Chứng khoán Mỹ trái chiều trước các số liệu kinh tế

Thị trường chứng khoán Mỹ ngày 26/4 đã có những phản ứng trái chiều ngay sau khi Bộ Thương mại Mỹ công bố các số liệu kinh tế quý I.
Thị trường chứng khoán Mỹ ngày 26/4 đã có những phản ứng trái chiều ngay sau khi Bộ Thương mại Mỹ công bố các số liệu kinh tế quý I vừa qua.

Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 11,75 điểm (0,08%) lên 14.712,55 điểm, trong khi chỉ số Standard&Poor’s 500 giảm 2,92 điểm (0,18%) xuống còn 1.582,24 điểm, và chỉ số Nasdaq cũng mất 10,73 điểm (0,33%), đóng cửa ở mức 3.279,26 điểm.

Theo giới chuyên gia tài chính, gần một nửa số công ty trong Nhóm chỉ số S&P 500 báo cáo kết quả kinh doanh có lãi trong quý đầu tiên của năm 2013, trong đó có 2/3 số công ty đạt lợi nhuận cao hơn dự kiến.

Giá dầu thế giới cũng có biến động sau khi các chỉ số kinh tế Mỹ được công bố. Trong phiên giao dịch cùng ngày tại New York, giá dầu ngọt nhẹ giao tháng 6 đã giảm 64 cents còn 93 USD/thùng và giá dầu Brent giao tháng 6 cũng giảm 25 cents, đóng cửa giao dịch ở mức 103,16 USD/thùng.

Trước đó, Bộ Thương mại Mỹ ngày 26/4 cho biết tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này trong quý I năm 2013 đạt 2,5%, chỉ tăng 0,4% so với quý trước đó và thấp hơn mức dự báo 3% của giới chuyên gia.

Điều này đã làm dấy lên quan ngại nền kinh tế đầu tàu thế giới này có thể tiếp tục suy giảm. Tuy nhiên, báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ lại nhận định rằng tăng trưởng của nền kinh tế nước này trong ba tháng đầu năm diễn ra trên hầu hết các lĩnh vực.

Sự phát triển mạnh trong lĩnh vực nông nghiệp sau một năm bị hạn hán nghiêm trọng là một nguyên nhân giúp đà phục hồi của nền kinh tế Mỹ khá hơn.

Tăng trưởng GDP của Mỹ trong quý I chủ yếu xuất phát từ mức tiêu dùng mạnh hơn, xuất khẩu và dự trữ của các doanh nghiệp tăng trong khi chi tiêu của chính phủ liên bang giảm. Cụ thể, chi tiêu cho tiêu dùng, yếu tố đóng góp gần 2/3 hoạt động kinh tế Mỹ, đã tăng 3,2% - mức cao nhất kể từ quý IV năm 2010.

Mức chi mạnh nhất của người tiêu dùng là cho các sản phẩm lâu bền như ôtô và bất động sản. Trong khi đó, chi tiêu và đầu tư của chính phủ liên bang lại giảm 8,4% trong quý I vừa qua, thấp hơn nhiều so với mức 14,8% của quý IV năm 2012.

Tỷ lệ lạm phát của Mỹ trong quý chỉ tăng 0,9%, mức tăng nhẹ nhất kể từ quý II năm 2012 trong khi giá tiêu dùng, không kể nhiên liệu và lương thực, chỉ tăng 1,2%, thấp hơn mức 2% mà Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đặt ra.

Viện sĩ cao cấp của Viện Brookings, ông Justin Wolfers cho rằng nền kinh tế Mỹ đang đón nhận cả tin tốt lẫn tin xấu. Tin tốt là người tiêu dùng lại quan tâm đến việc chi tiêu, còn tin xấu là hoạt động của các công ty chưa có nhiều dấu hiệu lạc quan và đầu tư vẫn chưa mạnh.

Còn ông Avery Shenfeld, nhà kinh tế trưởng của công ty CIBC World Markets Economics, cho rằng tuy đã lấy lại được đà trong quý I, nhưng tốc độ tăng GDP thấp hơn dự kiến có thể sẽ làm tăng mối lo ngại về chiều hướng phát triển chậm lại hơn nữa của nền kinh tế Mỹ trong quý II, nhất là khi việc cắt giảm ngân sách tài khóa 2013 tự động bị cắt giảm 85,4 tỷ USD đã bắt đầu tác động tới một loạt lĩnh vực.

Tốc độ tăng trưởng chậm hơn cũng sẽ là lý do để FED có thể sẽ tiếp tục duy trì chính sách lãi suất thấp gần như bằng 0 để kích thích vay mượn và gói cứu trợ thứ 3 (QE-3), theo đó mỗi tháng tung ra 85 tỷ USD để mua lại các trái phiếu liên quan tới thế chấp./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục