'Chủ tịch công đoàn hưởng lương doanh nghiệp, đấu tranh dễ bị sa thải'

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Bùi Văn Cường thừa nhận, việc thương lượng ký kết thỏa ước lao động tập thể trong doanh nghiệp hiện còn hạn chế.
'Chủ tịch công đoàn hưởng lương doanh nghiệp, đấu tranh dễ bị sa thải' ảnh 1Đại biểu Quốc hội Mùa A Vảng, đoàn Điện Biên nói về những nội dung trong Công ước 98. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Vấn đề bất cập hiện tại trong ký kết thỏa ước lao động tập thể là chủ tịch công đoàn hưởng lương tại doanh nghiệp, nếu đấu tranh mạnh có thể bị gây khó dễ.

Nội dung này vừa được nêu lên trong phiên thảo luận sáng 7/6 tại Quốc hội về việc Việt Nam gia nhập Công ước 98 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về áp dụng các nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể.

Đảm bảo quyền cho người lao động

Trao đổi bên lề Quốc hội sáng cùng ngày, đại biểu Mùa A Vảng, đoàn Điện Biên cho biết, Công ước 98 có 3 nội dung cơ bản là: Bảo vệ người lao động và công đoàn trước các hành vi phân biệt đối xử chống công đoàn của người sử dụng lao động; Bảo vệ tổ chức của người lao động không bị can thiệp, thao túng bởi người sử dụng lao động và Những biện pháp thúc đẩy thương lượng tập thể tự nguyện, thiện chí.

Theo ông, trong bối cảnh hội nhập, việc gia nhập Công ước 98 của Việt Nam là cần thiết.

[Quốc hội thảo luận Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế]          

Đồng tình, đại biểu Trần Thị Diệu Thúy, đoàn Thành phố Hồ Chí Minh phân tích, những nội dung trên nếu được thông qua sẽ giúp tổ chức công đoàn và các tổ chức khác của người lao động có nhiều quyền hơn trong xây dựng thỏa ước lao động tập thể và thương lượng với người sử dụng lao động.

Ngoài ra, nếu thực hiện đúng, chính người sử dụng lao động cũng sẽ có lợi trong việc đảm bảo kế hoạch sản xuất kinh doanh, vệ sinh môi trường, an toàn lao động,...

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, đoàn Bến Tre cũng tỏ ra ủng hộ và cho rằng, đây là công việc đã được chuẩn bị lâu dài và nghiêm túc.  

"Tham gia Công ước 98 là đúng xu hướng, đảm bảo dân chủ xí nghiệp và đối thoại," ông nói.

Theo ông, kể cả không tham gia Công ước 98, Việt Nam vẫn phải thực hiện các vấn đề do ILO đặt ra theo đúng tinh thần, nguyên tắc về nơi làm việc.

Tuy nhiên, nếu tham gia, Việt Nam sẽ có cam kết chính thức và có "hạnh kiểm cao."

Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo, nếu tham gia công ước "không thể phê chuẩn là xong." Vị đại biểu cho rằng, đây là vấn đề lớn và phải nghiên cứu báo cáo trình Quốc hội sửa Luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật tố tụng,...

"Cần hướng dẫn để đảm bảo tổ chức hoạt động công đàon sắp tới phù hợp, tránh lúng túng," ông Nhưỡng cũng nêu lên.

Chỉ 60% doanh nghiệp ký kết thỏa ước

Bàn cụ thể hơn, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Bùi Văn Cường thừa nhận, việc thương lượng ký kết thỏa ước lao động tập thể trong doanh nghiệp hiện còn hạn chế.

Theo ông, hiện mới có khoảng 60% doanh nghiệp có tổ chức công đoàn ký kết thỏa ước trên. Số doanh nghiệp chưa có ký kết giữa người sử dụng lao động và đại diện lao động qua công đoàn hiện vẫn còn nhiều.

Vấn đề trên theo Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao đông Việt Nam đang được tính toán bàn với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam ký thỏa ước khung cấp quốc gia. Sau đó, các đơn vị sẽ ký thỏa ước tập thể cấp ngành và tới cấp doanh nghiệp.

Ông cho biết, luật hiện tại quy định cho doanh nghiệp tự ký thỏa ước. Tuy nhiên, vấn đề bất cập là vị trí chủ tịch công đoàn cũng hưởng lương tại doanh nghiệp. Nếu đấu tranh mạnh cho quyền lợi người động thì người sử dụng lao động sẽ tìm cách sa thải, gây khó dễ.

Từ đó, vị này kiến nghị, cần thiết kết quy định giống một số nước là công đoàn cấp trên sẽ tham gia thương lượng ký kết để thực sự có thỏa ước tốt.

"Nếu vấn để lao động cơ sở ký kết thì không bao giờ có quyền lợi tốt cho người động," ông Cường lên tiếng./.

Đại biểu Quốc hội Mùa A Vảng, đoàn Điện Biên nói về những nội dung trong Công ước 98:

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục