Chủ tịch VCCI: Tinh thần khởi nghiệp là điểm sáng giữa đại dịch

Theo Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, sức sống mãnh liệt của doanh nghiệp Việt Nam và tinh thần khởi nghiệp kinh doanh của người dân Việt Nam là điểm sáng giữa đại dịch.
Chủ tịch VCCI: Tinh thần khởi nghiệp là điểm sáng giữa đại dịch ảnh 1Tôn vinh các dự án xuất sắc của chương trình khởi nghiệp quốc gia. (Ảnh: Ngọc Quỳnh/Bnews)

Chương trình Festival khởi nghiệp 2022, do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) tổ chức với sự tham gia của lãnh đạo nhiều bộ, ngành, địa phương, đại diện một số tổ chức quốc tế, các tổ chức thúc đẩy khởi nghiệp, các cố vấn, huấn luyện viên khởi nghiệp, các nhà đầu tư, nhà tài trợ và cộng đồng doanh nghiệp... đã khai mạc chiều 19/1.

Phát biểu khai mạc Festival Khởi nghiệp 2022, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh sự kiện này là ngày hội truyền thống đã được VCCI duy trì suốt 19 năm qua.

Trong xu hướng chung của toàn cầu, năm 2021, Việt Nam cũng phải đối mặt với muôn vàn khó khăn do đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

Nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước vừa phải oằn mình chống dịch, vừa nỗ lực khắc phục mọi khó khăn để duy trì và phát triển kinh tế. Mặc dù vậy, vẫn có những điểm sáng nổi lên - đó là sức sống mãnh liệt của doanh nghiệp Việt Nam và tinh thần khởi nghiệp kinh doanh của người dân Việt Nam, ông Phạm Tấn Công khẳng định.

Năm 2021, nền kinh tế đón nhận 116.800 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, 43.100 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động lên con số gần 160.000.

Khó khăn như vậy nhưng bình quân mỗi tháng trong năm 2021, đã có 13.300 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, trong đó khoảng 10.000 doanh nghiệp thành lập mới. Điều này cho thấy nỗ lực tái cấu trúc và thích ứng của khu vực doanh nghiệp trong nền kinh tế cũng như tinh thần khởi nghiệp kinh doanh của người dân, doanh nghiệp Việt Nam vô cùng mạnh mẽ.

Theo Chủ tịch VCCI, rất cần tinh thần khởi nghiệp kinh doanh, sáng tạo của người dân, doanh nghiệp để Việt Nam có bước tiến dài, tham gia vào nhóm các quốc gia phát triển sau 25 năm nữa.

Năm 2021, Việt Nam xếp thứ 44 về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu và đứng thứ 59/100 quốc gia về hệ sinh thái khởi nghiệp. Hệ sinh thái Thành phố Hồ Chí Minh tăng 46 bậc, xếp vị trí 179; Hà Nội tăng 5 bậc lên vị trí 191.

Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá xếp thứ 3 trong nhóm 3 hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo năng động nhất khu vực Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia và Singapore. Điều này thêm một lần nữa khẳng định Chính phủ Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

Phát biểu buổi lễ, bà Caitlin Wiesen, Đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam cho biết năm 2022, UNDP cùng với Bộ Các vấn đề toàn cầu của Canada và Bộ Kế hoạch và Đầu tư của Việt Nam khởi động dự án ISEE-COVID trị giá 3 triệu đôla Canada (CAD) nhằm thúc đẩy hệ sinh thái doanh nghiệp tạo tác động xã hội (bao gồm cả các công ty khởi nghiệp có tác động) để ứng phó với COVID-19.

"Với những cam kết cụ thể này, UNDP và các đối tác mong muốn xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp tạo tác động và tạo động lực cho các doanh nhân trẻ với mục tiêu cốt lõi là khai thông tiềm năng của các doanh nhân trẻ," bà Caitlin cho biết.

[Diễn đàn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long]

Cũng tại sự kiện, ông Ivo Sieber Đại sứ Thụy Sĩ tại Việt Nam đã chia sẻ về hành trình và môi trường khởi nghiệp sáng tạo tại Thụy Sĩ. 

Hàng năm, có khoảng 300 công ty khởi nghiệp mới được hình thành tại Thụy Sĩ. Các doanh nghiệp Thụy Sĩ chủ yếu khởi nghiệp trong các lĩnh vực như công nghệ y tế, công nghệ sinh học, năng lượng, tài chính.

Về bài học cho Việt Nam trong việc hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, ông Ivo Sieber cho rằng, vai trò của Chính phủ là vô cùng quan trọng. Chính phủ phải tích cực trong việc tạo nên hành lang pháp lý thuận lợi để thúc đẩy các cá nhân và doanh nghiệp tham gia khởi nghiệp. Tinh thần kinh doanh, khởi nghiệp cũng cần được thúc đẩy trong các tổ chức giáo dục.

"Thụy Sĩ hiện đang triển khai Chương trình Doanh nhân Thụy Sĩ. Đây là chương trình tiếp cận sáng tạo để hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam. Chúng tôi tài trợ chương trình này cho Việt Nam nhằm tạo ra tiếp cận tài chính. Chương trình hiện nay có nguồn tài trợ lên đến 2 triệu USD," ông Ivo Sieber cho biết.

Ông Ivo Sieber cũng khẳng định và cho biết Chính phủ Thụy Sĩ sẽ luôn sẵn sàng hỗ trợ, hợp tác cùng với Việt Nam trong con đường hỗ trợ các doanh nghiệp, các nhân tham gia khởi nghiệp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục