Chống lừa đảo trực tuyến: Cần tạo "kháng thể" cho mỗi người dân

Chuyên gia bảo mật Vũ Ngọc Sơn khẳng định việc phòng, chống lừa đảo trực tuyến phải bắt nguồn từ tất cả những thành phần tham gia xã hội chứ không phải chỉ của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào.
Chống lừa đảo trực tuyến: Cần tạo "kháng thể" cho mỗi người dân ảnh 1Ảnh minh họa. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Trong thời gian gần đây, các thủ đoạn lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam không ngừng gia tăng và phức tạp cả về số vụ lẫn thiệt hại. Kẻ gian lợi dụng bối cảnh bùng nổ công nghệ thông tin để thực hiện nhiều vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản có giá trị cao.

Phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus đã có cuộc trò chuyện với chuyên gia bảo mật Vũ Ngọc Sơn - Giám đốc kỹ thuật Công ty Công nghệ An ninh mạng Việt Nam về vấn nạn này.

Ai cũng có thể là nạn nhân

- Thưa ông Vũ Ngọc Sơn, hiện nay có những nhóm lừa đảo chủ chốt nào trên không gian mạng?

Chuyên gia Vũ Ngọc Sơn: Chúng ta có thể bắt gặp 24 hình thức lừa đảo trực tuyến khác nhau trên không gian mạng của Việt Nam và chia thành 5 nhóm chính.

Nhóm thứ nhất liên quan đến vấn đề pháp lý. Đối tượng lừa đảo sẽ mạo danh các cơ quan chức năng gọi điện cho nạn nhân và đưa ra một tình huống liên quan đến pháp luật. Kẻ gian sẽ yêu cầu nạn nhân thực hiện theo hướng dẫn để có thể giải quyết vụ việc, trong đó có liên quan đến việc cung cấp thông tin và thậm chí là chuyển tiền. 

Nhóm thứ hai liên quan đến các mối quan hệ trong xã hội. Các đối tượng lừa đảo có thể lợi dụng những cái tài khoản hack được trên mạng xã hội hoặc giả mạo người thân, bạn bè.

Chúng có thể sử dụng công nghệ deepfake để giả mạo hình ảnh, giọng nói giống như thật gọi điện cho nạn nhân và yêu cầu chuyển tiền để có thể giải quyết các vụ việc liên quan đến người thân.

[Talk+] 'Ai cũng có thể là nạn nhân của nạn lừa đảo trực tuyến'

Hình thức thứ ba liên quan đến các cơ hội việc làm, đầu tư. Đối tượng lừa đảo sẽ tạo ra những hội, nhóm trên mạng sau đó mời gọi công việc nhẹ lương cao hay đầu tư với lãi suất lớn.

Những đối tượng lừa đảo sẽ đặt ra kịch bản ví dụ như người dùng cần chuyển tiền để bắt đầu tham gia hoạt động.

Ban đầu, đó có thể là khoản tiền nhỏ nhưng sau đó sẽ tăng dần lên. Khi nạn nhân nhận ra có thể mình đã bị lừa đảo thì họ đã mất những khoản tiền tương đối lớn.

Chống lừa đảo trực tuyến: Cần tạo "kháng thể" cho mỗi người dân ảnh 2Chuyên gia bảo mật Vũ Ngọc Sơn. (Ảnh: Việt Anh/Vietnam+)

Hình thức thứ tư là đối tượng lừa đảo sẽ mời những nạn nhân tham gia vào những khuyến mại trúng thưởng rất hấp dẫn của những nhãn hàng lớn.

Sau khi thông báo  trúng thưởng, chúng yêu cầu nạn nhân chuyển khoản tiền và thông tin để dùng để làm chi phí vận chuyển quà tặng.

Hình thức cuối cùng cũng là hình thức rất nguy hiểm: Sử dụng các phần mềm giả mạo hoặc là những website giả mạo.

Theo đó, kẻ gian gửi cho người sử dụng đường link qua Chat hoặc sử dụng các trạm BTS giả mạo gửi tin nhắn định danh, brandname, lừa người sử dụng cài ứng dụng hoặc là truy cập các website đó.

Sau khi thực hiện các thao tác nói trên, điện thoại của người dùng sẽ bị chiếm quyền điều khiển. Từ đó, tin tặc có thể sử dụng điện thoại nói trên để thực hiện các lệnh chuyển tiền vào tài khoản của chúng. 

- Theo ông những nhóm đối tượng nào dễ bị mắc phải các hình thức lừa đảo trực tuyến này?

Chuyên gia Vũ Ngọc Sơn: Các hình thức lừa đảo hiện nay nhắm tới tất cả những đối tượng trong xã hội, không phân biệt trẻ em hay người già và đặc biệt là những người ít tiếp xúc với thông tin.

Tất nhiên, những ngườiđ ã đi làm hoặc có thu nhập tốt cũng là một trong những mục tiêu mà các đối tượng lừa đảo muốn nhắm tới. 

- Người dân sẽ phải làm gì khi bị lừa đảo trực tuyến, thưa ông?

Chuyên gia Vũ Ngọc Sơn: Một số người sau khi bị lừa đảo sẽ có cảm giác xấu hổ, không nghĩ rằng mình lại bị rơi vào tình huống dễ dàng như vậy. Một số người sẽ chọn cách im lặng và cũng có người sẽ tìm cách lừa lại những đối tượng đã lừa đảo mình để hy vọng lấy lại được tiền.

Tuy nhiên những cách làm này đều không đúng. Bởi chúng ta nên biết các đối tượng lừa đảo có thể tiếp tục lừa người khác, do đó cần thông báo rộng rãi để người thân phòng tránh.

Việc 'lừa lại' đối tượng cũng rất nguy hiểm bởi chúng có tính chất tội phạm, dễ manh động. Nếu chúng ta có những hành động như tiếp xúc, gặp trực tiếp thì có thể dẫn tới nguy hiểm đến tính mạng.

Trong trường hợp bị lừa đảo, tốt nhất người dân hãy trình báo với các cơ quan công an.

Người dân cần có "kháng thể"

- Các quốc gia đã có những giải pháp nào để ứng phó với vấn nạn này, thưa ông?

Chuyên gia Vũ Ngọc Sơn: Nếu chúng ta quan sát kỹ 24 tình huống đảo đã xuất hiện ở Việt Nam trong thời gian vừa qua thì thấy rằng các đối tượng, các vụ việc lừa đảo phần lớn liên quan đến những tổ chức xuyên quốc gia.

Cụ thể, các đối tượng nước ngoài thuê người Việt Nam giúp sức và hỗ trợ thực hiện các hành vi lừa đảo người dùng. Thậm chí, chúng đưa những công nghệ, thiết bị từ nước ngoài vào Việt Nam để những đối tượng trong nước giúp sức cho chúng như deepfake, các trạm BTS giả mạo...

Việc lừa đảo trực tuyến không phải chỉ có Việt Nam mà còn phổ biến trên toàn thế giới. Do đó, các quốc gia cũng đã có nhiều biện pháp khác nhau để chống lại vấn nạn này.

Ví dụ như ở Australia quản lý rất chặt vấn đề về SIM cũng như các cuộc gọi rác, tin nhắn rác. Nếu doanh nghiệp hoặc cá nhân nào sử dụng mạng viễn thông và thực hiện các cuộc gọi như vậy thì sẽ bị xử phạt rất nặng. Tại Anh đã thành lập lực lượng chuyên để phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng với đội ngũ chuyên lên tới 400 người. Ở Nhật Bản và Hàn Quốc cũng có lực lượng tương tự như vậy...

Thực tế thì tất cả những biện pháp nói trên đều được áp dụng tại Việt Nam. Tuy nhiên Việt Nam có những đặc thù nhất định và chúng ta phải nghiên cứu để phù hợp.

Chống lừa đảo trực tuyến: Cần tạo "kháng thể" cho mỗi người dân ảnh 3Ảnh minh họa. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

- Vậy theo ông việc phòng, chống lừa đảo trực tuyến nên bắt đầu từ đâu: Người dân hay cơ quan chức năng?

Chuyên gia Vũ Ngọc Sơn: Việc phòng, chống lừa đảo trực tuyến phải bắt nguồn từ tất cả những thành phần tham gia xã hội chứ không nên từ một phía nào.

Cơ quan quản lý Nhà nước phải làm thế nào phải phát hiện nhanh các vụ việc và sau đó sẽ đưa ra những cảnh báo cho người dân. Ngoài ra, cần xây dựng chế tài phạt nặng những đối tượng sa lưới.

Trước đây chúng ta khó phát hiện các đối tượng sử dụng các trạm BTS giả mạo để phát tán tin nhắn brandname bởi chúng di chuyển các thiết bị này qua nhiều cung đường. Sau đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đưa vào những công nghệ mới có thể phát hiện vị trí của thiết bị khi nó được bật lên để cử lực lượng chuyên trách đến xử lý...

Bên cạnh đó, các cơ quan, doanh nghiệp - những nơi mà thường sẽ bị các đối tượng lừa đảo mạo danh - phải tổ chức tuyên truyền cho người dân biết được đâu là những hoạt động chính thức của mình và đâu là những hình thức lừa đảo để họ biết cách phòng, chống.

Cuối cùng quan trọng nhất bao giờ cũng là những người dân. Không chỉ ở Việt Nam mà các quốc gia đều nhấn mạnh việc nâng cao ý thức cho người dân là tiên quyết. Bởi trong khi cơ quan chức năng đưa ra được khuyến cáo thì kẻ gian đã nghĩ ra chiêu thức mới... Do đó, việc người dân nâng cao hiểu biết để có "kháng thể" phòng, chống lại các hình thức lừa đảo là rất quan trọng.

Khi người dân có thể phòng, tránh thì số vụ việc bị "mất tiền oan" sẽ ít đi và như vậy mới dần loại bỏ được những tình huống lừa đảo trực tuyến trong xã hội.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục