Ông Nguyễn Thế Hùng, Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa khẳng định trước ngày 31/3/2011 sẽ hoàn chỉnh hồ sơ trình UNESCO và nếu mọi thủ tục đều đáp ứng đầy đủ yêu cầu của Ủy ban Bảo vệ Di sản của UNESCO thì đến tháng 11/2012 “Nghệ thuật Đờn ca tài tử” sẽ chính thức trở thành Di sản Văn hóa Phi vật thể của nhân loại. Để chuẩn bị cho việc xây dựng hồ sơ, trong hai ngày 20 và 21/8, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Cục Di sản Văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Cơ quan đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Viện Âm nhạc (Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam) phối hợp tổ chức tập huấn phổ biến thông tư kiểm kê di sản văn hóa và hướng dẫn kiểm kê nghệ thuật đờn ca tài tử cho cán bộ chuyên môn của 21 Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, thành khu vực phía Nam. Theo nhận định của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, căn cứ khoa học để xây dựng hồ sơ đề cử “Nghệ thuật Đờn ca tài tử” vào Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại chính là đất nước Việt Nam có bề dày mấy ngàn năm lịch sử, gìn giữ những giá trị văn hóa phi vật thể tiêu biểu qua các thời kỳ thông qua việc bảo tồn và phát huy giá trị. Bên cạnh đó, chúng ta có những cơ sở pháp lý rất chặt chẽ giúp cho việc đề cử được thuận lợi, đó là Luật Di sản Văn hóa; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản Văn hóa; Công ước về Bảo vệ Di sản Văn hóa phi vật thể năm 2003 của UNESCO. Cục Di sản Văn hóa đã kết luận: "Nghệ thuật Đờn ca tài tử" có nhiều ưu thế hơn so với các loại hình nghệ thuật phi vật thể khác đó là phạm vi hoạt động khá rộng (21 tỉnh thành trải từ miền Đông sang miền Tây Nam Bộ). Chính vì vậy, công tác giữ gìn và phát huy bên cạnh yếu tố thuận lợi cũng không ít những khó khăn. Việc đề nghị đưa bộ môn nghệ thuật này trở thành di sản đại diện nhân loại được xem là cấp bách, giúp cho việc giữ gìn, phát huy được thuận lợi hơn.
Ngày 14/4/2010, Văn phòng Chính phủ đã ra thông báo số 2496/ VPCP-KGVX nêu ý kiến của Thủ tướng đồng ý cho việc lập hồ sơ trình UNESCO đưa “Nghệ thuật Đờn ca tài tử” vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại. Các nhà khoa học đều cho rằng, việc đề cử này là một việc làm thiết thực, có ý nghĩa về nhiều mặt nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa của đất nước, góp phần vào việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Ngày 5/8/2010, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã chính thức công bố quyết định về việc đề cử “Nghệ thuật Đờn ca tài tử” vào Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. |
Nguyễn Anh (Vietnam+)