Trời tờ mờ sáng. Gió từ cánh đồng phía xã Sơn Lôi vẫn hun hút thổi. Thượng tá Hoàng Việt Lào khẽ rùng mình, kéo cao chiếc khẩu trang nhìn con đường đất vắng tanh dẫn vào làng.
Tính trong cả chiến dịch khoanh vùng tại xã Sơn Lôi (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) – địa phương đầu tiên của Việt Nam buộc phải tiến hành cách ly, Thượng tá Lào đã cùng hàng chục cán bộ công an tỉnh Vĩnh Phúc có hơn 20 ngày cùng ăn, cùng thức để chặn dịch lây lan.
Anh chỉ là một trong số hàng trăm, hàng nghìn con người đã và đang ở mặt trận tiền tiêu trong cuộc chiến không khoan nhượng với kẻ thù mang tên COVID-19.
Phải mất rất lâu, chúng tôi mới tìm được Thượng tá Hoàng Việt Lào (Phó trường phòng An ninh chính trị nội bộ Công an tỉnh Vĩnh Phúc, kiêm Phó trường ban chỉ huy tại các chốt ở vùng dịch Sơn Lôi). Những ngày cuối tháng 2 đầu tháng 3, người đàn ông dáng mảnh khảnh chạy như con thoi suốt 12 điểm chốt tại “vùng nóng” này.
Thượng tá Lào kể lại: Ngay từ khi có thông tin về dịch COVID-19 xuất hiện tại địa phương, Ban Giám đốc Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã lên kế hoạch ứng phó khẩn cấp. Chính vì vậy, khi xác định có 6/16 trường hợp dương tính với COVID-19 [trong giai đoạn I-PV], phương án lập chốt khoanh vùng để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan đã được tiến hành.
Thượng tá Lào nhận lệnh dẫn quân vào điểm nóng khi cái Tết cổ truyền mới vừa qua không lâu. Anh chỉ kịp dặn vợ con ở nhà yên tâm rồi cùng đồng đội lên xe, xé màn đêm chạy về phía Bình Xuyên.
[Hình ảnh những bác sỹ làm việc nơi tâm dịch COVID-19]
Nhớ lại khoảng thời gian 3 tuần ấy, Phó trưởng ban chỉ huy “chiến dịch” cho hay: “Khi nhận nhiệm vụ, chúng tôi cũng không biết sẽ phải đi trong bao lâu. Nhưng tất cả đều rất quyết tâm với tinh thần: Dập dịch xong mới trở về nhà. Anh em cố gắng động viên nhau vững lòng, vững tâm để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao phó.”
Do Sơn Lôi là một địa bàn đông dân, diện tích tương đối rộng, lại nằm án ngữ trước một số khu công nghiệp trọng điểm của tỉnh Vĩnh Phúc nên trách nhiệm đặt trên vai tổ công tác đặc biệt càng nặng nề. Gần như ngay lập tức, đồn Công an Bá Thiện nguyên là đồn phụ trách an ninh cho Khu công nghiệp Bá Thiện được trưng dụng gấp làm Ban chỉ huy.
Một dãy lán nhanh chóng mọc lên bên hông nhà ăn. Bên trong, 4 dãy giường tầng tuyềnh toàng được kê vội, dành để cho các chiến sỹ ngả lưng sau mỗi ca trực chốt trở về. Phòng chỉ huy trên tầng không mấy khi tắt đèn.
“Sơn Lôi có rất nhiều đường nội đồng, đường nhánh ra vào làng. Vì vậy, chúng tôi phải tính toán kỹ mọi phương án có thể xảy ra, quyết tâm không để người từ vùng dịch di chuyển sang các địa phương khác,” Thượng tá Lào kể.
Với tinh thần chống dịch như chống giặc, 12 chốt giữ đã được lập tại các tuyến đường chính. Mỗi chốt sẽ có 6 cán bộ liên ngành bao gồm công an, bộ đội và bác sỹ.
Những ngày tháng căng như dây đàn – đó là Thượng tá Lào định danh cho quãng thời gian làm nhiệm vụ ở “vùng nóng” Sơn Lôi. Lực lượng y tế phải hoạt động gần như hết công suất để phun khử khuẩn, đo thân nhiệt tại chốt. Trong khi đó, lực lượng công an cũng ứng trực 24/24 để đảm bảo giữ nghiêm tình trạng “nội bất xuất, ngoại bất nhập.”
Những ngày đầu tháng 2 khi đoàn công tác bắt đầu về, trời Sơn Lôi bỗng lạnh buốt. Mưa cũng rả rích, dầm dề khiến anh em ai cũng ướt nhẹp, dẫu đã được trang bị đủ áo. Đứng giữa điểm chốt dẫn qua con đường nội đồng, các chiến sỹ cơ động trẻ măng cứ run lên từng chập.
Dãy lều bạt dã chiến, trước sức gió lớn rùng mình, rung rinh. Gió lùa qua những khe buộc sơ sài, thốc thẳng vào mặt người nằm trong khiến cả giấc ngủ cũng chập chờn hơi nước.
Thượng tá Hoàng Việt Lào kể lại: Có đêm, do gió và mưa quá lớn, một lều dã chiến đặt tại ven đường quốc lộ đã bị thổi bật tung.
“Anh em chiến sỹ lúc ấy người thì chạy đi níu bạt, người thì che cho nhau. Tất cả đều rét run lên. Nhưng không ai rời chốt, không ai bỏ điểm gác của mình. Sáng sớm ra, người dân trong làng biết tin lại kéo nhau ra, gom củi khô đốt một đống lửa thật lớn cho anh em. Chúng tôi ai cũng cảm thấy ấm lòng,” anh hồi tưởng.
Hạ sỹ Nguyễn Quốc Long (sinh năm 2000) lại là một trường hợp rất đặc biệt khác. Bảo là con trai lớn trong gia đình có 3 anh em ở thôn Ngọc Bảo, xã Sơn Lôi. Nhà của cậu chỉ cách điểm chốt số 1 chừng 300m. Thế nhưng, suốt từ giữa tháng 2 đến tận khi Sơn Lôi được dỡ phong tỏa, chàng hạ sỹ trẻ măng ấy vẫn chưa một lần được về nhà.
"Nhiệm vụ của chúng tôi là phải đảm bảo kỷ luật và an toàn tuyệt đối. Vì vậy, những ngày đó, tôi chỉ có thể gặp mẹ khi mẹ ra tiếp tế bánh kẹo, hoa quả và đồ ăn, thức uống cho các đoàn đang làm nhiệm vụ ở đầu làng,” Long tâm sự.
Thượng tá Hoàng Việt Lào cho biết thêm: Mặc dù phải xa nhà, nhưng tất cả các cán bộ chiến sỹ đều xác định 3 cùng với bà con là cùng ăn, cùng ngủ và cùng cách ly với Sơn Lôi.
"Ở thời điểm nước sôi lửa bỏng, dường như tâm trí chúng tôi cũng dồn hết cho công việc nên thời gian trôi đi rất nhanh. Công việc cuốn mình đi, chỉ những lúc đêm xuống nằm một mình mới có thời gian nhớ đến gia đình thì đã sắp đi vào giấc ngủ. Những người lãnh đạo như chúng tôi dù xa nhà cũng không vất vả bằng anh em ở hiện trường. Chúng tôi vất vả 1 thì các chiến sĩ vất vả 10,” Đại tá Đinh Ngọc Khoa – Giám đốc Công an tỉnh Vĩnh Phúc nhận xét.
Nhờ nỗ lực không biết mệt mỏi của các cán bộ chiến sỹ công an nói riêng và lực lượng liên ngành nói chung, điểm nóng Sơn Lôi đã được giữ vững đến tận những ngày đầu tháng 3, khi hàng rào phong tỏa được dỡ bỏ. Những chàng trai mặc áo lính lần đầu tiên rời chốt sau 3 tuần làm nhiệm vụ. Phía sau họ, làng quê vốn một thời không ngủ yên vì COVID-19 lại trở về nhịp sống bình yên như ngày nào.
Câu chuyện ghi nhanh ở Sơn Lôi thật ra chỉ là một lát cắt rất nhỏ về những người đứng đầu trận tuyến chống dịch COVID-19. Sau Vĩnh Phúc, một loạt các địa phương khác như Hà Nội, Ninh Thuận, Bình Thuận, thành phố Hồ Chí Minh... cũng lần lượt bước vào cuộc chiến của riêng mình. Và ở đó, những chiến sỹ áo xanh vẫn đang thức cùng đội ngũ y bác sỹ, quân đội... để giữ yên an ninh, an toàn cho các thành phố.
Họ sẽ không ngủ đến khi cuộc chiến này giành được thắng lợi sau cùng./.
[Video] Tâm sự của Thượng tá Công an có 3 tháng trong vùng dịch