Chủ tịch Quốc hội Triều Tiên đề cập tới 'lập trường thù địch' của Mỹ

Chủ tịch Quốc hội Choe Ryong-hae tuyên bố, Bình Nhưỡng sẵn sàng thảo luận về tiến trình phi hạt nhân hóa với Washington sau khi Mỹ từ bỏ lập trường thù địch đối với Triều Tiên.
Chủ tịch Quốc hội Triều Tiên đề cập tới 'lập trường thù địch' của Mỹ ảnh 1Chủ tịch Quốc hội Choe Ryong-hae. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)

Ngày 26/10, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Hội nghị Nhân dân Tối cao Triều Tiên (Quốc hội) Choe Ryong-hae tuyên bố, Bình Nhưỡng sẵn sàng thảo luận về tiến trình phi hạt nhân hóa với Washington sau khi Mỹ từ bỏ 'lập trường thù địch' đối với Triều Tiên.

Phát biểu tại Hội nghị cấp cao Phong trào Không liên kết ở thủ đô Baku của Azerbaijan, ông Choe Ryong Hae nhấn mạnh: "Tình hình quốc tế hiện nay giống như khởi đầu cuộc Chiến tranh Lạnh. Tình hình trên bán đảo Triều Tiên đóng vai trò then chốt, chúng tôi đang đối mặt với cuộc khủng hoảng nghiêm trọng cần được giải quyết.

Sau khi ký thỏa thuận giữa Triều Tiên và Mỹ, tình hình này không cải thiện. Mỹ nên từ bỏ thái độ thù địch cùng các hành động khiêu khích quân sự và chính trị đối với Triều Tiên."

Hồi đầu tháng này, phái đoàn Triều Tiên do trưởng đoàn đàm phán Kim Myong-gil dẫn đầu đã tổ chức cuộc đàm phán cấp chuyên viên với phái đoàn Mỹ do đặc phái viên Stephen Biegun, đứng đầu, tại Stockholm của Thụy Điển.

[Mỹ-Triều có thể tổ chức thêm nhiều vòng đàm phán cấp chuyên viên]

Đây là cuộc đàm phán đầu tiên kể từ sau cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Việt Nam hồi tháng Hai năm nay. Tuy nhiên, cuộc đàm phán đã đổ vỡ vì hai bên chưa thu hẹp được bất đồng.

Triều Tiên chỉ trích Mỹ đến họp "tay không," trong khi Washington cho biết đã đề xuất các ý tưởng "sáng tạo" và hai bên đã có các cuộc thảo luận tốt đẹp.

Cuộc gặp tại Stockholm đánh dấu nối lại các nỗ lực đàm phán hạt nhân giữa Mỹ và Triều Tiên sau nhiều tháng bế tắc kể từ hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Hà Nội hồi tháng Hai vừa qua.

Hiện hai bên vẫn còn bất đồng. Triều Tiên đề nghị Mỹ đưa ra một đề xuất có thể chấp nhận được với Bình Nhưỡng, bao gồm dỡ bỏ trừng phạt và kèm theo các đảm bảo an ninh.

Trong khi đó, Washington vẫn giữ quan điểm rằng các nhượng bộ lớn chỉ được đưa ra khi Bình Nhưỡng tiến hành các bước phi hạt nhân hóa cụ thể./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục