Chủ tịch Vietcombank: Sẽ đồng hành cùng khách hàng vượt qua đại dịch

Chủ tịch Vietcombank cho biết, năm 2021 dự báo kính tế vẫn tiếp tục bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, do đó ngân hàng sẽ hợp tác tối đa cùng khách hàng vượt qua khó khăn.
Chủ tịch Vietcombank: Sẽ đồng hành cùng khách hàng vượt qua đại dịch ảnh 1Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank Nghiêm Xuân Thành. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Mục tiêu của Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) lợi nhuận đạt 2 tỷ USD vào năm 2025, đứng ở tốp 100 ngân hàng lớn nhất khu vực châu Á và 1 trong 300 tập đoàn tài chính hàng đầu thế giới.

Nhân dịp đầu Xuân mới, phóng viên đã có cuộc trò chuyện với Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank Nghiêm Xuân Thành để hiểu rõ hơn về những chiến lược mà ngân hàng đã làm được trong thời gian qua và những năm tiếp theo.

- Làm ngân hàng thì lợi nhuận và nợ xấu luôn là hai yếu tố quan tâm hàng đầu. Nói về lợi nhuận thì Vietcombank  đã thực sự ấn tượng khi cán “mốc” 1 tỷ USD, bỏ xa các ngân hàng tốp sau. Song song đó, tỷ lệ nợ xấu cũng giảm xuống dưới 1%... Đây cũng là điểm nhấn của Vietcombank trong giai đoạn ông là Chủ tịch Hội đồng quản trị, người đứng đầu của hệ thống Vietcombank. Vậy xin ông chia sẻ những khó khăn cũng như thuận lợi trong việc đưa ngân hàng đạt được những dấu ấn trên?

Ông Nghiêm Xuân Thành: Tôi từng kinh qua nhiều vị trí, lĩnh vực công tác khác nhau trong ngành ngân hàng với kinh nghiệm kinh doanh trực tiếp cũng như kinh nghiệm quản trị hệ thống; tôi cũng có thời gian là Chánh Văn phòng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cơ quan tham mưu giúp việc cho ban lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước trong quản lý ngành ngân hàng. Ngoài ra, Vietcombank là một ngân hàng tốt, hoạt động tốt, con người tốt…

Vietcombank là một ngân hàng lâu đời, có quá trình dài hoạt động ổn định nên áp lực lớn nhất của ban lãnh đạo mới là làm thế nào để Vietcombank phát triển bứt phá hơn, chuyển dịch mạnh mẽ hơn trên nền tảng giữ được những giá trị cốt lõi, phải đảm bảo an toàn hơn, hiệu quả hơn… Những áp lực đó cũng chính là động lực thôi thúc tập thể ban lãnh đạo Vietcombank tìm tòi những định hướng mới, những cách làm mới… để Vietcombank có thể đạt được những thành công như thời gian qua.

- Quay trở lại với năm 2020, một năm đầy khó khăn và thử thách đối với toàn xã hội nói chung và ngân hàng cũng không ngoại lệ bởi những tác động của đại dịch COVID-19, Vietcombank, với vị thế là ngân hàng hàng đầu có trách nhiệm với xã hội, đã có những chia sẻ cụ thể như thế nào với doanh nghiệp và người dân? Hay nói cách khác, ban lãnh đạo Vietcombank và ông (vừa là Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch Vietcombank) đã có những quyết sách gì để ngân hàng có thể đạt được mục tiêu “kép” là vừa đảm bảo kinh doanh ổn định, vừa chung tay đồng hành chia sẻ khó khăn với khách hàng?

Ông Nghiêm Xuân Thành: Bám sát định hướng của Đảng, Chính phủ và chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, với tinh thần chủ động, tích cực chung tay hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, Vietcombank đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ khách hàng như: miễn giảm lãi, phí; cơ cấu lại thời hạn trả nợ; cho vay mới để hỗ trợ khách hàng khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh; triển khai các gói tín dụng với lãi suất thấp để hỗ trợ khách hàng.

Trong năm 2020, Vietcombank đã thực hiên 5 lần điều chỉnh giảm lãi suất tối đa tới 1,5% đối với các doanh nghiệp, cá nhân sản xuất kinh doanh thuộc các lĩnh vực chịu nhiều ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 và các khách hàng chịu ảnh hưởng của bão lụt Miền Trung. Vietcombank đã hỗ trợ hơn 300.000 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch với dư nợ 660.000 tỷ đồng, hạ lãi suất/áp dụng lãi suất ưu đãi, chiếm hơn 80% tổng dư nợ cho vay của toàn hệ thống với số tiền chia sẻ giảm lợi nhuận hỗ trợ khách hàng trên 3.700 tỷ đồng.

[Ngân hàng Vietcombank: Những dấu ấn quyết đoán và tiên phong]

Bên cạnh đó, doanh số cho vay mới lũy kế đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch là gần 900.000 tỷ đồng với số lượng khách hàng được hưởng ưu đãi hơn 167.000 khách hàng. Thực hiện cơ cấu thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 01 gần 50.000 tỷ đồng.

Trong năm 2020, tiếp nối và phát huy truyền thống là một ngân hàng xanh - vì cộng đồng, Vietcombank đã triển khai hàng loạt các hoạt động an sinh xã hội, các chương trình phát triển cộng đồng, đặc biệt là việc chung tay đóng góp ủng hộ phòng chống dịch COVID-19 và ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi lũ lụt miền Trung... Tổng số tiền thực hiện và cam kết thực hiện dành cho công tác an sinh xã hội của Vietcombank trong năm 2020 lên đến gần 400 tỷ đồng, góp phần chung tay cùng cả nước đẩy lùi dịch bệnh, hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống sau thiên tai, dịch bệnh, tham gia tích cực vào sự nghiệp giáo dục, y tế, xóa đói giảm nghèo... trên cả nước.

Về hoạt động kinh doanh, có thể nói Vietcombank đã tiếp nối một năm 2020 thành công đặt trong bối cảnh phải vượt qua nhiều khó khăn, thử thách. Vietcombank đã khẳng định được nền tảng tài chính bền vững với những kết quả vượt trội trong ngành ngân hàng. Tín dụng tăng trưởng cao 14%, là ngân hàng có quy mô tín dụng tăng trưởng cao nhất trong ngành. Chất lượng tín dụng tốt nhất với tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức thấp chỉ ở mức 0,6%. Chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, cơ cấu hoạt động có sự chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng bền vững.

Với hiệu quả kinh doanh vượt trội, lợi nhuận đạt 23.000 tỷ đồng (tương đương 1 tỷ USD) Vietcombank tiếp tục duy trì vị thế là ngân hàng kinh doanh hiệu quả nhất và là doanh nghiệp niêm yết nộp ngân sách nhà nước lớn nhất. Cổ phiếu VCB đã vượt lên trở thành cổ phiếu có quy mô vốn hóa lớn nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam (~17 tỷ USD).

Trong năm 2020, Vietcombank đã thực hiện đổi mới đột phá trong hoạt động ngân hàng số, đưa vào vận hành thành công Hệ thống ngân hàng lõi mới - Core banking  Signature, ra mắt dịch vụ ngân hàng số hoàn toàn mới VCB Digibank, trở thành ngân hàng chuyển đổi số tiêu biểu trong năm 2020.

Những kết quả vượt trội của Vietcombank trong năm 2020 và giai đoạn vừa qua đã khẳng định vị thế ngân hàng số 1 tại Việt Nam, tạo nền tảng vững chắc để Vietcombank bước vào một giai đoạn phát triển mới - vươn tầm khu vực và thế giới, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển kinh tế xã hội Việt Nam.

Chủ tịch Vietcombank: Sẽ đồng hành cùng khách hàng vượt qua đại dịch ảnh 2Giao dịch tại Vietcombank. (Ảnh: Vietnam+)

- Những doanh nghiệp đã được Vietcombank giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh có tốc độ phục hồi ra sao, thưa ông?

Ông Nghiêm Xuân Thành: Đến thời điểm hiện tại, chúng tôi nhận thấy các khách hàng được Vietcombank cơ cấu nợ về cơ bản đều duy trì được hoạt động ổn định. Dư nợ cơ cấu đã giảm xuống mức 5.000 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2020.

- Có thể khẳng định rằng đối với ngân hàng thì khách hàng là một phần “xương sống” không thể thiếu, nhất là trong thời đại công nghệ thông tin bùng nổ như hiện nay cộng với sự cạnh tranh khốc liệt giữa các ngân hàng. Vậy Vietcombank đã có những động thái gì để giữ chân được khách hàng cũng như giữ được vị thế của Vietcombank trước đây-vốn được biết tới là ngân hàng đi đầu về thẻ và thanh toán quốc tế?

Ông Nghiêm Xuân Thành: Đối với Vietcombank, khách hàng luôn được coi là trung tâm của mọi hoạt động và sự hài lòng của khách hàng là mục tiêu xuyên suốt trong chiến lược phát triển của Vietcombank.

Chúng tôi luôn đặt mình vào vị trí của khách hàng để thấu hiểu và chia sẻ. Mọi chính sách, sản phẩm đều được thiết kế, tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng để đảm bảo quyền lợi, gia tăng tiện ích và chất lượng dịch vụ cho khách hàng tốt nhất. Tất cả những ý kiến góp ý, đánh giá, nhận xét của khách hàng đều được ghi nhận tiếp thu để điều chỉnh kịp thời.

- Hiện Vietcombank đã đứng ở vị trí số 1 về lợi nhuận trong ngành ngân hàng, nhưng như chính ông cũng đã từng chia sẻ lợi nhuận không phải là mục tiêu hàng đầu của ngân hàng, vậy mục tiêu chính của Vietcombank trong năm 2021 này là gì?

Ông Nghiêm Xuân Thành: Năm 2021 dự báo kính tế vẫn tiếp tục bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, do đó Vietcombank đặt mục tiêu kép là đồng hành, hợp tác tối đa cùng khách hàng vượt qua khó khăn bởi đại dịch COVID-19, đồng thời nỗ lực thực hiện kế hoạch kinh doanh được đề ra tại Chiến lược phát triển Vietcombank đến năm 2025. Một số chỉ tiêu kinh doanh chính của Vietcombank trong năm 2021 bao gồm: tín dụng tăng tối thiểu 12%, tỷ lệ nợ xấu dưới 1% và lợi nhuận trước thuế tăng 12%.

- Trong những năm gần đây, song song với việc củng cố và khẳng định vị trí số 1 tại Việt Nam, Vietcombank đã không ngừng "vươn ra biển lớn," được biết năm 2020,  Vietcombank là doanh nghiệp Việt Nam duy nhất lọt vào top 1000 doanh nghiệp niêm yết mạnh nhất  toàn cầu … trong số 2000 doanh nghiệp niêm yết mạnh nhất của Forber bình chọn (đứng thứ 937, tăng 159 bậc so với năm 2019) Vietcombank có dự định cải thiện vị trí này một cách mạnh mẽ hơn vào năm 2021 và thời gian tới?

Ông Nghiêm Xuân Thành: Đại dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực tới các nền kinh tế thế giới cũng như doanh nghiệp lớn toàn cầu. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và biến đổi khí hậu được dự báo sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều yếu tố đột biến, khó lường,

Việt Nam đã thực hiện thành công mục tiêu kép trong năm 2020 là vừa phòng chống dịch COVID-19 và khắc phục thiên tai hiệu quả, vừa duy trì phát triển kinh tế, là điểm sáng của khu vực và quốc tế, kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ có mức tăng trưởng cao trong năm 2021. Với những yếu tố kinh tế vĩ mô thuận lợi đó và nền tảng tài chính vững mạnh của Vietcombank được tích tụ trong thời gian qua, trong năm 2021, chúng tôi đặt mục tiêu nỗ lực để cải thiện tích cực vị trí của Vietcombank trên bản đồ doanh nghiệp thế giới.

Chủ tịch Vietcombank: Sẽ đồng hành cùng khách hàng vượt qua đại dịch ảnh 3

- Mục tiêu của ngân hàng là đứng ở tốp 100 ngân hàng lớn nhất khu vực châu Á và 1 trong 300 tập đoàn tài chính hàng đầu thế giới. Vậy Vietcombank sẽ có những bước đi cụ thể như thế nào để hiện thực hóa mục tiêu này?

Ông Nghiêm Xuân Thành: Để hiện thực hóa mục tiêu này, chúng tôi đề ra chiến lược chuyển dịch trọng tâm kinh doanh vào 4 trụ cột chính là bán lẻ, dịch vụ, kinh doanh vốn và ngân hàng đầu tư. Nâng tỷ trọng thu nhập từ ngân hàng bán lẻ và dịch vụ. Động lực cho tăng trưởng chính là chuyển đổi ngân hàng số, đa dạng hóa các sản phẩm và dịch vụ ngân hàng, gia tăng trải nghiệm khách hàng. Việc ký kết thỏa thuận phân phối bảo hiểm với FWD, triển khai dự án ngân hàng số, triển khai dự án chuyển đổi mô hình kinh doanh bán buôn và bán lẻ… chính là bước chuẩn bị để hiện thực hóa các mục tiêu này của Vietcombank.

Trong những năm gần đây, song song với việc củng cố và khẳng định vị trí ngân hàng số 1 tại Việt Nam, Vietcombank đã không ngừng gia tăng hiện diện tại thị trường nước ngoài. Cùng với các công ty con trước đó tại thị trường Mỹ, HongKong, Văn phòng đại diện tại Singapore, năm 2018, Vietcombank đã chính thức khai trương hoạt động Ngân hàng trách nhiệm hữu hạn Ngoại thương Việt Nam tại Lào.

Năm 2019, khai trương Văn phòng đại diện Vietcombank tại thành phố New York do Cục dự trữ Liên bang Mỹ cấp phép - đánh dấu hiện diện đầu tiên của một văn phòng đại diện ngân hàng thương mại Việt Nam tại thị trường Mỹ. Cùng năm, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thành lập chi nhánh tại Úc. Trong thời gian tới, Vietcombank tiếp tục nghiên cứu mở rộng mạng lưới tại một số quốc gia có thị trường tài chính phát triển tại khu vực và quốc tế.

Với nền tảng quan trọng đạt được trong 50 năm và những kết quả đột phá mạnh mẽ trong hoạt động những năm gần đây, chiến lược phát triển của Vietcombank tiếp tục đặt ra khát vọng mới, chinh phục những mục tiêu thách thức hơn, trong đó có mục tiêu lợi nhuận đạt 2 tỷ USD vào năm 2025.

- Một câu hỏi nhỏ là với tư cách là một cổ đông của Vietcombank, tôi rất “hài lòng” khi năm vừa qua cổ phiếu VCB đã có sự tăng trưởng ngoạn mục trên thị trường chứng khoán và đã vượt mức 100.000 đồng/cổ phiếu, cùng với đó giá trị vốn hóa của Vietcombank đã đạt trên 380.000 tỷ đồng, tương đương 17 tỷ USD, trở thành doanh nghiệp có giá trị vốn hóa lớn nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Vậy trong năm tới, các cổ đông có thể kỳ vọng gì ở sự bứt phá của mã cổ phiếu VCB, thưa ông?

Ông Nghiêm Xuân Thành: Cổ phiếu của Vietcombank đã có giao dịch tăng trưởng vững chắc trong những năm gần đây và hiện tại giá cổ phiếu VCB đang được giao dịch mức giá cao nhất kể từ khi lên sàn vào năm 2009. Điều này thể hiện niềm tin của cổ đông vào hiệu quả  kinh doanh của Vietcombank trong thời gian vừa qua.

Trong năm tới, VCB sẽ tiếp tục nỗ lực tập trung thực hiện các mục tiêu đã đề ra, còn câu chuyện về giá cổ phiếu VCB có lẽ nên để thị trường và các nhà đầu tư quyết định.

- Xin cảm ơn ông, chúc ông và Vietcombank ngày một vững mạnh!

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục