Chuyên gia hiến kế phát triển tiêu dùng để đẩy lùi tín dụng đen

Các chuyên gia cho rằng, để từng bước đẩy lùi tín dụng đen, cần tăng cường công tác thông tin truyền thông về tín dụng tiêu dùng trên toàn quốc, nhất là các địa bàn đang là điểm nóng về tín dụng đen.
Chuyên gia hiến kế phát triển tiêu dùng để đẩy lùi tín dụng đen ảnh 1Các đại biểu tham dự tọa đàm. (Ảnh: T.H/Vietnam+)

Gần đây, tín dụng đen đã bùng phát mạnh mẽ ở nước ta. Điều này cho thấy nhu cầu về các khoản vay nhỏ, cấp bách của người dân rất lớn trong khi các khoản cho vay truyền thống chưa đáp ứng được các nhu cầu này. Đây là dư địa rất lớn cho tín dụng tiêu dùng phát triển.  Hệ luỵ của tín dụng đen đối với xã hội là rất lớn nhiều gia đình rơi vào cùng quẫn vì rơi vào bẫy của tín dụng đen và không được pháp luật hỗ trợ.

Do đó phát triển tín dụng tiêu dùng sẽ cung cấp cho người dân nhiều lựa chọn tốt hơn, an toàn hơn qua đó giảm bớt nhu cầu tiếp cận tín dụng đen và các hệ luỵ mà tín dụng đen mang lại.

Đó là nhận định của các đại biểu tại tọa đàm “Phát triển tín dụng tiêu dùng – Giải pháp đẩy lùi tín dụng đen” do báo Đầu tư tổ chức ngày 15/3 tại Hà Nội.

Tín dụng tiêu dùng bắt đầu phát triển mạnh

Tại tọa đàm, tiến sỹ Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng cho biết, tín dụng tiêu dùng phát triển khá nhanh trong 8 năm qua. Tính đến cuối năm 2012, tổng dư nợ cho vay tiêu dùng khoảng 230.000 tỷ đồng, chiếm 8% tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế. Đến cuối năm 2018, dư nợ tín dụng tiêu dùng đạt khoảng 1,4 triệu tỷ đồng (gấp 6 lần năm 2012), chiếm khoảng 19,4% tổng dư nợ của nền kinh tế.

[Quyết liệt không để người dân rơi vào bẫy tín dụng đen]

Hiện tại, thị trường tài chính tiêu dùng chi phối bởi 3 công ty tài chính lớn như FE Credit (chiếm khoảng 48% thị phần), Home Credit (17%) và HDSaison (10%) (theo Stockplus 2018); các công ty khác như Prudential Finance, Toyota Finance. JACCS, Mirae Asset, McCredit… cũng tích cực tham gia hoạt động này.

Các chuyên gia cũng cho rằng, tín dụng tiêu dùng giúp các ngân hàng thương mại đa dạng hóa sản phẩm tín dụng, từ đó đa dạng hóa các nguồn thu. Nguồn thu của các ngân hàng thương mại Việt Nam hiện nay tập trung vào kênh tín dụng là chủ yếu trong bối cảnh các sản phẩm dịch vụ khác chưa phát triển thì việc đa dạng hóa trong chính sản phẩm tín dụng là chiến lược hợp lý. Đặc biệt, thị trường tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa và đầy tiềm năng để các ngân hàng thương mại khai thác.

Tại tọa đàm, ông Nguyễn Tú Anh, Vụ Phó Vụ Chính sách tiền tệ Ngân hàng Nhà nước thông tin, tình trạng tín dụng đen đang bùng phát mạnh mẽ ở nước ta cho thấy nhu cầu về các khoản vay nhỏ, cấp bách của người dân rất lớn trong khi các khoản cho vay truyền thống chưa đáp ứng được các nhu cầu này. Đây là dư địa rất lớn cho tín dụng tiêu dùng phát triển.

“Hệ luỵ của tín dụng đen đối với xã hội là rất lớn, nhiều gia đình rơi vào cùng quẫn bởi vướng bẫy của loại hình tín dụng này và không được pháp luật hỗ trợ. Do đó, phát triển tín dụng tiêu dùng sẽ cung cấp cho người dân nhiều lựa chọn tốt hơn, an toàn hơn qua đó giảm bớt nhu cầu tiếp cận “tín dụng đen” và các hệ luỵ mà loại hình này mang lại,” ông Nguyễn Tú Anh nêu quan điểm.

Chuyên gia hiến kế phát triển tiêu dùng để đẩy lùi tín dụng đen ảnh 2Nhiều người thiếu tiền đã phải tìm đến tín dụng đen. (Ảnh: T.H/Vietnam+)

Bên cạnh đó, tiến sỹ Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương chia sẻ: Sự nổi lên của tầng lớp thu nhập trung bình ở Việt Nam trong thập niên qua đã kéo theo thay đổi đáng kể về hành vi tiêu dùng đó chính là: không nhất thiết phải là “tiết kiệm trước, tiêu sau”, mà có thể là “vay mua trước, trả sau”.

Như vậy, cho vay tiêu dùng đáp ứng nhu cầu chi tiêu/tiêu dùng hiện đại, qua đó giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tăng cường tiếp cận các dịch vụ tài chính – ngân hàng hiện đại, tổ chức tài chính chính thức, giúp người dân có thêm lựa chọn thay vì tìm đến tín dụng phi chính thức.

Tiến sỹ Trần Kim Anh, Phó Vụ trưởng Vụ kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương cũng cho rằng, đối với nền kinh tế và xã hội, tín dụng tiêu dùng giúp nâng cao cơ hội tiếp cận tài chính cho người dân, giúp kế hoạch tiêu dùng diễn ra suôn sẻ giữa các chu kỳ biến động của thu nhập, do vậy góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống và gia tăng công bằng xã hội, hạn chế cho vay nặng lãi, tín dụng đen đang ngày càng gia tăng và biến tướng trong xã hội hiện nay.

Mặc dù vậy, các đại biểu cũng đưa ra phân tích tín dụng tiêu dùng sẽ có rủi ro. Thứ nhất, chủ yếu do người đi vay tiêu dùng ít có các kiến thức về đánh giá và phòng ngừa rủi ro hơn các doanh nghiệp. Do đó họ thường đánh giá quá cao khả năng trả nợ của họ và đánh giá quá thấp các rủi ro đối với dòng tiền trong tương lai của mình. Ngoài ra sức ép cạnh tranh giữa các tổ chức tín dụng với nhau trong việc tranh dành thị phần cũng làm cho các tổ chức tín dụng sẵn sàng cho vay quá mức hoặc cho vay dưới chuẩn. Cuộc khủng hoảng tiền tệ tại Mỹ năm 2008 là ví dụ điển hình cho loại rủi ro này.

Thứ hai, đối với các ngân hàng thương mại hoặc tổ chức tài chính chuyên cho vay tiêu dùng, rủi ro lớn nhất họ gặp phải là rủi ro mà người đi vay mất khả năng chi trả hàng loạt. Các rủi ro này thường gắn với các vấn đề vĩ mô/hệ thống như rủi ro về lãi suất, chính trị, môi trường kinh doanh. Các rủi ro mất khả năng thanh toán của từng cá thể có thể không gây bùng nổ nợ xấu cho các tổ chức tín dụng nếu rủi ro đó từ phía khách hàng. Tuy nhiên, nếu rủi ro đó từ rủi ro hoạt động của chính tổ chức tín dụng thì có thể gây ra đổ vỡ cho chính tổ chức tín dụng.

Giải pháp cho phòng chống tín dụng đen

Theo ông Nguyễn Tú Anh, tín dụng tiêu dùng vẫn còn là một mảnh đất nhiều tiềm năng phát triển cả về phía cung và phía cầu vì thu nhập và đời sống của người dân/hộ gia đình ngày càng cải thiện. Số người trẻ tuổi theo độ tuổi từ 15-24 tuổi hiện chiếm khoảng 18% cơ cấu dân số, như vậy, với dân số 93 triệu người thì có khoảng 16,7 triệu người trẻ tuổi có thể hứa hẹn một thị trường khá lớn cho tín dụng tiêu dùng.

Chuyên gia hiến kế phát triển tiêu dùng để đẩy lùi tín dụng đen ảnh 3Ông Nguyễn Tú Anh, Vụ Phó Vụ Chính sách tiền tệ Ngân hàng Nhà nước trả lời phỏng vấn. (Ảnh: T.H/Vietnam+)

Bên cạnh đó, sự phát triển nhanh như vũ bão của công nghệ thông tin và thương mại điện tử sẽ là động lực tác động mạnh đến hành vi tiêu dùng của người dân và cả các nhà cung cấp dịch vụ tín dụng tiêu dùng.

Để phát triển tương xứng với dư địa sẵn có, góp phần đẩy lùi “tín dụng đen”, bà Trần Kim Anh cho rằng: Thứ nhất, cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động tín dụng, ngân hàng. Thứ hai, mở rộng mạng lưới hoạt động của các tín dụng tiêu dùng ở những địa bàn có mạng lưới hoạt động ngân hàng chưa tương xứng với nhu cầu tiếp cận tín dụng, dịch vụ ngân hàng của người dân, nhất là những địa bàn đang là điểm nóng về tín dụng đen hiện nay để tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của người dân; Thứ ba, giáo dục, nâng cao nhận thức cho người dân; Thứ tư, giảm thiểu rủi ro tín dụng tiêu dùng.

Đặc biệt, theo bà Kim Anh, để từng bước đẩy lùi tín dụng đen, cần tăng cường công tác thông tin truyền thông về tín dụng tiêu dùng trên toàn quốc, nhất là các địa bàn đang là điểm nóng về tín dụng đen để người dân nắm bắt đầy đủ các chính sách tín dụng ngân hàng, đặc biệt là chính sách tín dụng tiêu dùng và chủ động tiếp cận với nguồn vốn tín dụng ngân hàng hoặc đề nghị ngân hàng thực hiện các biện pháp cơ cấu lại nợ khi gặp khó khăn không trả được nợ đúng hạn.

Còn luật sư Trần Mạnh Hải, Giám đốc điều hành Công ty Luật Basico cũng kiến nghị, cần gạt bỏ các quy định bắt buộc về nhu cầu vay vốn, hồ sơ vay vốn từ các quy định hiện hành của Ngân hàng Nhà nước trong hoạt động cho vay tiêu dùng; cần cấp phép thành lập mới các tổ chức tài chính, tín dụng để tăng nguồn cung, đáp ứng nhu cầu của người dân. Đây là nhu cầu thiết thực với sự sẵn sàng tham gia thị trường của nhiều tổ chức định chế tài chính trong nước và nước ngoài.

Ngoài ra, cần xây dựng một khuôn khổ pháp lý quy định về hoạt động cho vay tiêu dùng, bảo đảm sự hài hòa giữa các chức năng bảo vệ người tiêu dùng và điều tiết các tổ chức tín dụng theo thông lệ quốc tế và phù hợp với thực tế Việt Nam.

Khi hành lang pháp lý về các công ty tài chính được hoàn thiện, sẽ có thêm nhiều đơn vị tham gia cung ứng dịch vụ này. Sự cạnh tranh lành mạnh giữa các công ty thông qua việc gia tăng quyền lợi để thu hút khách hàng sẽ gián tiếp khiến lãi suất vay tiêu dùng “dễ thở” hơn, giúp nhiều người dân dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ tài chính chất lượng cao./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục