Chủ động ứng phó với diễn biến của bão số 10

Các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên đang khắc phục hậu quả của bão số 9 và chủ động ứng phó với diễn biến xấu nhất của bão số 10.
Theo Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương, các bộ, ngành Trung ương và các địa phương miền Trung và khu vực Tây Nguyên đang tập trung mọi nguồn lực để khắc phục hậu quả của bão số 9, đồng thời chủ động ứng phó với diễn biến xấu nhất của cơn bão số 10 hiện nay.

Theo báo cáo tổng hợp chưa chính thức của Văn phòng Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương, đến ngày 6/10, bão số 9 làm 163 người chết, trong đó Hà Tĩnh: 1; Quảng Bình: 2; Quảng Trị: 10; Thừa Thiên Huế: 11; Đà Nẵng: 7; Quảng Nam: 30; Quảng Ngãi: 34; Bình Định: 11; Phú Yên: 1; Kon Tum: 49; Đắk Lắk: 1; Đắc Nông 2; Lâm Đồng: 2; Gia Lai: 2. |

Có 11 người mất tích và 629 người bị thương do bão số 9.

Cùng với thiệt hại về người, số nhà bị sập, trôi là 21.614 cái; nhà bị tốc mái, xiêu vẹo, hư hỏng là 258.564; số nhà bị ngập là 294.711; số phòng học ở các trường bị hư hỏng, ngập là 5.445 phòng; trạm y tế, trụ sở Ủy ban Nhân dân xã, các công trình công cộng bị hư hỏng, ngập là 12.704 cái.

Thiệt hại về nông nghiệp, diện tích lúa bị ngập, đổ là 38.507ha, ngô, mía bị ngập là 22.367ha; hoa màu các loại bị ngập, hư hại là 32.403ha; diện tích cây công nghiệp hư hại là 33.756ha.

Thiệt hại về giao thông, đất bị sạt lở, bồi lấp 4.460.416 m3; bê tông, đá xây bị sạt trôi 66.406 m3; cầu, cống bị hư hỏng là 858 chiếc.

Thiệt hại về hệ thống điện, cột điện bị đổ gãy 17.624 cột; đường dây điện bị đứt là 2.157km.

Thiệt hại về thủy lợi, số công trình nhỏ, đập tạm bị vỡ, hư hỏng là 1.074 cái; đê, kè, kênh mương bị trôi, hư hỏng là 145.165m; khối lượng đất bị sạt lở, bồi lấp là 2.258.716m3.

Để đối phó với bão số 10, Văn phòng Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương-Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn thường xuyên cập nhật và chuyển tải thông tin về diễn biến của cơn bão này tới các địa phương để theo dõi và chủ động triển khai các phương án phòng chống bão.

Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng có Công điện số 10 chỉ đạo Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi sử dụng thông tin tìm kiếm cứu nạn phối hợp với địa phương, gia đình chủ tàu, thuyền trưởng thông báo kêu gọi số phương tiện đang hoạt động ở khu vực biển Đông về bờ tránh bão; đồng thời tiếp tục chỉ đạo biên phòng tuyến biển từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi triển khai công tác phòng, chống bão số 10.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, do tác động của các yếu tố môi trường quanh bão số 10, đặc biệt là tương tác với siêu bão Melor nên diễn biến của bão số 10 vẫn rất phức tạp.


Hồi 10 giờ ngày 6/10, vị trí tâm bão số 10 ở vào khoảng 19,1 độ Vĩ Bắc; 120,3 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Tây Bắc đảo Luzon (Philippines). Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (tức là từ 103 đến 117km một giờ), giật cấp 12, cấp 13.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão số 10 di chuyển chậm theo hướng giữa Nam Đông Nam và Nam, mỗi giờ đi được khoảng 5km.

Đến 10 giờ ngày 7/10, vị trí tâm bão vào khoảng 18,1 độ Vĩ Bắc, 120,5 độ Kinh Đông, ngay trên bờ biển phía Tây Bắc đảo Luzon.

Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (tức là từ 103 đến 117km một giờ), giật cấp 12, cấp 13.


Trong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão số 10 di chuyển theo hướng giữa Nam và Nam Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 3-5 km. Đến 10 giờ ngày 8/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,4 độ Vĩ Bắc, 120,2 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Tây đảo Luzon.

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10, cấp 11 (tức là từ 89 đến 117 km một giờ), giật cấp 12, cấp 13. Tính từ tâm bão, vùng gió mạnh nguy hiểm từ cấp 10 trở lên có bán kính khoảng 80km, từ cấp 6 trở lên có bán kính khoảng 250km.

Trong khoảng 48-72 giờ tiếp theo, bão số 10 di chuyển theo hướng Tây Tây Nam và Tây, mỗi giờ đi được khoảng 5km.

Đến 10 giờ ngày 9/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,0 độ Vĩ Bắc, 119,0 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa 740km về phía Đông.

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10, cấp 11 (tức là từ 103 đến 117km một giờ), giật cấp 12, cấp 13./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục