng mắc cuối cùng trên hành lang tuyến cũng được tháo gỡ, công việc còn lại tập trung vào kéo dây và đấu nối chuẩn bị các điều kiện vận hành.
Bên cạnh đó, theo quy hoạch, trên địa bàn tỉnh Kon Tum có khoảng 82 thủy điện vừa và nhỏ với tổng công suất 904 MW nhưng nhu cầu của tỉnh Kon Tum đang thấp nên phần lớn lượng công suất này đều phải truyền tải lên lưới Quốc gia.
Về lâu dài, khi phụ tải tỉnh Kon Tum phát triển, trạm biến áp 220 kV Kon Tum sẽ đóng vai trò là nguồn cung cấp ổn định cho tỉnh và cả khu vực.
Trước mắt, Trạm biến áp 220 kV và đường dây 220 kV Kon Tum-Pleiku sẽ tiếp nhận huy động hết nguồn công suất từ các nhà máy thủy điện: Pleikrong, ĐăkPsi 4, Đăk Pone 1, ĐăkPsi 2B, ĐăkPsi 5, Pờ Ê… khoảng 345 MW điện để truyền tải lên lưới điện Quốc gia./.