Chủ động phương án sơ tán, di dời các hộ dân vùng có nguy cơ trong bão

Trong ngày 10/9, công tác chủ động ứng phó với bão số 5 Côn Sơn đã được các tỉnh Thừa Thiên-Huế, Quảng Trị, Hải Phòng, Quảng Ngãi, Hà Tĩnh gấp rút thực hiện.
Chủ động phương án sơ tán, di dời các hộ dân vùng có nguy cơ trong bão ảnh 1Tàu thuyền vào neo đậu an toàn tránh bão số 5 tại Khu neo đậu Phú Hải, huyện Phú Vang, Thừa Thiên-Huế. (Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN)

Trong ngày 10/9, công tác chủ động ứng phó với bão số 5 Côn Sơn đã được các tỉnh Thừa Thiên-Huế, Quảng Trị, Hải Phòng, Quảng Ngãi, Hà Tĩnh gấp rút thực hiện. 

Thừa Thiên-Huế lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 cho các lao động trên biển trở về tránh bão

Nhằm chủ động ứng phó với bão số 5, công tác kêu gọi tàu thuyền trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế trong ngày 10/9 được tiến hành khẩn trương và dự kiến trong chiều tối 10/9, tất cả tàu thuyền đánh bắt xa bờ sẽ vào nơi neo đậu tránh trú bão an toàn.

Ghi nhận tại Trạm kiểm soát Biên phòng Thuận An, trong sáng 10/9, hàng chục tàu thuyền lớn với hàng trăm lao động tấp nập hối hả chạy vào bờ tránh bão số 5. Cán bộ, chiến sỹ biên phòng tại đây sử dụng ca nô và loa phóng thanh hướng dẫn chủ tàu, thuyền viên đeo khẩu trang lần lượt vào Trạm để làm thủ tục khai báo y tế, đo thân nhiệt, test nhanh COVID-19.

Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên-Huế đã bố trí hai nhân viên y tế thực hiện lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 cho các lao động trên biển trở về. Sau khoảng 15 phút, khi có kết quả, nếu âm tính các thuyền viên sẽ lên tàu về nơi tránh trú theo hướng dẫn. Đối với những tàu thuyền đến từ vùng dịch sẽ tạm thời cách ly trên tàu, đợi chính quyền địa phương sắp xếp nơi cách ly tập trung đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19.

[Bão Côn Sơn giật cấp 12, tiến về bờ biển Quảng Trị-Quảng Nam]

Thiếu tá Lê Văn Tuấn, Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Thuận An cho biết, thực hiện công điện của cấp trên, đơn vị đã nhanh chóng triển khai kêu gọi tàu thuyền vào nơi neo đậu an toàn và đã tổ chức bắn pháo hiệu ba lần vào tối 9/9 để cho các tàu thuyền đánh bắt ngoài khơi xa nhanh chóng chuyển hướng vào đất liền tránh bão.

Tính đến trưa 10/9, có khoảng hơn 400 tàu thuyền đánh bắt xa bờ của tỉnh Thừa Thiên-Huế đã di chuyển vào khu neo đậu để tránh trú bão, còn khoảng 15 phương tiện tàu thuyền với 112 lao động đang di chuyển vào đất liền trong chiều tối.

Tại âu thuyền khu neo đậu Phú Hải, ở huyện Phú Vang, hàng trăm tàu thuyền lớn đã vào vị trí neo đậu, ngư dân khẩn trương chằng chống, gia cố lại các dây thừng níu giữ tàu với những cọc sắt lớn trên bờ. Đây là âu thuyền mới được xây dựng, luồng lạch được khơi thông sâu nên tàu bè di chuyển vào bên trong gặp nhiều thuận lợi.

Chiều 10/9, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế tổ chức họp trực tuyến với các sở, ban, ngành, chính quyền các địa phương về ứng phó với bão số 5.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế Hoàng Hải Minh đề nghị các đơn vị trước 12 giờ ngày 11/9 phải có phương án sơ tán, di dời các hộ dân vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng bão số 5, nhằm chủ động phòng ngừa, sẵn sàng ứng phó hiệu quả với các tình huống thiên tai, đặc biệt ở các địa phương đang thực hiện Chỉ thị 15/CT-TTg, Chỉ thị 16/CT-TTg, khẩn trương chằng chống nhà cửa, sớm cắt tỉa cây xanh; sẵn sàng phương án “4 tại chỗ,” phát huy “tự quản tại chỗ.”

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng yêu cầu chính quyền địa phương thông báo đến chủ đầu tư các hồ chứa thủy lợi, thủy điện phải có phương án đảm bảo an toàn hồ đập.

Đặc biệt, tại khu vực Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3, Rào trăng 4, yêu cầu chủ đầu tư thông báo đến các công nhân lao động đang làm việc tại nhà máy "ai đang ở đâu, ở yên đó", không di chuyển trong lúc bão diễn ra.

Quảng Trị chia ra 5 vùng trọng tâm để lên phương án di dời dân tránh bão

Chiều 10/9, tại thành phố Đông Hà, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị đã họp để bàn giải pháp ứng phó với bão số 5.

Theo Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Trị, tất cả chủ của 2.312 tàu thuyền đều đã nhận được thông tin và hướng đi của bão để chủ động phòng tránh.

Chủ động phương án sơ tán, di dời các hộ dân vùng có nguy cơ trong bão ảnh 2Tàu thuyền neo đậu tránh trú bão số 5 ở khu neo đậu Bắc Cửa Việt, thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh. (Ảnh: Nguyên Lý/TTXVN)

Ngoài ra tỉnh cũng đã kêu gọi 63 tàu thuyền với 417 thuyền viên của tỉnh, thành khác vào neo đậu tránh trú bão.

Nông dân đã thu hoạch được hơn 18.000 ha lúa Hè Thu 2021, còn trên 4.000 ha chưa thu hoạch. Hệ thống hồ chứa cơ bản đảm bảo an toàn, dung tích trữ nước còn thấp khi mới chỉ đạt 17% tổng dung tích thiết kế.

Tỉnh chia ra 5 vùng trọng tâm để lên phương án di dời dân tránh bão gồm: Vùng trực tiếp ảnh hưởng của bão thuộc các huyện ven biển Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng và huyện đảo Cồn Cỏ; vùng ngập sâu ở ven các lưu vực sông Thạch Hãn, Ô Lâu, Bến Hải, Hiếu, Sê Pôn; vùng lũ quét ở huyện miền núi Hướng Hóa, Đakrông và vùng gò đồi huyện Cam Lộ; vùng sụt lún, sạt lở đất ở các huyện Cam Lộ, Đakrông và Hướng Hóa; vùng ngập cục bộ ở các huyện Hướng Hóa, Đakrông và Cam Lộ.

Về phương án di dời dân tránh bão, nếu bão ở mức rủi ro thiên tai cấp độ 3, tỉnh sơ tán trên 9.000 hộ với hơn 28.000 nhân khẩu thuộc các huyện ven biển: Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng và huyện đảo Cồn Cỏ; trong đó ưu tiên di dời khẩn cấp trên 1.800 hộ với hơn 6.300 nhân khẩu. Nếu bão ở mức rủi ro thiên tai cấp độ 4 thì sơ tán trên 29.000 hộ với hơn 100.000 nhân khẩu trên toàn tỉnh; trong đó ưu tiên di dời khẩn cấp gần 16.800 hộ với trên 52.000 nhân khẩu.

Đối với phương án di dời dân tránh lũ, nếu lũ trên báo động 3 thì toàn tỉnh cần di dời trên 14.200 hộ với hơn 52.7000 nhân khẩu; vùng xảy ra lũ ống, lũ quét cần di dời hơn 2.240 hộ với gần 9.000 nhân khẩu; vùng xảy ra sạt lở đất cần di dời hơn 1.440 với hộ với trên 6.830 nhân khẩu.

Hải Phòng, Quảng Ngãi khẩn trương kêu gọi tàu, thuyền vào nơi trú ẩn an toàn

Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 5, thành phố Hải Phòng đang khẩn trương triển khai các biện pháp phòng, chống bão, thông báo, kêu gọi hàng nghìn tàu, thuyền về nơi tránh trú an toàn.

Theo báo cáo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hải Phòng, đến 16 giờ ngày 10/9 các lực lượng đã phối hợp kiểm đếm, kêu gọi gần 2.200 phương tiện với gần 7.000 lao động, 457 lồng bè với1.282 lao động, 295 chòi canh với 246 lao động đang hoạt động trên biển vào neo đậu tại các bến thuộc địa bàn biết vị trí, hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố duy trì 380 chiến sỹ, 47 phương tiện (tàu, xuồng, ôtô) tham gia thường trực, cơ động phòng, chống bão.

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi, tính đến 16 giờ ngày 10/9, toàn tỉnh có 367 tàu với 4.124 lao động đang hoạt động trên các vùng biển. Cụ thể, tại vùng biển khu vực Vịnh Bắc Bộ có 4 tàu với 27 lao động; vùng biển Bắc Biển Đông, Hoàng Sa có 79 tàu với 754 lao động; vùng biển giữa biển Đông, Hoàng Sa và nhà giàn DK1 có 126 tàu với 2.326 lao động; vùng biển Nam Biển Đông với 86 tàu với 552 lao động và vùng biển Quảng Ngãi có 72 tàu với 465 lao động.

Để phòng tránh bão số 5, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp với chính quyền các địa phương, các nghiệp đoàn nghề cá kêu gọi các tàu thuyền khẩn trương vào nơi trú ẩn an toàn.

Thông qua các phương tiện thông tin, các đài Icom và các thiết bị liên lạc, tất cả các tàu đang hoạt động ngoài biển đã nhận được thông tin về hướng di chuyển của bão số 5.

Theo cảnh báo từ Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Ngãi, từ đêm nay (10/9), ở vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi (bao gồm các huyện đảo Lý Sơn, Cồn Cỏ có gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, giật cấp 11; sóng biển cao từ 4,0-5,0m; biển động rất mạnh. Trong thời gian tới, tại Quảng Ngãi có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 100-200mm/đợt, có nơi trên 200mm/đợt).

Hà Tĩnh kêu gọi tàu, thuyền vào tránh trú bão; giúp nông dân thu hoạch lúa Hè Thu     

Theo báo cáo nhanh của Tiểu ban An toàn nghề cá trên biển, toàn tỉnh Hà Tĩnh có 3.695 phương tiện tàu, thuyền với 14.923 lao động đã nắm bắt thông tin, đường đi của cơn bão số 5, trong đó có 3.670 tàu, thuyền đã vào nơi neo đậu, trú ẩn an toàn tại các cửa lạch, cửa sông và âu thuyền.

Chủ động phương án sơ tán, di dời các hộ dân vùng có nguy cơ trong bão ảnh 3ực lượng quân sự huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh giúp bà con thu hoạch lúa chạy bão ở những vùng thấp trũng. (Ảnh: Hoàng Ngà/TTXVN)

Lực lượng chức năng tiếp tục kêu gọi 25 tàu với 171 lao động hoạt động đánh bắt cá tại vùng biển từ Hải Phòng đến Đà Nẵng biết rõ thông tin bão số 5, đang di chuyển vào bờ neo đậu, trú ẩn.

Trong đó, nhiều nhất là vùng biển Hải Phòng 11 tàu với 88 lao động, còn lại rải rác ở các tỉnh, thành Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Nam Định, Hà Tĩnh. Ngoài ra, có 26 phương tiện với 64 lao động của Nghệ An, Thanh Hóa đã nắm thông tin về cơn bão, về neo đậu tại các bến, bãi, âu thuyền trên địa bàn Hà Tĩnh.
         
Tại các vùng ven biển tỉnh Hà Tĩnh, do ảnh hưởng của bão số 5 nên có lượng mưa rất lớn, kèm theo đó biển động mạnh ảnh hưởng đến ngư trường cũng như việc nuôi trồng thủy hải sản.

Tại cảng cá Cửa Sót, xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà, tàu thuyền đã ngừng hoạt động, việc mua bán cá ở đây rất vắng vẻ.  Còn ở âu thuyền Cửa Sót có hàng trăm chiếc tàu, thuyền của các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa và thuyền của người dân trong huyện Lộc Hà đã về neo đậu kiên cố để tránh bão.

Nhiều ngư dân đội mưa xuống thuyền chằng chéo tàu, thuyền và dùng bạt che chắn ngư lưới cụ, các vật dụng trên thuyền. Tại đây các cấp chính quyền huyện Lộc Hà, Ban Quản lý cảng cá Hà Tĩnh tuyên truyền người dân khi vào tránh trú bảo số 5 vừa đảm bảo an toàn người và tài sản vừa thực hiện phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định.

Những huyện ven biển như Nghi Xuân, Lộc Hà, Thạch Hà, Cẩm Xuyên và huyện Kỳ Anh, thị xã Kỳ Anh phối hợp với các Đồn Biên phòng chủ động liên lạc với chủ tàu, thuyền, hướng dẫn họ về nơi tránh bão an toàn. Bên cạnh đó ngăn chặn những người dân vùng bãi ngang, vùng cửa lạch ra khơi đánh bắt cá khi có sóng to, gió lớn tránh thiệt hại về người và tài sản.

Tỉnh Hà Tĩnh đã họp khẩn trực tuyến nhằm triển khai nhiệm vụ ứng phó với bão số 5, đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19. Trước mắt kêu gọi tàu, thuyền vào tránh, trú bão an toàn, chỉ đạo các đơn vị chức năng, các cấp chính quyền có phương án giúp nhân dân thu hoạch nhiều diện tích lúa Hè Thu chưa gặt xong.

Huyện Hương Khê nhanh chóng giúp đỡ nhân dân thu hoạch khoảng 2.000 ha bưởi Phúc Trạch đã vào vụ. Ngoài ra, có 292 lồng bè thủy sản (gồm 234 lồng nuôi cá, 58 bè nuôi hàu, vẹm thuộc các vùng cửa sông và hồ đập); 380 ha nuôi ngao ở các bãi bồi ven sông thuộc các huyện Thạch Hà, Lộc Hà, Cẩm Xuyên, thị xã Kỳ Anh, đã được chuẩn bị phương án ứng phó với bão số 5./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục