Chủ tịch EC quan ngại tình hình tăng trưởng chậm của kinh tế Italy

Italy đã bị rơi vào tình trạng “suy thoái kỹ thuật” do có hai quý 3 và 4/2018 bị tăng trưởng âm liên tiếp; nhiều cơ quan, tổ chức quốc tế hiện cũng đã hạ thấp dự báo tăng trưởng kinh tế của Italy.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker. (Ảnh: THX/TTXVN)
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Rome, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker ngày 2/4 đã bày tỏ quan ngại về sự chậm lại của nền kinh tế Italy, đồng thời hy vọng chính phủ nước này sẽ hành động nhằm thúc đẩy tăng trưởng.

Phát biểu với báo giới ở thủ đô Rome sau cuộc gặp với Thủ tướng Italy Giuseppe Conte cùng ngày, ông Jean-Claude Juncker nhấn mạnh Chính phủ Italy phải nỗ lực hơn nữa nhằm duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức dương.

Ông Jean-Claude Juncker cũng lưu ý rằng hồi tháng 12/2018, vào thời điểm Liên minh châu Âu (EU) chấp thuận kế hoạch ngân sách mở rộng và gia tăng chi tiêu của Italy, EC dự báo nền kinh tế này sẽ đạt tốc độ tăng trưởng 1,2% trong năm 2019.

[Biểu tình quy mô lớn ở Italy phản đối chính sách kinh tế của chính phủ]

Nhưng kể từ đó, Italy đã bị rơi vào tình trạng “suy thoái kỹ thuật” do có hai quý 3 và 4/2018 bị tăng trưởng âm liên tiếp.

Nhiều cơ quan, tổ chức quốc tế hiện cũng đã hạ thấp dự báo tăng trưởng kinh tế của Italy.

Về phần mình, Thủ tướng Conte cho biết trong tuần này, chính phủ của ông sẽ thông qua một sắc lệnh bao gồm “các biện pháp nhằm tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng.”

Ông Conte cũng thừa nhận sự chậm lại của nền kinh tế là đúng như dự báo. Đó chính là lý do Italy đã đưa ra một kế hoạch ngân sách theo hướng gia tăng chi tiêu có trách nhiệm cũng như thông qua các biện pháp cần thiết nhằm tái thiết lập công bằng xã hội.

Trước đó, ngày 1/4, Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) dự báo nền kinh tế Italy sẽ sụt giảm 0,2% trong năm nay.

Trong báo cáo vừa công bố của mình, OECD đã kêu gọi Chính phủ Italy cần có những cải cách mạnh mẽ nhằm vực dậy đà sản xuất đang bị chậm lại, giảm khoảng cách phát triển giữa các địa phương và thu hẹp sự bất bình đẳng xã hội./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục