Nhân dịp chuẩn bị bước sang năm 2015, phóng viên TTXVN đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Thế Thảo, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội.
- Thưa Chủ tịch, Luật Thủ đô được ví như “bản lề” giúp Hà Nội tháo gỡ nhiều vấn đề vướng mắc. Vậy Hà Nội đã được kết quả gì và khó khăn, như thế nào từ khi thực hiện bộ luật quan trọng này?
Ông Nguyễn Thế Thảo: Có lẽ, đây là lĩnh vực lãnh đạo Thủ đô quan tâm và tâm huyết nhất không chỉ thời gian hơn một năm Luật có hiệu lực, mà còn từ ngày thai nghén đặt nền móng xây dựng dự thảo.
Đã nhiều năm làm lãnh đạo chính quyền Thủ đô, với tôi thì đây là văn bản pháp lý đặc biệt quan trọng và có ý nghĩa lịch sử to lớn đối với Hà Nội; làm việc gì cũng thuận lợi hơn, bởi hạn chế được nhiều bất cập, chồng chéo trước đây.
Đặc biệt, Luật Thủ đô quy định nhiều cơ chế, chính sách đặc thù nhằm tạo động lực cho sự nghiệp xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô. Thực hiện Luật, hơn một năm, thành phố đã ban hành 2 Quyết định và Hội đồng Nhân dân ban hành 14 Nghị quyết cụ thể hóa, đã tháo gỡ được rất nhiều tồn tại, nên năm 2014, Hà Nội thắng lợi gần như toàn diện, trong đó tốc độ phát triển kinh tế tăng 8,8% cao hơn năm trước và cao hơn 1,52 lần mức tăng chung của cả nước.
Hà Nội đã dồn hết tâm lực triển khai Luật Thủ đô một cách quyết liệt, nhanh chóng và sâu rộng tới nhân dân. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tồn tại vì chưa đến được đông đảo những đối tượng liên quan như người nhập cư, người nước ngoài…
- Ông có thể đánh giá như thế nào về chất lượng cán bộ cơ sở?
Ông Nguyễn Thế Thảo: Vấn đề này, Thường vụ Thành ủy cũng nói nhiều, bàn nhiều và thực tế đã làm rất quyết liệt, thậm chí còn phải xử lý kỷ luật. Tôi nghĩ đây là cốt lõi nảy sinh nhiều vấn đề, trong đó có cả tiêu cực khiến chúng ta phải quan tâm, trăn trở rất nhiều.
Vì vậy, mỗi lần đi cơ sở, hay thị sát thực tế tôi cũng cố gắng nghe ngóng anh em có phàn nàn gì về cán bộ để kịp thời giải quyết, điều chỉnh. Thực tế, Hà Nội thời gian qua đặc biệt chú trọng nâng cao năng lực, chất lượng cán bộ để phục vụ nhân dân tốt hơn, nhưng ở đâu đó người dân và báo chí còn than phiền. Tình trạng cán bộ hách dịch, nhũng nhiễu, quan liêu, đòi “bôi trơn” vẫn còn diễn ra, tuy đây chỉ là số ít.
- Vậy thành phố đã làm gì để cải thiện chất lượng phục vụ doanh nghiệp và nhân dân?
Ông Nguyễn Thế Thảo: Có thể nói, để chấn chỉnh được lề lối làm việc ở tận các cấp là hết sức khó khăn. Phục vụ nhân dân và doanh nghiệp không tốt thì hình ảnh bị giảm sút, cũng như sẽ “mất điểm” về chỉ số cạnh tranh.
Nhưng điều đáng mừng là toàn hệ thống đã có sự chuyển biến đáng kể, như chỉ số cải cách hành chính của thành phố Hà Nội đứng thứ 5/63 tỉnh, thành phố, tăng 2 bậc so với năm trước; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh xếp vị trí thứ 33/63, tăng 18 bậc so với năm trước.
- Về lãnh đạo chủ chốt, ông có nhận xét như thế nào qua đợt Hội đồng Nhân dân lấy phiếu tín nhiệm vừa qua?
Ông Nguyễn Thế Thảo: Lấy phiếu tín nhiệm thực sự là việc làm giúp cho người lãnh đạo có trách nhiệm hơn, lo lắng hơn và thực tế số phiếu đã phản ánh khách quan, công tâm về năng lực của từng cán bộ quản lý.
Tôi nhận thức sâu sắc rằng được Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng, giao trọng trách, chúng tôi luôn nỗ lực, phấn đấu hết mình để thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao; đồng thời không ngừng tu dưỡng, rèn luyện về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống.
Tôi thấy còn nhiều việc chưa làm được, làm chưa tốt do những nguyên nhân chủ quan và khách quan. Trên cơ sở kết quả phiếu tín nhiệm của các vị đại biểu, tôi sẽ nghiêm túc soi xét lại mình, tiếp tục phát huy những ưu điểm, khắc phục những tồn tại, yếu kém để hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ được giao, đáp ứng yêu cầu và sự mong muốn của nhân dân.
- Hà Nội có rất nhiều xã vùng nông thôn còn khó khăn, vậy năm qua, trong phát triển kinh tế-xã hội, Hà Nội đã hướng tới vùng khó khăn thế nào?
Ông Nguyễn Thế Thảo: Người dân ở vùng nông thôn, đặc biệt là ở tỉnh Hà Tây (cũ) có thể thấy rõ điều này, thành phố dường như đã dồn tâm lực đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, các mô hình sản xuất hiệu quả cao, có vùng giá trị sản xuất trên mỗi héc-ta đạt hàng trăm triệu, hàng tỷ đồng. Hàng hóa của nông dân đều có nơi tiêu thụ, nên đời sống khá hơn và thu nhập cao gấp nhiều lần so với cách đây vài ba năm. Phong trào xây dựng nông thôn mới được đẩy mạnh và là “điểm sáng” của cả nước với trên 100 xã đạt tiêu chí nông thôn mới, bằng 20% của cả nước.
- Đề nghị ông cho biết giải pháp chính trong phát triển kinh tế năm 2015 của Thủ đô?
Ông Nguyễn Thế Thảo: Khi còn chưa kết thúc năm 2014 thành phố đã phát động phong trào thi đua năm 2015 với tinh thần quyết liệt, khí thế khẩn trương, mục tiêu kinh tế sẽ tăng trưởng cao hơn.
Thành phố đã đưa ra 5 gói giải pháp lớn cho năm 2015, kèm theo hàng chục giải pháp cụ thể để tiếp tục giữ vững và phát triển kinh tế, trong đó hai giải pháp quan trọng hàng đầu là: huy động mọi nguồn lực, tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển, phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn, chất lượng vững chắc hơn; đẩy mạnh công tác quy hoạch, cải thiện môi trường đầu tư, thực hiện đồng bộ các giải pháp huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển.
- Ông có mong muốn điều gì đối với các cấp chính quyền và người dân Thủ đô nhân dịp năm mới?
Ông Nguyễn Thế Thảo: Hà Nội là Thủ đô của cả nước, công việc bộn bề, nhiều việc lớn, việc quan trọng và tính chất phức tạp, cùng với thời cơ và thuận lợi, khó khăn và thách thức còn nhiều như nguồn lực khan hiếm, cơ chế chính sách bất cập, năng lực tổ chức bộ máy chưa đáp ứng yêu cầu; bên cạnh đó nhiều vấn đề phức tạp, nhạy cảm mới phát sinh; hơn thế nữa mong muốn, yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao, áp lực lớn.
Do vậy, trong chỉ đạo điều hành và tổ chức thực hiện hiện, ngoài quyết tâm chính trị cao, sự quyết liệt, sâu sát, năng động, sáng tạo, rất cần có sự chia sẻ của các cấp chính quyền, sự đồng thuận của nhân dân./.