Chống đuối nước dịp Hè: Không để trẻ em đùa giỡn với 'thủy thần'

Hiện nay, rất nhiều bậc phụ huynh cho con đi học bơi nhưng biết bơi thôi chưa đủ, trẻ cần được dạy các kỹ năng an toàn trong môi trường nước, tránh việc phớt lờ các cảnh báo nguy hiểm.
Chống đuối nước dịp Hè: Không để trẻ em đùa giỡn với 'thủy thần' ảnh 1Trẻ em tại một bể bơi ở Hà Nội. (Nguồn: Vietnam+)

Khi con bắt đầu được nghỉ Hè, việc đầu tiên chị Trần Phương Hà ở phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội làm là đăng ký cho con tham gia một lớp học bơi.

Trang bị kỹ năng an toàn cho trẻ

Chị Phương Hà cho biết là một biên tập viên, năm nào cũng vậy, cứ vừa bắt đầu mùa Hè là chị phải xử lý rất nhiều tin tức liên quan đến những vụ đuối nước thương tâm. Những vụ việc đau lòng và ám ảnh, mà nạn nhân chủ yếu là trẻ em, xảy ra do rất nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó một phần là do các em nhỏ không biết bơi.

Chị Phương Hà chia sẻ: "Tôi muốn con tham gia khóa học bơi một phần để lấy chứng chỉ bơi theo yêu cầu của nhà trường, nhưng phần lớn là muốn con được trang bị kỹ năng an toàn trong môi trường nước."

Tham gia lớp học bơi, chỉ sau 10-12 buổi, con trai của chị Phương Hà đã có thể bơi thành thạo.

Thầy Phan Văn Hiệp, giáo viên thể dục tại một trường Trung học Cơ sở trên địa bàn, đồng thời là người dạy bơi cho con trai chị Phương Hà, cho rằng việc học bơi không chỉ giúp học sinh rèn luyện sức khỏe, nâng cao thể lực mà còn giúp các em trang bị những kỹ năng cơ bản về phòng tránh đuối nước, bảo vệ bản thân.

Không chỉ học bơi, trẻ còn cần được dạy các kiến thức về nhận biết môi trường nước nguy hiểm, cách xử lý tình huống rủi ro.

[Hà Nội: Những “kình ngư nhí” thích thú với khóa học bơi lội dịp Hè]

Theo thầy Hiệp, hiện nay, rất nhiều bậc phụ huynh đã nghĩ đến việc cho con đi học bơi nhưng biết bơi thôi chưa đủ, trẻ cần được dạy các kỹ năng an toàn trong môi trường nước để biết bơi an toàn, biết tự cứu mình khi bị rơi xuống nước, khi bị chuột rút, biết thoát hiểm khi đang bơi bị đuối sức hoặc gặp các tình huống xấu, biết cách bơi thoát khỏi vùng nước xoáy nguy hiểm, biết cách cứu hộ khi xảy ra đuối nước...

Thầy Hiệp dẫn chứng nhiều trường hợp biết bơi giỏi nhưng không biết cách cứu đuối an toàn dẫn đến nguy cơ tử vong cả người cứu và người bị nạn. Vì vậy, việc học cứu đuối đúng cũng vô cùng quan trọng, thầy Hiệp nói.

Không đùa giỡn với "thủy thần"

Trên thực tế, nhiều vụ đuối nước xảy ra với cả những trẻ em đã biết bơi do sự chủ quan, bất chấp cảnh báo.

Cách đây chưa lâu, tại khu vực hạ lưu sông Đà, thuộc địa bàn phường Tân Thịnh, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình xảy ra vụ đuối nước làm 2 bé gái tử vong.

Theo Phòng Cảnh sát Phòng cháy, Chữa cháy và Cứu nạn, Công an tỉnh Hòa Bình, khu vực xảy ra vụ tai nạn đuối nước thương tâm là nơi lực lượng chức năng đã cắm biển cảnh báo nguy hiểm.

Đồng thời, lực lượng chức năng đã thường xuyên sử dụng loa, phương tiện thủy để cảnh báo, yêu cầu người dân không được tắm sông vì có nhiều vực xoáy, nước chảy xiết rất nguy hiểm. Tuy nhiên, vào các buổi chiều vẫn có rất nhiều người dân đến khu vực này để bơi lội, bất chấp sự cảnh báo của chính quyền địa phương.

Tại khu vực hồ Đại Lải ở thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, dù địa phương đã cắm biển cảnh báo nguy hiểm, cấm tắm hồ, nhưng vào những buổi chiều nóng bức, bãi tắm tự phát ven hồ vẫn đông nghịt người trong khi hoàn toàn vắng bóng nhân viên cứu hộ.

Chống đuối nước dịp Hè: Không để trẻ em đùa giỡn với 'thủy thần' ảnh 2Rất đông người xuống tắm ở hồ Đại Lải, bất chấp cảnh báo nguy hiểm. (Nguồn: Vietnam+)

Một giảng viên bơi lội cho rằng nhiều nơi còn thiếu địa điểm để trẻ em vui chơi trong dịp Hè, đồng thời không phải gia đình nào cũng có điều kiện cho con mua vé vào các bể bơi, do đó trẻ hay tìm đến ao, hồ, sông, suối... để vùng vẫy trong làn nước mát. Sự lơ là, chủ quan của người lớn trong việc chăm sóc, quản lý con em đã dẫn đến nguy cơ xảy ra các vụ đuối nước.

Theo báo cáo của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, dù tình hình đuối nước ở trẻ em có xu hướng giảm trong thời gian qua nhưng mỗi năm, vẫn có gần 2.000 trẻ tử vong do đuối nước. Đây là vấn đề nhức nhối đối với cả cộng đồng, để lại những nỗi đau, dằn vặt cho các bậc phụ huynh, gia đình và xã hội.

Do đó, để tránh những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra và hạn chế trẻ em tử vong do đuối nước đến mức thấp nhất, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành chức năng, các tổ chức xã hội, đoàn thể, nhà trường, gia đình là vô cùng quan trọng.

Theo bà Vũ Thị Kim Hoa - Phó Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, để giảm thiểu các vụ việc đau lòng do đuối nước, cần triển khai các giải pháp mang tính đồng bộ, đa ngành, đa lĩnh vực.

Trước hết, chính quyền địa phương phải ban hành các kế hoạch cụ thể để thực hiện công tác phòng, chống đuối nước cũng như thực hiện tốt việc theo dõi, kiểm tra, giám sát, rà soát cả những nơi nước sâu nguy hiểm để lập bản đồ, cắm biển báo, thực hiện việc cảnh giới... nhằm tạo môi trường an toàn cho các em.

Chính quyền địa phương cũng phải chủ động triển khai công tác truyền thông tới từng thôn, xóm, hộ gia đình, từng trẻ em... để nâng cao nhận thức cho cộng đồng, cha mẹ, người chăm sóc trẻ về các nguy cơ và các biện pháp phòng, tránh đuối nước trẻ em; quan tâm đầu tư, triển khai dạy bơi, dạy kỹ năng phòng, chống đuối nước cho trẻ; đồng thời tăng cường việc triển khai công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện công tác phòng, chống đuối nước tại địa bàn; chỉ đạo các cơ sở tư nhân về thể dục thể thao tăng cường việc dạy bơi và kỹ năng cho trẻ em; xử lý nghiêm tất cả các vi phạm liên quan dẫn đến đuối nước ở trẻ.

Đặc biệt, theo bà Hoa, cần quy định rõ trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tử vong do tai nạn đuối nước, thương tích ở trẻ.

Các bậc cha, mẹ phải nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong việc đảm bảo an toàn cho con em trong gia đình; tự tìm hiểu, trang bị các kỹ năng về phòng, chống đuối nước để có thể chủ động bảo vệ con em; chủ động rà soát, loại bỏ các nguy cơ gây đuối nước cho trẻ tại gia đình.

Trong dịp nghỉ Hè, gia đình, nhà trường, chính quyền, các cấp bộ Đoàn, các cán bộ bảo vệ trẻ em địa phương, các tổ chức cần phối hợp trong việc bàn giao, quản lý, tổ chức các hoạt động vui chơi an toàn cho trẻ, bà Hoa nhấn mạnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục