Chuyên gia kinh tế: Giá dầu có thể ở dưới mức 100 USD đến hết 2024

Chuyên gia kinh tế Bùi Ngọc Sơn dự báo do cộng hưởng nhiều yếu tố như: cầu giảm, tăng trưởng giảm, FED tăng lãi suất... giá dầu sẽ ở dưới mức 100 USD/thùng và có thể duy trì đến hết năm 2024.
Chuyên gia kinh tế: Giá dầu có thể ở dưới mức 100 USD đến hết 2024 ảnh 1Hội thảo "Sốc dầu lửa

Theo chuyên gia kinh tế Bùi Ngọc Sơn (Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới), mặc dù biến động giá dầu trên thế giới có thể tác động trực tiếp tới tăng trưởng kinh tế toàn cầu, đặc biệt cuộc xung đột chính trị giữa Nga và Ukraine tiếp tục khiến mặt hàng “vàng đen” nổi sóng, kéo theo giá cả nhiều mặt hàng leo thang, song dự báo giá dầu về cơ bản dù hay biến đổi nhưng sẽ không cao, nếu cao cũng không kéo dài.

Thông tin trên được đưa ra tại Hội thảo khoa học: “Sốc dầu lửa: Tác động và các chiến lược giảm thiểu rủi ro (Hàm ý chính sách cho Việt Nam),” do Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, phối hợp với Quỹ Konrad Adenauer Stiftung (KAS) tổ chức chiều 11/8, tại Hà Nội.

Hội thảo có sự tham dự của các nhà nghiên cứu, các chuyên gia về chính sách, về quan hệ quốc tế, các chuyên gia đến từ Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam; Viện Nghiên cứu quốc tế và An ninh của Đức; Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Bộ Công Thương…

[Từ cam kết tại COP26: Việt Nam sẵn sàng cho một cuộc đổi mới xanh]

Phát biểu tại hội thảo, chuyên gia Bùi Ngọc Sơn phân tích hiện thị trường dầu lửa đã thay đổi về chất, trong đó điểm đáng chú ý là Tổ chức các nước dầu lửa (OPEC) không còn độc quyền như trước. Cùng đó, thị trường cạnh tranh hơn, dù nhiều thay đổi nhưng cũng không cực đoan.

Hơn nữa, việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) nâng mạnh lãi suất, trong khi giá dầu lại tính bằng đôla và khi đồng “bạc xanh” này mạnh lên thì giá dầu sẽ biến động ngược chiều.

Ông Sơn nhận định cộng hưởng các yếu tố như cầu giảm, tăng trưởng giảm, dầu phiến sẽ được khai thác nhiều để đẩy giá dầu lửa xuống, FED tăng lãi suất và OPEC giảm vai trò, còn châu Âu cũng sẽ giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn cung từ Nga…, thì thời gian tới giá dầu lửa sẽ đi xuống.

“Gía dầu về cơ bản dù hay biến đổi nhưng sẽ không cao, nếu cao cũng không kéo dài và thời điểm như hiện nay, cùng với các yếu tố phân tích ở trên, giá dầu sẽ ở dưới mức 100 USD/thùng và có thể kéo dài đến hết 2024,” chuyên gia này dự báo.

Còn theo tiến sỹ Vương Quang Lượng, Viện nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Bộ Công Thương, trước biến động của giá dầu, nhiều nước đã đẩy nhanh việc chuyển đổi sang nguồn năng lượng thay thế nhằm giảm phụ thuộc vào nguồn hóa thạch.

Trong khi với Việt Nam, là nước vừa xuất khẩu vừa nhập khẩu dầu thô, việc giá dầu biến động có thể tác động tới nguồn thu ngân sách, lạm phát và áp lực lên giá cả hàng hóa.

Vì vậy, để giảm các tác động bất lợi do giá dầu biến động mạnh, vị chuyên gia này khuyến nghị cần khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên dầu mỏ; khuyến khích sử dụng nguồn năng lượng thay thế, gồm năng lượng tái tạo, năng lượng xanh đồng thời đầu tư nguồn lực gắn với ứng dụng công nghệ mới để nâng cao hiệu quả khai thác và sản xuất, tập trung phát triển công nghệ lọc hóa dầu để đảm bảo sự phát triển bền vững cho ngành dầu khí quốc gia, qua đó khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên hiệu quả.

Trong khi đó, Phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược và Ngoại giao (Học viện Ngoại giao), cho rằng việc giá dầu biến động không chỉ liên quan tới yếu tố kinh tế quốc tế mà còn phụ thuộc vào yếu tố chính trị.

Ông cũng đồng tình việc giá dầu trong giai đoạn tới có thể không vượt quá 100 USD/thùng, trong đó yếu tố quan trọng là việc các quốc gia tuân thủ và thực hiện các cam kết tại Hội nghị COP21 và COP26 về cắt giảm lớn lượng khí thải CO2 một cách nhanh chóng và bền vững, bao gồm giảm 45% lượng phát thải CO2 vào năm 2030 so với mức năm 2010 và về 0 vào khoảng giữa thế kỷ, điều này sẽ dẫn tới nhu cầu tiêu thụ dầu lửa đi xuống và tác động tới giá dầu.

Nhấn mạnh với Việt Nam, dù là nước vừa xuất khẩu và nhập khẩu dầu lửa, song chủ yếu là nhập siêu mặt hàng này, tiến sỹ Nguyễn Anh Tuấn cũng khuyến nghị Bộ Công Thương và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cần tập trung chính sách cho việc đầu tư, xây dựng các kho dự trữ xăng dầu quốc gia, qua đó có thể dự phòng rủi ro cũng như đảm bảo an ninh năng lượng của đất nước./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục