Chòi tránh lũ giúp dân an toàn "sống chung với lũ"

Mô hình xây dựng chòi phòng tránh lũ, lụt sẽ giúp giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra cho người dân, giúp họ có cuộc sống ổn định.
Sau mỗi mùa lũ lụt, công sức lao động, tiết kiệm để kiến thiết, xây dựng nhà ở của nhiều hộ dân vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung bị “quét sạch”. Hàng năm, số tiền cứu trợ từ ngân sách có thể lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

Chương trình hỗ trợ hộ nghèo nâng cao điều kiện an toàn chỗ ở thông qua mô hình xây dựng chòi phòng tránh lũ, lụt sẽ giải quyết một cách căn bản vấn đề phòng tránh, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra cho người dân trong vùng, đặc biệt là người nghèo để giúp họ có cuộc sống an toàn, ổn định.

Vốn ít - hiệu quả cao


Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đã phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương liên quan nghiên cứu, xây dựng đề án hỗ trợ hộ nghèo nâng cao điều kiện an toàn chỗ ở, ứng phó với lũ, lụt vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng chia sẻ: "Chòi tránh lũ là mô hình mới, lần đầu thực hiện nên cần có sự kiểm nghiệm qua thực tế. Mặt khác, do nguồn lực Nhà nước còn khó khăn nên Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo triển khai chương trình thí điểm giải pháp giải pháp hỗ trợ hộ nghèo nâng cao điều kiện an toàn chỗ ở, ứng phó với lũ, lụt vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung (Chương trình 716) nhằm hỗ trợ tại một số huyện, xã bị ảnh hưởng nặng để rút kinh nghiệm trước khi triển khai trên diện rộng".

Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung gồm 14 tỉnh, thành phố từ Thanh Hoá đến Bình Thuận, có diện tích tự nhiên 95.792 km2, dân số trên 19 triệu người. Do đặc điểm về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, vùng thường xuyên xảy ra bão, lũ, lụt.

Chỉ tính riêng năm 2010, thiệt hại do lũ lụt gây ra tại vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung đã làm 282 người chết, trên 87 nghìn căn nhà bị hư hỏng, trên 3.500 căn nhà bị sập đổ cùng nhiều tài sản thiết yếu khác. Hơn 500 xã bị ngập sâu trên 1,5 m, trong đó nhiều xã bị chia cắt, cô lập hoàn toàn, gây khó khăn cho việc ứng cứu, hỗ trợ của chính quyền.

Công sức lao động, tiết kiệm để kiến thiết, xây dựng nhà ở của người dân trong cả năm hoặc nhiều năm bị mất hết chỉ sau một trận lũ. Hàng năm, Nhà nước và chính quyền địa phương đã tốn nhiều thời gian, công sức và tiền của để thực hiện cứu trợ cho người dân bị thiệt hại do thiên tai gây ra. Sau mỗi trận lũ, lụt lớn, tiền cứu trợ từ ngân sách có thể lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

Từ giữa năm 2012, Chương trình chính thức khởi động nhằm giải quyết một cách căn bản vấn đề phòng tránh, giảm nhẹ thiệt hại do lũ, lụt gây ra cho người dân trong vùng, nhất là người nghèo, tạo điều kiện để người dân có cuộc sống an toàn, ổn định. Theo đó, tại 14 xã bị ảnh hưởng nặng bởi lũ, lụt thuộc 7 tỉnh, gồm Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên được chọn thí điểm xây dựng 700 chòi phòng tránh lũ, lụt cho các hộ nghèo. Mỗi tỉnh có 2 xã và mỗi xã 50 hộ nghèo được địa phương lựa chọn làm điểm.

Chương trình thực hiện với nguyên tắc “Nhà nước hỗ trợ, cộng đồng giúp đỡ, hộ gia đình tham gia đóng góp” để xây dựng được chòi phòng tránh lũ, lụt có sàn sử dụng cao hơn mức ngập lụt từ 1,5 - 3,6 m tại vị trí xây dựng, diện tích xây dựng sàn vượt lũ tối thiểu 10 m2; các kết cấu chính như móng, khung, sàn tương đương kết cấu của gian nhà ở xây dựng kiên cố.

Giá thành xây dựng tối thiểu 30 triệu đồng/chòi; trong đó nhà nước hỗ trợ 10 triệu đồng, vốn vay ngân hàng chính sách 10 triệu đồng với lãi suất 3%/năm trong thời gian 10 năm (thời gian ân hạn trong 5 năm đầu); số vốn còn lại do người dân tự đóng góp.

Với số “vốn mồi” không phải là lớn nhưng đã kích thích các nguồn lực khác cũng như nỗ lực của người dân trong việc tham gia xây dựng chòi chống lũ. Đặc biệt, thành công lớn nhất từ Chương trình 716 chính là đem lại sự bình an cho các hộ nghèo trong vùng ngập lũ khi giúp họ có thể yên tâm sinh sống, không phải lo sơ tán mỗi khi lũ về.

Từ hiệu quả thiết thực của Chương trình 716, bản thân người dân cũng rất hào hứng khi tham gia. Bởi vậy, trên thực tế, ngoài vốn được hỗ trợ, nhiều hộ đã vay mượn thêm để xây những căn nhà chòi to đẹp hơn như gia đình bà Đặng Thị Nga (xóm An Thịnh, xã Sơn Thịnh, huyện Hương Sơn) đã hoàn thành căn chòi vượt lũ có trị giá hơn 40 triệu đồng.

Thậm chí, một số hộ dân trong diện chính sách ở xã Hưng Nhân, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An dù chưa nhận được tiền vốn giải ngân nhưng cũng đã tích cực vay mượn để xây dựng nhà chòi.

Khi chòi là “nhà”

Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, tất cả các chòi phòng tránh lũ, lụt đã hoàn thành đều có sàn sử dụng vượt mức ngập cao nhất tại vị trí xây dựng và có diện tích tối thiểu từ 10 m2 trở lên. Chất lượng chòi phòng tránh lũ, lụt tương đương gian nhà ở kiên cố (khung bê tông cốt thép, sàn đổ bê tông hoặc làm bằng gỗ, mái đổ bê tông hoặc lợp phibrô xi măng, bao che bằng xây gạch). Hầu hết các nhà chòi có giá thành từ 30-40 triệu đồng.

Một số nhà chòi có giá thành cao hơn, tới 50- 60 triệu đồng do các hộ dân xây dựng với diện tích rộng hơn và có mức độ hoàn thiện tốt hơn, kết hợp làm nơi để ở.

Ông Lê Đình Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh cho biết: "Chính quyền xác định rõ đây là nhà ở của người dân chứ không phải chỉ là chòi nên đã phát huy sự sáng tạo của mỗi hộ gia đình thay vì cứng nhắc theo mẫu thiết kế đưa ra. Một số hộ đã cải tiến từ nhà cũ để tận dụng được hết không gian, diện tích phù hợp với điều kiện sinh hoạt thường ngày. Đây cũng là điều đáng ghi nhận là khi xây dựng chòi phòng tránh lũ, lụt."

Trên cơ sở các thiết kế mẫu, nhiều hộ gia đình đã có một số cải tiến, bổ sung về quy mô, diện tích xây dựng, kiểu dáng kiến trúc, mức độ hoàn thiện... cho phù hợp với điều kiện của gia đình. Đa số chòi phòng tránh lũ, lụt được xây dựng mới, tiếp giáp với nhà đã có. Một số chòi được xây dựng độc lập nhưng vẫn đảm bảo thuận tiện cho việc di chuyển khi có lũ.

Ngoài việc xây dựng để làm nơi phòng tránh lũ, lụt cho người, nhiều hộ gia đình còn thiết kế, xây dựng chòi phòng tránh lũ, lụt có cầu thang đảm bảo cho các loại gia súc có thể tự đi lên được để tránh lũ, lụt...

Sau 6 tháng triển khai Chương trình 716, đến nay, các địa phương đã lựa chọn 700 hộ để thực hiện hỗ trợ, trong đó có 697/700 hộ đã hoàn thành xây dựng chòi phòng tránh lũ, lụt, đạt 99,6%. Về đích sớm nhất là 3 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình và Phú Yên.

Tiếp tục nhân rộng mô hình


Bộ trưởng Trình Đình Dũng khẳng định chương trình 716 là chính sách hợp lòng dân, được người dân đồng tình, ủng hộ, các tổ chức đoàn thể và chính quyền địa phương đánh giá cao. Những hộ được hỗ trợ xây dựng chòi phòng tránh lũ, lụt đã hoàn toàn yên tâm lao động sản xuất; mặt khác, chính quyền địa phương không phải thực hiện hỗ trợ để khắc phục thiệt hại cho những đối tượng này do lũ, lụt gây ra để tập trung cho những nhiệm vụ cần thiết khác.

Đặc biệt, thông qua việc hướng dẫn các hộ nghèo tự tổ chức triển khai xây dựng đã khơi dậy tinh thần chủ động, sáng tạo của các hộ nghèo; cùng đó, khơi dậy tinh thần tương thân, tương ái, đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong dòng họ, cộng đồng...

Tuy vậy, theo Bộ Xây dựng, một số quy định vẫn cần được tiếp tục nghiên cứu, xem xét để đảm bảo phù hợp hơn khi triển khai trên diện rộng. Cụ thể, theo quy định của chính sách, những hộ có nhà ở bị ngập sâu trên 3,6m thì phải di dời. Song trên thực tế, việc di chuyển chỗ ở của người dân là rất khó khăn, do vậy cần nghiên cứu hỗ trợ đối với những đối tượng này (trừ những trường hợp bất khả kháng như những nơi bị sạt lở đất, lũ ống, lũ quét...)

Mặc dù mức hỗ trợ, mức vay và mức huy động khác của Chương trình 716 hiện đã cơ bản đáp ứng yêu cầu xây dựng được chòi phòng tránh lũ, lụt theo tiêu chí quy định tuy nhiên nên tính đến yếu tố địa bàn.

Tại những vùng khó khăn, các thôn (bản) đặc biệt khó khăn thì mức hỗ trợ trên còn thấp do phải chi phí nhiều hơn cho công tác vận chuyển vật liệu. Vì vậy, mức hỗ trợ cho các đối tượng cư trú tại vùng khó khăn và tại các thôn (bản) đặc biệt khó khăn cũng cần tiếp tục nghiên cứu để nâng cao.

Tất cả các địa phương tham gia thí điểm Chương trình 716 đều cho rằng các quy định của chính sách đảm bảo phù hợp với thực tế và có tính khả thi cao. Với mức hỗ trợ quy định, các hộ dân đã đảm bảo xây dựng được chòi phòng tránh lũ, lụt theo các tiêu chí đề ra. Đây là mô hình có nhiều ưu điểm nổi trội, đảm bảo phù hợp với thực tế trong điều kiện hiện nay. Bởi vậy, ngoài vốn Ngân sách trung ương, vốn vay và vốn huy động khác, nhiều địa phương đã quyết định hỗ trợ thêm từ ngân sách địa phương.

Qua khảo sát, Bộ Xây dựng đề xuất nâng mức hỗ trợ, mức vay ưu đãi, đảm bảo phù hợp với thực tế, đồng thời bố trí kinh phí quản lý thực hiện Chương trình 716 cho các địa phương để nâng cao hiệu quả và đảm bảo theo đúng yêu cầu, mục tiêu đề ra.

Mặt khác, do các hộ cận nghèo cũng có nhiều khó khăn trong việc tự xây dựng chòi phòng tránh lũ, lụt, nên vì vậy Bộ đề nghị mở rộng đối tượng hỗ trợ đối với nhóm này. Đặc biệt, để nâng cao hiệu quả hỗ trợ, cần kết hợp, lồng ghép chính sách hỗ trợ nhà ở với chính sách hỗ trợ xây dựng chòi phòng tránh lũ, lụt cho các hộ nghèo.../.

Thu Hằng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục